VINAGRI News - VFA cho rằng việc tăng giá gạo xuất khẩu 25% tấm lên 375 USD/tấn có thể mang lợi nhiều cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của nước nhà. Điều đó không sai, nhất là trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị ép giá, dìm giá, rớt giá, người nông dân khốn đốn- nhất là người trồng lúa. Việc quy định giá sàn cũng được xem là nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng giá trị của gạo Việt Nam khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cho rằng, chưa thể vội mừng. Ý kiến của họ cũng cần được tham khảo để nông phẩm Việt Nam được giá.
Ảnh: Hoàng Long
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Bích "đặt ngược” câu hỏi với phóng viên Đại Đoàn Kết rằng: -Loại gạo xuất khẩu chính của Việt Nam là gì? Là 5% tấm hay 25% tấm? Gạo 25% tấm định giá xuất khẩu 375 USD tấn có nghĩa là gạo 5% tấm chỉ có thể được bán ở mức 376 USD/tấn hay sao? Theo ông Bích, như vậy thì giá trị thực của hạt gạo chưa chắc đã được nâng lên.
Định hướng giá gạo xuất khẩu
Tăng giá loại gạo 25% tấm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có thể được nhìn nhận như định hướng cho DN làm công tác xuất khẩu. Giá các loại gạo xuất khẩu khác như gạo 5% tấm, 10% tấm, 15% tấm hay 20% tấm sẽ không được chào bán thấp hơn 375 USD/tấn- các DN sẽ hiểu như vậy.
Tuy nhiên, nhìn tổng quát, bỏ qua câu chuyện từ lâu nay các DN luôn cạnh tranh hợp đồng, xuất khẩu dưới giá sàn thì nay việc ấn định giá nâng giá gạo Việt Nam rõ ràng là việc nên làm. Bởi, lâu nay, giá gạo Việt Nam đã tách khỏi mặt bằng giá gạo thế giới, trở thành nguồn cung cấp rất rẻ do nhiều yếu tố, như chất lượng gạo thấp, thương hiệu gạo không có; hoặc là tự mình cạnh tranh lẫn nhau, và cũng không biết cách làm thương hiệu. Không nói ra thì cũng không nhiều người biết dù đứng hàng đầu về lượng gạo xuất khẩu nhưng giá gạo xuất khẩu Việt Nam lại thua giá xuất khẩu của Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan... và thua xa gạo Thái Lan.
Do giá chào mời xuất khẩu thấp, nên DN quay trở lại ép giá thu mua từ người nông dân. Chưa bao giờ, người nông dân đạt được đúng 30% lợi nhuận như Chính phủ mong muốn.
Do vậy, khi áp dụng mức giá sàn mới 375 USD/tấn, tăng lên 3% so với 365 USD/tấn đã ấn định trong tháng 6-2013, cũng là một biện pháp gỡ khó cho người nông dân, gỡ rối cho việc xuất khẩu gạo, đồng thời nâng giá trị hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, đó chưa hẳn đã là con số làm người trồng lúa "vui trở lại”.
Nhiều DN cho rằng việc tăng giá gạo xuất khẩu là dấu hiệu tốt đối với thị trường. Điều chỉnh giá sẽ tác động thuận lợi tới xuất khẩu, thời gian tới trị giá xuất khẩu gạo thu lại sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, các DN cũng khuyến cáo, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc mua bán, tránh xảy ra tình trạng DN xuấ khẩu ngấm ngầm hạ giá để cạnh tranh lẫn nhau; đồng thời vẫn ép giá người trồng lúa.
. Ảnh: Minh Đức
Không phải phép màu
Điều chỉnh giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá trong nước thấp- tuy nhiên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long TS Lê Văn Bảnh cho rằng mức 375 USD/ tấn cũng là một mức giá thấp nếu đặt đối sánh với gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ. "Suy cho cùng, việc nâng giá xuất khẩu cũng vì hỗ trợ người nông dân nhưng nâng 3% thì người nông dân cũng chẳng thu được lợi gì mấy”, ông Bảnh nhận xét.
Vị Viện trưởng tính toán, nhân 0,375 USD/kg gạo với giá đôla hiện nay là 21,242 đồng/kg, như vậy mỗi kg gạo chỉ có giá hơn 8.000 đồng. Sau khi DN trừ hao chi phí đóng gói, vận chuyển- giá lúa DN mua của người nông dân cũng chỉ khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg. Giá thu mua không khác biệt nhiều với giá lúa hiện tại.
Thật vậy, trước khi VFA nâng giá ấn định xuất khẩu gạo 25% tấm, chính hiệp hội này cũng cho biết giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.000 - 5.100 đ/kg, lúa dài khoảng 5.200 - 5.300 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.450 - 6.550 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.100 - 6.200 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.450 - 7.550 đ/kg, gạo 15% tấm 7.100 - 7.200 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.850 - 6.950 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Từ phân tích trên, TS Lê Văn Bảnh khẳng định, về cơ bản người nông dân không được hưởng lợi từ việc thay đổi giá gạo xuất khẩu.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Bích cũng cho biết: trong cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam, loại gạo đóng chủ lục là gạo 5%. tấm Vậy thì ấn định giá mới cho loại gạo 25% tấm không thể nâng giá gạo Việt Nam lên như mong muốn. Giá gạo xuất khẩu bình quân cũng không hề thay đổi.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát:
Lúa gạo là lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, nhưng hiện nay giá cả thị trường lên xuống bất thường khiến người nông dân gặp khó. Để tăng thu nhập cho người nông dân phải xây dựng ngành lúa với sự kết hợp giữa nông dân - doanh nghiệp - chế biến và tiêu thụ để trở thành một chuỗi thông suốt và phân chia lợi ích một cách hài hòa.
Ở ta đang trồng nhiều giống lúa, trong đó có cả loại chất lượng cao và thấp. Một số doanh nghiệp mua và trộn lẫn các loại với nhau, dẫn đến gạo của Việt Nam khi xuất khẩu không giống các nước khác. Điều đó làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của gạo Việt Nam và phải được điều chỉnh.
Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, TS Lê Văn Bảnh:
Mức sàn 375 USD/ tấn cũng là một mức giá thấp nếu đặt đối sánh với gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ. Suy cho cùng, việc nâng giá xuất khẩu cũng vì hỗ trợ người nông dân nhưng nâng 3% thì người nông dân cũng không thu được lợi mấy. Người nông dân chỉ mát mặt khi chất lượng hạt gạo nâng lên theo chuẩn quốc tế.
Không xuất khẩu kiểu hàng chợ
Viện trưởng Viện Lúa khẳng định, muốn nâng giá trị hạt gạo Việt Nam phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghĩa là không xuất khẩu gạo theo kiểu hàng chợ. Cơ quan quản lý, đặc biệt là DN xuất khẩu chủ động tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng đặt hàng từ phía nhập khẩu. Chẳng hạn như, thị trường châu Âu muốn mặt hàng gạo gì, thị trường Mỹ muốn gạo gì. Lúc đó DN sẽ đặt hàng trực tiếp người nông dân, người nông dân tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Giá gạo xuất khẩu bình quân không chỉ dừng lại ở 445 USD/ tấn như hiện nay mà sẽ là 570 USD tấn như Thái Lan, hoặc cao hơn nữa.
Biện pháp thứ hai được TS Bảnh đưa ra là hướng người trồng lúa tiến tới các tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGAp. Khi đó, chất lượng gạo sẽ tương ứng với giá gạo, và như vậy người trồng lúa mới "mát mặt”.
Thúy Hằng/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: