VINAGRI News - Phân bón (PB) Ami-Ami là sản phẩm của Cty Ajinomoto VN có địa chỉ tại Đồng Nai, được đưa vào sử dụng cho cây lúa từ năm 2008 và được bán rộng rãi tại các tỉnh vùng ĐBSCL từ năm 2011, đầu năm 2012. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại việc sử dụng loại PB này đang có dấu hiệu lập lờ trong chất lượng sản phẩm...
Công nhân đang bơm trực tiếp phân bón Ami-Ami lên ruộng lúa ở An Giang.
Khốn đốn vì phân bón
Theo thống kê của Chi Cục BVTV An Giang, vụ hè thu vừa qua toàn tỉnh có trên 90.000ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn (BĐO); trong đó khoảng 35,7ha mất trắng, hàng trăm ha thiệt hại từ 50-70%.
Ông Bùi Văn Khai - Phó Chi Cục trưởng kiêm Chánh Thanh tra Chi Cục BVTV An Giang - cho biết: “Nguyên nhân được xác định do thời tiết, nước lũ thấp... và đặc biệt là tình trạng PB của nông dân (ND) bị quá “liều lượng” nên BĐO phát triển mạnh, tốc độ lây lan rất nhanh”.
Tại An Giang, đây là năm đầu tiên xuất hiện BĐO sớm và trên diện tích lớn nhất từ trước đến nay. Theo kết quả khảo sát ở các huyện có diện tích lúa bị nhiễm BĐO nặng (Châu Thành, Thoại Sơn), nhiều ND cho biết đã sử dụng PB hữu cơ sinh học HCSH cho cây lúa dạng dung dịch lỏng có tên gọi “AMI AMI”...
Đây là sản phẩm (SP) PB lỏng, nhà sản xuất (SX) đóng vào thùng nhựa loại 1m3/thùng. Mỗi khi ND có nhu cầu, đại lý cung cấp dùng xà lan chở đến bên bờ ruộng rồi trực tiếp phun xuống ruộng. Trên một vỏ thùng đựng phân Ami-Ami ghi rõ ngày SX 5.5.2012, có hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày SX và thông tin an toàn ghi rõ “Không độc hại cho người, gia súc và môi trường”. Công dụng là cung cấp đạm, chất hữu cơ và các axit Amin cho năng suất cao, giúp cây trồng cho phát triển xanh tốt và cải tạo đất. Liều lượng sử dụng từ 1.500-6.000 lít/ha/vụ; đồng thời trên bảng tài liệu bướm phát kèm theo SP thì thành phần và hàm lượng N (thành phần đạm ure) từ 4-5%.
Phương pháp bón phân Ami-Ami bao gồm 2 lần/vụ lúa (bón lót từ 1.500-2.500 lít và bón thúc lần một 500-1.000 lít). Phân tích những dữ liệu trên bao bì, tờ bướm của Ami-Ami, ông Khai cho rằng: Dư lượng đạm ure quá lớn. Theo khuyến cáo của Chi Cục BVTV An Giang, mỗi vụ sử dụng từ 90-100kg ure/ha lúa, chia làm 3 lần bón và kèm theo các loại phân lân NPK, kali... Trong khi đó, theo tài liệu công bố của Ami-mi, lấy trung bình là 2.000 lít/vụ thì lượng phân ure tương đương với bón cả vụ của ND. Đại lý của Ami-Ami chỉ bán và phun một lần/vụ đã tạo thành lượng đạm dư thừa quá lớn!
Ai quản lý chất lượng?
Tuy nhiên, vấn đề chính là đã có dấu hiệu lập lờ trong việc công bố chất lượng của SP PB Ami - Ami. Loại phân này đã có trong danh mục bổ sung PB được phép SX, kinh doanh, sử dụng ở VN của Bộ NNPTNT (tháng 12.2009) và Sở NNPTNT Đồng Nai tiếp nhận bản công bố sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật vào tháng 7.2011. Sau khi xảy ra sự việc tại một số tỉnh ĐBSCL, Cục Trồng trọt đi kiểm tra và mới chỉ đạo các địa phương trong vùng về việc đánh giá tác động của PB Ami-Ami HCSH đối với SX cây lúa.
Đến ngày 27.11.2012 Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chính thức có văn bản gửi 2 sở NNPTNT An Giang, Đồng Tháp cùng phối hợp thực hiện “Xây dựng các mô hình trình diễn bón phân HCSH Ami - Ami của Cty Ajinomoto VN” để đánh giá toàn diện và khách quan các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trên từng mô hình.
Nói về điều này, ông Bùi Văn Khai đặt dấu hỏi: “Với một loại PB đã có trong danh mục được phép sử dụng và đã được hợp chuẩn, tại sao còn phải thực hiện mô hình trình diễn?”. Phải chăng những quy trình đã thực hiện về đánh giá tiêu chuẩn của PB Ami-Ami đã bị làm ngược (cho phép sử dụng rồi mới bổ sung quy trình)? Vậy chất lượng loại PB này ai là người quản lý?.
Sản phẩm Ami-Ami theo quy trình SX tại nhà máy của Ajinomoto được SX từ việc dùng mật rỉ mía, tinh bột sau khi lên men kết tinh axit glutamic để SX bột ngọt và sau đó một phần dung dịch phối trộn với đạm Amoniac, điều chỉnh độ pH tạo ra thành phẩm PB.
Từ quy trình SX này, không ít người đã đặt dấu hỏi về chất lượng của phân Ami-Ami, hay đây chỉ là một phế phẩm trong SX của Cty Ajinomoto VN? PB Ami-Ami khi được bón trên đồng ruộng tại ĐBSCL lại chưa có đánh giá về tác động môi trường. Do đó, Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp Dương Nghĩa Quốc cho rằng: Ngoài mô hình trình diễn đối với PB Ami-Ami, cần phải có đánh giá về tác động môi trường trước khi đem bón xuống ruộng.
Công Thắng/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: