» » » Xuất khẩu gạo 2015: vẫn phụ thuộc thị trường quen

Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo, thu về hơn 3 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 1% về lượng nhưng lại tăng hơn 4% về giá trị so với năm 2013. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2014 đạt gần 463 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo - Ảnh minh họa

Liệu năm 2015 có phải là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo Việt Nam? Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA - nguồn ảnh: VCCINews

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, Trung Quốc và Philippines mua hơn 51% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Phải chăng chúng ta quá phụ thuộc vào hai thị trường này?

Ông Nguyễn Hùng Linh: Đúng là trong năm 2014, đây là hai thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam và trong năm nay, Trung Quốc và Philippines vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ yếu của gạo Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn xuất sang hai thị trường truyền thống khác là Malaysia và Indonesia, vốn có mối quan hệ làm ăn lâu nay với Việt Nam

Năm 2014, Myanmar xuất khẩu sang Trung Quốc gần 920.000 tấn, tăng 75% so với năm 2013, và Trung Quốc được dự đoán là sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ quốc gia này để đa dạng hóa nguồn cung cấp. Ông có đánh giá gì trước thông tin này, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc chiếm 1/3 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong vài năm trở lại đây?

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, nên nhu cầu tiêu thụ gạo cũng lớn. Trong số hơn 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu (chính ngạch) của Việt Nam trong năm 2014, thị trường Trung Quốc chiếm 30%, tuy nhiên trên thực tế con số này còn lớn hơn nếu tính cả xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Hiệp hội ước tính năm 2014, lượng gạo xuất tiểu ngạch của Việt Nam qua Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn.

Có thông tin Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ mua hai triệu tấn gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, không phải bây giờ mà vài năm trở lại đây, cứ đầu năm lại có thông tin Trung Quốc mua hai triệu tấn gạo từ Thái Lan. Còn doanh nghiệp trong nước viện cớ này để ép giá xuống. Ông nhận định gì?

- Cuối năm 2013, chúng tôi biết thông tin Trung Quốc đặt vấn đề mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan trong năm 2014. Đến nay, theo thông tin tôi biết, Thái Lan mới bán khoảng 300.000 tấn trong gói hợp đồng này cho Trung Quốc. Tôi không biết vì lý do gì mà con số ghi trên giấy tờ và thực tế lại chênh nhau vậy. Do đó, đối với chuyện Trung Quốc cũng ký bản ghi nhớ sẽ mua 2 triệu tấn gạo của Thái trong năm 2015, doanh nghệp Việt Nam không nên quá lo.

Những năm trước, doanh nghiệp gạo Việt Nam coi cạnh tranh với Thái Lan là một trong những “rào cản” lớn. Còn năm 2015, theo ông sẽ như thế nào?

- Một trong những lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp xuất gạo nước ta là sự cạnh tranh về giá với gạo Thái Lan. Hiện quốc gia đứng số 1 thế giới về xuất khẩu gạo này đang có một lượng gạo tồn kho lớn và nhiều khả năng sẽ bán ra trong năm 2015. Việc một nước như Thái Lan bán ra số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến giá gạo thế giới theo hướng giảm. Vì thế, theo hiệp hội, năm tới đây giá gạo xuất khẩu sẽ thấp hơn mức trung bình của năm nay.

Hình như cứ vào thời điểm đầu năm, VFA đều đưa ra dự báo kém lạc quan về thị trường với những nhận định như “ảm đạm”, "cạnh tranh gay gắt", "Thái Lan sẽ bán gạo tồn kho của năm cũ"…. , như một tín hiệu khiến thương nhân lấy đó làm cơ sở để ép giá nông dân?

- Chúng tôi đưa ra những nhận định dựa trên những phân tích về chính sách, lượng gạo tồn kho, sự thay đổi của thời tiết... để cố gắng đưa ra một phác thảo rõ ràng nhất cho thị trường, do đó, việc đưa ra những thông tin không thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo cũng là điều bình thường.

Theo dõi thị trường lúa gạo lâu năm, chúng tôi nhận thấy rằng, người bán không phải là phía quyết định mà bên mua mới là nơi quyết định giá. Vì thế, nếu Thái Lan bán gạo với số lượng lớn, nước nhập khẩu sẽ tìm cách ép giá gạo Thái Lan xuống để lấy đó làm cơ sở để tạo sức ép đối với những nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, và những nước này trước áp lực phải bán được gạo nên trong các phiên đấu thầu tập trung sẽ phải đưa ra giá bỏ thầu thấp với hy vọng thắng thầu. Điều này đã xảy ra trong thực tế và có thể lại xảy ra trong năm tới.

Nếu giá gạo xuất khẩu giảm sẽ kéo theo giá lúa gạo trên thị trường nội địa sẽ giảm theo. Và trước tình huống này, VFA có kiến nghị tạm trữ gạo trong vụ đông xuân và hè thu như mọi năm không?

- Những năm qua, sau khi tạm trữ, các doanh nghiệp trong nước chịu áp lực lớn từ người nông dân, giới truyền thông vì tạm trữ mạng lợi lợi ích cho doanh nghiệp là chính, còn nông dân lại bị thiệt thòi. Vì thế, về phía hiệp hội, chúng tôi sẽ không kiến nghị tạm trữ lúa gạo mà để việc này cho các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những kiến nghị chính sách phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hùng/ TBKTSG thực hiện

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: