Tôi cho rằng, 3 vấn đề cốt lõi trong việc tái cơ cấu ngành lúa gạo hiện nay là: Giống, hệ thống canh tác và việc phát triển hậu cần, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Ba vấn đề này đặc biệt cấp bách tại vùng lúa gạo trọng điểm ĐBSCL - khu vực chiếm hơn 90% sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu của cả nước, nhưng chưa được đề cập đủ trong dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo.
Ông Huỳnh Thế Năng. Ảnh: T.H
Cụ thể về giống, Bộ NNPTNT cần sớm công bố tiêu chuẩn hạt gạo đạt chuẩn quốc gia để có cơ sở xác định cho doanh nghiệp khi định giá xuất khẩu. Ví dụ như giống lúa thơm Jasmine, có rất nhiều dòng khác nhau, sản phẩm gạo thơm của các doanh nghiệp cũng có tỉ lệ độ thuần khác nhau trong khi việc kiểm tra độ thuần trong nước rất khó khăn. Hiện chỉ có Viện Lúa Ô Môn (Cần Thơ) có máy móc để làm việc này, nhưng kéo dài 7 - 10 ngày và chi phí cao. Còn Thái Lan kiểm tra độ thuần của gạo Jasmine chỉ tốn 7 - 8 giờ, giá rẻ hơn nhiều.
Do đó, nhiều doanh nghiệp khi xuất khẩu gạo thơm vẫn phải gửi mẫu ra nước ngoài kiểm định, rất tốn kém. Từ năm 2008 đến nay, có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu gạo thơm vào thị trường Mỹ, nhưng phần rủi ro cho doanh nghiệp rất lớn. Ví dụ như trong năm 2014, một doanh nghiệp thành viên của Vinafood II đưa 1.000 tấn gạo thơm vào Mỹ đã lỗ hơn 4 tỷ đồng, do doanh nghiệp không kiểm tra được độ thuần của gạo thơm trước khi xuất khẩu nên bị đối tác trả hàng về.
Đặc biệt, vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng ở vùng ĐBSCL cũng cần được chú trọng. Ở khu vực này có 4 nhóm nông sản lớn, gồm lúa gạo, trái cây và tôm, cá. Nhóm nào cũng trên triệu tấn nhưng hệ thống giao thông vùng này lại quá yếu, không tải nổi số lượng nông sản này. Có đến 80% lượng nông sản ở ĐBSCL muốn xuất khẩu phải đưa về TP.HCM khiến giá thành đội lên thêm từ 9 - 12 USD/tấn do phải gánh thêm chi phí vận tải. Đây là vấn đề lớn, rất cấp bách nếu muốn nông nghiệp ĐBSCL thay đổi, phát triển trong những năm tới.
Thuận Hải (Dân Việt - ghi)
Không có nhận xét nào: