» » Thời của thịt ngoại

Thịt ngoại đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước phải tính toán.


Lại bài toán kinh doanh của mình

Thị trường thịt trong nước đang lép vế trước sự “càn lướt” của thịt nhập khẩu. Mặc dù đưa ra những tuyên bố hùng hồn, song đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nội nào đủ sức “so găng” cùng thịt nhập khẩu. Không chỉ các mặt hàng chuyên biệt, hiện nay thịt ngoại đã phủ kín các phân khúc và chủng loại với số lượng lên đến hàng ngàn tấn.

Thịt ngoại vào Việt Nam: quá dễ!

Từ ngày 1/5/2015, thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi của Pháp chính thức được nhập khẩu vào Việt Nam. Trước đó không lâu, các nhà cung cấp thịt gia súc lớn của một số nước cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam. Đoàn chuyên gia nghiên cứu và tiếp thị thịt bò của Canada do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Canada dẫn đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chiến lược quảng bá thịt bò Canada tại một số thị trường tiêu thụ trọng điểm của châu Á. Một đoàn khác cũng khá hùng hậu là Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp thịt (UPEMI) đến từ châu Âu với chiến dịch tiếp thị thịt từ Ba Lan và các nước châu Âu.

Trong khi chăn nuôi trong nước không cung ứng đủ nguồn cung thì con đường để thịt ngoại vào Việt Nam ngày càng dễ dàng hơn. Chỉ sau khoảng 3 năm, số lượng doanh nghiệp, quốc gia được cấp phép nhập khẩu thịt vào thị trường nội địa tăng lên vài chục lần.

Lý do thịt ngoại tràn vào thị trường Việt Nam với tốc độ nhanh chóng được ông Wieslaw Rozanski, Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất và doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp thịt châu Âu cho biết: “Không khó để có được giấy phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Thịt các loại nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giám sát, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần đăng ký qua cơ quan này và đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Mà việc đáp ứng các yêu cầu đó không quá khó khăn đối với các nhà sản xuất, chế biến thịt chuyên nghiệp của châu Âu”.

Việc đưa thịt ngoại vào thị trường Việt Nam không vướng phải rào cản nào quá lớn đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài coi đây là một cơ hội không thể bỏ qua. Không phải ngẫu nhiên mà UPEMI đầu tư cho chiến dịch tiếp thị dài hơi (kéo dài đến năm 2016) bởi mặt hàng thịt gia súc đang có sự tăng trưởng rất tốt. Chỉ trong hai năm (từ 2012-2014), thịt (chủ yếu là thịt heo) và các sản phẩm từ thịt của khối này xuất sang Việt Nam đã đạt tổng giá trị 3,3 triệu USD, tăng tới 7 lần; riêng thịt heo từ Ba Lan tăng từ 121 tấn (năm 2012) lên 830 tấn (2014). Trong năm 2015, EU đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên thêm 5% so với năm 2014.

Trong khi đó, với ưu thế đã đi trước các quốc gia trên một bước, thịt bò nhập khẩu từ Úc hiện đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn với sự tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu từ Hội Chăn nuôi Việt Nam, số lượng bò Úc nhập khẩu đã tăng gấp 52 lần chỉ trong vòng hai năm. Nếu năm 2012 Việt Nam chỉ nhập khẩu 3.500 con bò Úc thì đến năm 2013 số này là 67.000 con và năm 2014 là gần 200.000 con.

Những người đến sau có thể sẽ phải cạnh tranh và gặp khó hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các cơ hội kinh doanh không còn. Trái lại, với kinh nghiệm sản xuất, sự đầu tư bài bản và nguồn hàng phong phú, không ít nhà cung cấp thịt lớn ở nước ngoài bày tỏ ý định xâm nhập thị trường Việt đầy tiềm năng ở phân khúc riêng.

Ông Mariusz Boguzewski, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho biết: “Không thể cạnh tranh về giá với các loại thịt của Úc, Mỹ nên thịt EU sẽ hướng đến thị trường cao cấp là các nhà hàng, khách sạn và đặc biệt là các nhà chế biến thực phẩm. Hiện nay, các nhà chế biến thịt Việt Nam chỉ bảo quản đông lạnh thịt từ 14 đến 21 ngày nên công nghệ đông lạnh kéo dài 18 tháng sẽ là điểm kích thích họ mua thịt từ châu Âu."

Hiện nay có tới 40 doanh nghiệp Ba Lan được cấp giấy phép nhập khẩu thịt vào Việt Nam. Thịt đùi, xương ống heo là những sản phẩm Việt Nam nhập chủ yếu từ quốc gia này. Ba Lan có thế mạnh là nước xuất khẩu thịt lớn thứ tư EU với công nghệ bảo quản đông lạnh thịt hiện đại để có thể tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn. Như vậy, mỗi mặt hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam đều đã có các “ông lớn” án ngữ, chẳng hạn thịt gà từ các nhà nhập khẩu Mỹ, Brazil, Hàn Quốc; thịt bò từ Úc, New Zealand; heo từ châu Âu…

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, cả nước nhập khẩu thịt các loại với giá trị đạt 400 triệu USD, trong đó có 250 triệu USD là nhập khẩu trâu, bò sống, riêng Úc chiếm tới 200 triệu USD; giá trị nhập các loại thịt gia cầm cũng lên đến hơn 120 triệu USD. Năm 2014, chỉ riêng mặt hàng thịt bò, kim ngạch nhập khẩu đã tăng khoảng 70% so với năm trước đó. Con số này chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó và dự báo tiếp tục tăng trong trong năm nay với nguồn cung mới đến từ Pháp.

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thịt EU, hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp EU đã được Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu thịt. Con số tăng trưởng trên sẽ thực hiện được vì nhu cầu tiêu thụ thịt heo, bò EU của Việt Nam đang tăng mạnh.

Điều này giải thích vì sao Ba Lan và các nước châu Âu gần đây tích cực đẩy mạnh chương trình tiếp thị xuất khẩu thịt bò vào Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thịt vào Việt Nam cũng được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Doanh nghiệp nội: khó quá, bỏ qua!?

Chưa cần chờ đến khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực mà hiện tại mức giá của thịt ngoại cũng đủ sức làm “mềm lòng” người tiêu dùng trong nước. Dù vẫn đang trong thời gian chịu thuế đối với các mặt hàng thịt nhập khẩu nhưng những sản phẩm này đều tung đòn phủ đầu về giá đối với các sản phẩm trong nước. Nếu sắp tới mức giá này còn được giảm xuống nữa khi thuế suất được đưa về 0%, thì rõ ràng đây sẽ là đòn “knock out” đối với các doanh nghiệp nội.

“Khi Việt Nam mở cửa, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi đoán thịt nhập sẽ “đè chết” thịt trong nước. Nếu kịch bản này xảy ra, ngành chăn nuôi Việt Nam khỏi cần nhập ngô, đậu nành, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà cứ nhập luôn thịt về cho khỏe”, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình, nhận xét một cách chua chát.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, sở dĩ giá thành chăn nuôi gà, heo, bò ở Việt Nam thường cao hơn 10 - 15% so với khu vực, 20 - 25% với các nước có nền chăn nuôi phát triển như châu Âu, Mỹ, Đông Âu… là bởi phải nhập khẩu gần như hoàn toàn, từ con giống, thuốc thú y, thuốc sát trùng, vắcxin, thiết bị chuồng trại cho đến nguyên liệu thức ăn, các chất vi lượng, kỹ thuật chăn nuôi.

Khâu hậu cần trong nhiều năm qua của ngành chăn nuôi dường như bị bỏ trống cho nên việc “hổng chân” khi thịt nước ngoài tràn vào là điều dễ hiểu. Mặc dù thời gian đầu cũng không ít doanh nghiệp nội tuyên bố rằng thịt ngoại nhập không quá đáng ngại và chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, cục diện thị trường đã xoay chuyển nhanh đến mức dồn các doanh nghiệp nội vào thế khó. Một số doanh nghiệp như Huỳnh Gia Huynh Đệ, Vissan, Sagri… mấy năm trước rầm rộ xây dựng nhà máy giết mổ ở Đồng Tháp, Long An… Tuy nhiên, trong lúc chưa nhà máy nào đi vào hoạt động thì từ hơn một năm nay, không ít người tiêu dùng tại TP.HCM thắc mắc vì không thấy sản phẩm thịt gia cầm của Huỳnh Gia Huynh Đệ bán phổ biến trên thị trường như trước.

Ông Châu Nhật Trung, Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, chỉ giải thích ngắn gọn rằng, do khó khăn về vốn, vốn vay giải ngân chậm nên công ty đang sắp xếp lại sản xuất, hiện mỗi ngày chỉ đưa ra thị trường từ 5-10 tấn sản phẩm. Rồi Phú An Sinh đã “mất dấu” từ vài năm trước, gần đây thương hiệu Thanh Bình cũng không còn xuất hiện phổ biến…

Cẩn thận kẻo rơi vào cảnh gia công

Thế mạnh hiện nay của doanh nghiệp nộilà thói quen mua sắm thịt tươi của người tiêu dùng, nhưng thói quen này đang thay đổi

Trong lúc nguồn thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày một tăng, nhiều hộ chăn nuôi trong nước hoặc ngừng nuôi hoặc chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Ông Phạm Đức Bình, cho biết, Công ty Thanh Bình rút khỏi thị trường thịt gà vì sau khi khảo sát, nghiên cứu kỹ khả năng cạnh tranh của thịt gà Thái Lan khi chính sách thuế bị dỡ bỏ thì thấy không thể chống đỡ nổi với thịt nhập. Đầu năm 2013, Công ty Thanh Bình đã rút khỏi nghề chăn nuôi gà thịt.

Ngay cả những doanh nghiệp chế biến lớn như Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng chuyển qua sử dụng nguồn bò Úc để giết mổ.

Tại thị trường TP.HCM, hệ thống bán hàng của nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất thành phố – Vissan – đã xen kẽ bán thịt bò Việt Nam với bò Úc. Đối với nguồn heo gà, Vissan vẫn thu mua từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở một số vùng miền chứ không có nguồn gia công như các doanh nghiệp ngoại. Từ đầu năm 2014 thông tin về liên kết giữa Vissan và Hoàng Anh Gia Lai trong việc đầu tư phát triển đàn bò và chế biến thành phẩm đã mang lại nhiều hi vọng trong việc cạnh tranh với thịt ngoại. Thêm vào đó một số doanh nghiệp lớn có sự chuyển hướng với quy mô lớn sang lĩnh vực chăn nuôi như Thành Thành Công, Đức Long Gia Lai…Tuy nhiên, để đối chọi với các doanh nghiệp ngoại vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Thậm chí, để triển khai chăn nuôi và phát triển đàn bò các doanh nghiệp này cũng đang phải nhập giống bò từ nước ngoài.

Như vậy, dù ở hoàn cảnh nào, thịt nhập khẩu cũng luôn có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn sản phẩm nội địa. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào chăn nuôi ở Việt Nam biết rõ điều này, nên họ rất ít đầu tư vào khâu hậu cần mà chỉ dừng lại ở khâu chăn nuôi để khi gặp bất lợi sẽ rút ra, giảm rủi ro thua lỗ.

Thế mạnh hiện nay của doanh nghiệp nội chính là thói quen mua sắm thịt tươi của người tiêu dùng. Nhưng thói quen này cũng đang thay đổi, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm hiện đại. Thịt tốt đối với nhiều người tiêu dùng bây giờ được hiểu là thịt được bảo quản, giết mổ ở cơ sở có uy tín, an toàn.

Thói quen tiêu dùng thay đổi cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu thịt nắm bắt và đáp ứng theo nhu cầu đó. Trong khi đó, thịt gia súc trong nước bị bơm nước, có dư lượng kháng sinh, sử dụng nguồn thức ăn không rõ nguồn gốc… đang vô tình đẩy doanh nghiệp nội vào thế khó càng thêm khó.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và Cung cấp thịt EU, hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp EU đã được phía Việt Nam cấp giấy phép được nhập khẩu thịt vào Việt Nam. Trong năm 2015, EU đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên 5% so với năm 2014.

Việt Dũng (Diễn đàn doanh nghiệp)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: