» » Xuất khẩu chè 'tụt dốc'

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu chè đạt 88 nghìn tấn với kim ngạch 151 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Ngành chè cần làm tốt khâu thu mua nguyên liệu

Xuất khẩu thô, giá thấp

Cũng theo Bộ NN & PTNT, giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1.710 USD/tấn, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2014. Trong thời gian này, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam chiếm 38,15%, tăng 9,54% về khối lượng và tăng 8,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến khác gồm: Nga (tăng 33,45%), Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (gấp gần 3 lần) và Indonesia (tăng 15,59%).

Dù xuất khẩu chè có tăng tại một số thị trường nhưng khoảng 90% chè của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Ngay cả khi xuất khẩu đạt kim ngạch cao thì giá chè xuất khẩu nước ta cũng chỉ bằng 50-60% giá bình quân thế giới. Đối với một số thị trường khó tính như EU, Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp không xâm nhập được hoặc xuất khẩu không đáng kể.

Đồng tình với quan điểm trên, Vụ Thị trường châu Âu, châu Phi, Tây Á và Nam Á (Bộ Công Thương) - cho rằng: Việt Nam đang là một trong những nước có giá xuất khẩu chè thấp trên thế giới. Nguyên nhân do chất lượng chè xuất khẩu chưa đảm bảo, nhiều sản phẩm còn chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao.

Tại tỉnh Lâm Đồng - “vựa chè” của Việt Nam với khoảng 23.000 ha, sản lượng chè búp tươi hơn 223.000 tấnxuất khẩu chè đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng - cho biết: Nửa năm qua, 3.620 tấn chè đen bị tồn kho, trong đó có 36 tấn bị nhiễm dư lượng fipronil bị trả về từ Đài Loan. Số chè còn lại không xuất khẩu được do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định của thị trường này.

Thay đổi phương thức sản xuất

Để nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu chè Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị: Ngành nông nghiệp cần phải kiên quyết thay đổi phương thức sản xuất để cây chè đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Bô NN&PTNT sẽ cấp mã số cho vùng chè nguyên liệu để truy xuất nguồn gốc. Đây là cách thức có thể vực dậy ngành chè theo hướng chuyên nghiệp hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu và thu hút doanh nghiệp cùng chung tay phát triển thương hiệu chè Việt Nam.

Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas) cũng cho rằng, phải tổ chức thành chuỗi giá trị từ người trồng chè đến doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Nhà nước phải quy hoạch về vùng nguyên liệu và chế biến phù hợp. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chè cần nhanh chóng khắc phục tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Về lâu dài, doanh nghiệp cũng phải có chiến lược phát triển rõ ràng, đặc biệt đầu tư vào công tác xây dựng thương hiệu cho cả doanh nghiệp lẫn sản phẩm xuất khẩu.

Xung quanh giải pháp xây dựng thương hiệu, ông Vũ Đại Thắng- Giám đốc Công ty TNHH chè Hoàng Mai (Hà Nội) - chia sẻ: “Chúng tôi đang tìm cách sản xuất các sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu riêng, khoảng 3-4 tháng nữa sẽ có sản phẩm chất lượng cao giới thiệu ra thị trường”.

Ngành chè cần làm tốt khâu thu mua nguyên liệu, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa giá chè xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng với giá bình quân thế giới.

Lan Anh (Báo Công Thương)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: