Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2014-2015 và đang bắt tay vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ, chăm sóc vụ Hè thu 2015. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên tình hình dịch hại đang có xu hướng bùng phát mạnh, ảnh hưởng đến việc phát triển của cây lúa.
Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 55.300ha lúa Hè thu, hiện lúa đang trong giai đoạn từ mạ đến làm đòng. Theo nhận định của bà con, so với vụ sản xuất trước thì vụ Hè thu năm nay có nhiều bất lợi hơn. Do năm nay thời tiết diễn biến khắc nghiệt, nhất là từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất thường xuyên bị thiếu nên làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Nông dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực phòng trừ các dịch hại tấn công lúa Hè thu.
Gặp chúng tôi khi đang đi thăm đồng, ông Tô Văn Thắng, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, thông tin: “Vụ lúa Hè thu năm nay, gia đình tôi sạ 1,1ha, giống IR 50404 và hiện lúa được hơn 40 ngày tuổi. Từ đầu vụ đến nay, mặc dù tôi đã rải hơn 60kg phân bón, tăng 20kg so với cùng kỳ nhưng thấy lúa vẫn không phát triển. Với tình hình này, khả năng năng suất vụ lúa năm nay sẽ giảm khoảng 30%”. Cũng theo ông Thắng, thông thường, giống lúa IR 50404 chỉ 40-45 ngày là bắt đầu trổ bông, nhưng năm nay do hạn hán nên lúa sinh trưởng và phát triển rất kém, hiện các trà lúa tại ấp Thị Tứ đã gần 50 ngày tuổi mà vẫn chưa trổ bông, khả năng sẽ kéo dài trên 55 ngày.
Tình trạng nắng nóng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa, mà còn làm cho dịch hại, cỏ dại bùng phát mạnh. Hiện tại, dọc theo tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, chúng ta dễ dàng bắt gặp những mảnh ruộng có đầy cỏ dại xen lẫn lúa, có ruộng tỷ lệ cỏ chiếm hơn 50%. Điển hình như tại ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A. Tuy vào đầu vụ, gia đình ông đã vệ sinh đồng ruộng, tiến hành cày, xới và làm đất khá kỹ nhưng vẫn không khống chế được tình trạng cỏ dại tấn công. Nguyên nhân là do ông không giữ được nước trong ruộng được lâu vì trời nắng nóng. Ông Thành cho biết: “Năm nay, mặc dù đã tăng 2 lần phun thuốc diệt cỏ mầm và cứ cách 2-3 ngày là bơm nước vào ruộng một cử, nhưng cũng chỉ giảm được phần nào cỏ dại, hiện vẫn còn xuất hiện cỏ trong lúa khá nhiều. Để hạn chế sự ảnh hưởng của cỏ đến cây lúa, gia đình tôi đang ra sức nhổ bỏ cỏ được phần nào hay phần đó”.
Ngoài cỏ dại, hiện các trà lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh cũng đang bị nhiều đối tượng dịch hại khác tấn công, cộng với thời tiết diễn biến khá phức tạp như hiện nay, nên nông dân trồng lúa đang lo lắng vì nhiều rủi ro có thể xảy ra. Qua thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 907ha lúa Hè thu bị nhiễm dịch hại, tăng 120ha so với cách nay khoảng 10 ngày. Trong số các loại dịch hại, rầy nâu đang là đối tượng có nguy cơ bùng phát mạnh nhất, hiện toàn tỉnh đã ghi nhận có 318ha bị nhiễm, với mật số từ 750 - 3.000 con/m2, rầy tuổi 4, 5 và trưởng thành, gây hại trên các trà lúa trong giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng trổ; đặc biệt, có 14ha bị nhiễm trung bình, mật số 3.000 con/m2 ở huyện Châu Thành A. Bên cạnh rầy nâu, còn có 123ha bị sâu cuốn lá cắn phá; 243ha bị nhiễm bệnh đạo ôn lá và nhiều diện tích khác bị bù lạch, vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông, bạc lá, đốm vằn, lem lép hạt gây hại rải rác...
Đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên ruộng lúa của gia đình, ông Đặng Văn Hoạch, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Gần 1ha lúa của gia đình tôi từ đầu vụ đến nay đều bị bệnh liên miên, hết rầy nâu, bù lạch rồi chuyển sang sâu cuốn lá và bây giờ là phun ngừa đạo ôn lá. Đây là lần phun thuốc thứ 2 kể từ đầu vụ và còn phải tiếp tục phun thêm 3-4 lần nữa, vì từ nay đến kết thúc vụ là cao điểm. Với tình hình hiện tại tôi thấy, làm thì làm chứ vụ này chắc không có lời. Bởi từ đầu vụ đến giờ, hầu hết bà con đều bỏ ra quá nhiều chi phí đầu tư”.
Trước điều kiện sản xuất và tình hình sâu bệnh có nhiều bất lợi như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, bằng cách tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại và xử lý kịp thời, không để bị lúa nhiễm nặng và lây lan trên diện rộng. Một điều nông dân hết sức lưu ý là trong giai đoạn đầu, lúa có khả năng phục hồi rất tốt. Vì vậy, với mật số xuất hiện và gây hại thấp của rầy nâu, sâu cuốn lá… bà con cần tiếp tục theo dõi, không nên vội phun thuốc, nhằm bảo vệ thiên địch, hạn chế bộc phát sâu rầy trong giai đoạn sau. Trong trường hợp cần thiết, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng cách (theo nguyên tắc 4 đúng) và nằm trong danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học (như nấm xanh) để phòng trừ rầy nâu, sử dụng các loại thuốc sinh học và biện pháp đánh bắt chuột an toàn, không nên sử dụng thuốc hóa học và dùng điện.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh tuy có xuất hiện một số cơn mưa lớn, nhưng tình hình nắng nóng và khô hạn vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình canh tác lúa. Vì vậy, nông dân nên chủ động trong việc quản lý trữ nước, không để ruộng bị khô hạn; đồng thời, tiếp tục theo dõi độ mặn ở những vùng bị mặn xâm nhập để có kế hoạch xuống giống cho phù hợp và kịp tiến độ...
Bài, ảnh: Hữu Phước/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: