Việc “mở cửa” cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo (ban hành Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010) đang làm dấy lên lo ngại thị trường xuất khẩu gạo lại rơi vào cảnh cạnh tranh phá giá. Thế nhưng, khi đã chấp nhận cơ chế thị trường, thì có gì phải lo ngại?
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh
Trước đây, với Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp muốn tham gia hoạt động này phải đáp ứng hàng loạt điều kiện, khiến số doanh nghiệp xuất khẩu gạo giảm từ 150 xuống còn dưới 100.
Điểm bất cập đã được chỉ ra là thay vì quy định cứng như trong Nghị định 109, có thể để doanh nghiệp đi thuê hạ tầng bên ngoài để tiết kiệm nguồn lực tài chính, sử dụng tối đa nguồn lực xã hội (nhà máy xay xát, kho chứa).
Trao đổi với TBKTSG bên lề hội thảo lúa gạo 2018 với chủ đề “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới” được tổ chức hôm 2-11 ở thành phố Cần Thơ về câu chuyện nêu trên, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần Phân tích thị trường (Agromonitor), nhận định bằng việc ban hành Nghị định 107, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã mở hơn nhiều, đỡ tốn kém chi phí cho doanh nghiệp và họ có thể gia nhập ngành dễ dàng hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể dễ dàng tiến hành kinh doanh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết quy định đáng lưu ý trong Nghị định 107 là doanh nghiệp được xuất khẩu tự do, tức không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận, nhằm khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao. Cụ thể, ngoài việc bãi bỏ điều kiện về kho chứa, nhà máy xay xát, Nghị định 107 cũng bãi bỏ các quy định là rào cản khác không còn phù hợp với thực tiễn như: bãi bỏ quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); bãi bỏ quy định về giá sàn xuất khẩu; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu...
“Những điều chỉnh này sẽ giúp giảm đáng kể áp lực tồn đọng vốn, chi phí vốn, xóa bỏ quan ngại về bảo mật thông tin, giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp”, ông Hải nói.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex, cho rằng khi có nhiều doanh nghiệp tham gia thì sự cạnh tranh xảy ra là điều chắc chắn. “Chúng ta đã từng xảy ra sự cố có những doanh nghiệp bỏ giá rất thấp khi đấu thầu. Điều này, chẳng những bản thân doanh nghiệp bị lỗ mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống ngành hàng này trong nước”, ông Nam nói.
Về lo ngại này, ông Hải cho rằng, đấu thầu xuất khẩu gạo là điều cơ chế không thể can thiệp để giải quyết được. “Đó là điều mà bản thân chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước rất mong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu gạo có được tiếng nói chung”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, đạt giá xuất khẩu cao mà vẫn thắng thầu là điều ai cũng mong muốn. “Thế nhưng, để đạt được điều này, cần phải có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, của VFA và quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có tinh thần hợp tác, tin tưởng và chia sẻ lẫn nhau”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nam cho rằng Nghị định 107 đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mới gia nhập, nhưng cũng là thử thách lớn cho ngành, cho nên, vai trò của VFA cũng phải thay đổi trong quản lý, điều hành nhằm tạo sự phối hợp giữa các doanh nghiệp để khi đi đấu thầu có thể đưa ra mức giá có lợi nhất cho người nông dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Diệu cho rằng, không nên quá lo ngại chuyện doanh nghiệp cạnh tranh với nhau. Bởi, kinh doanh là lựa chọn của doanh nghiệp, họ sẽ có những chiến lược riêng, có thể thất bại hoặc thành công, nhưng đấy là quyền tự do của doanh nghiệp trong làm ăn.
Mặt khác, theo ông Diệu, theo thời gian, thị trường sẽ “thanh lọc” dần và chỉ doanh nghiệp làm ăn bài bản, hiệu quả mới tồn tại, phát triển. “Trong bối cảnh mới, luật chơi mới, thì quy tắc của VFA cũng cần xem xét lại để phù hợp, để trở thành hiệp hội kiến tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua đó, thu nạp doanh nghiêp có uy tín, doanh nghiệp thật sự góp vào sự phát triển chung của ngành”, ông Diệu nói.
Trung Chánh (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: