VINAGRI News - Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu từ năm 2013-2015 đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỉ đô la Mỹ, bình quân 1,4-1,5 tỉ đô la Mỹ/năm.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh:TL.
Theo báo cáo tại Đại hội toàn thể nhiệm kỳ 8 diễn ra hôm nay ngày 21-12 tại TPHCM, Vinacas cho biết, năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu được 220.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 1,45 tỉ đô la Mỹ.
Nhân điều được xuất đi hơn 100 thị trường, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất, tiêu thụ 35% khối lượng điều nhân xuất khẩu, kế sau là Trung Quốc với 20% khối lượng và EU.
Tiếp tục thành tích trên, Vinacs đặt mục tiêu xuất khẩu mỗi năm từ 1,45-1,5 tỉ đô la Mỹ trong suốt 3 năm 2013-2015.
Theo Vinacas, muốn đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp hội viên cần tập trung giải quyết một số việc như tập trung nuôi dưỡng các thị trường truyền thống thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Úc; xúc tiến xuất khẩu mạnh qua các thị trường Trung Đông, Đông Âu, Bắc Á và các quốc gia ASEAN.
Vinacas cũng đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ diễn biến thị trường để có quyết định phù hợp trên cơ sở tiềm lực tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đạt mục tiêu đề ra, Vinacas đã đề nghị cho ngành điều được hỗ trợ 43.500 tỉ đồng vốn vay ngắn hạn, trung hạn để mua và nhập khẩu điều thô giai đoạn 2013-2015; đề nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu điều thô xuống còn 0,5% vì ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể sản xuất được 50% lượng điều nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu; đề nghị gia hạn thời gian ân hạn thuế đối với tờ khai điều thô nhập khẩu lên 6 tháng hoặc 1 năm…
Năm 2012 là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều. Công ty cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An là một ví dụ. Tuy là doanh nghiệp lớn và lâu năm trong năm trong ngành nhưng 9 tháng đầu năm nay công ty bị lỗ lũy kế tới 132,6 tỉ đồng do không dự báo được tình hình thị trường, giá nhân điều sẽ giảm mạnh.
Theo dự báo của Vinacas, từ năm 2013 trở đi, nông sản xuất khẩu, bao gồm hạt điều ngoài khó khăn về thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật thương mại của các quốc gia nhập khẩu. Đó là Luật sửa đổi bổ sung các quy định an toàn thực phẩm (FSMA) của Cục An toàn thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA); các quy định kiểm soát nhập khẩu và rào cản kỹ thuật của thị trường EU, Australia, Trung Quốc.
Để vượt qua thách thức này thì ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt các khâu từ thu mua, chế biến và bảo quản sản phẩm, đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Phạm Thái/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: