Khi tìm được đầu ra cho một loại gạo dành cho người ăn kiêng ở tận thị trường khó tính như... nước Anh, người nông dân - thương nhân ở miệt U Minh, Cà Mau ấy cảm thấy lực bất tòng tâm khi mình không có giấy phép xuất khẩu gạo.

Làm ra hạt gạo đã khó, xuất khẩu gạo cũng khó không kém! Ảnh TL

Về lý thuyết, ông có thể gõ cửa bất kỳ doanh nghiệp nào có giấy phép để nhờ xuất khẩu giùm. Thế nhưng, vấn đề không chỉ ở tầng nấc trung gian, sự nhiêu khê của thủ tục, mà tính chất “cò con” của hợp đồng này không tạo được động lực lợi ích nơi những cánh cửa được gõ. Bởi, quy mô vùng nguyên liệu của ông mới có 300 héc ta, hợp đồng lúc đầu cũng chỉ trên cơ sở đó.

Cũng không có giấy phép xuất khẩu gạo trực tiếp nhưng doanh nghiệp C ở vùng Thốt Nốt, Cần Thơ lại nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều nhà máy xay xát bạn hàng về chuyện trong cái khó ló cái khôn. Nữ chủ nhân doanh nghiệp này vẫn xuất được gạo chất lượng cao sang tận châu Âu bằng cách biến hóa hợp đồng xuất khẩu thuần túy thành hợp đồng trao đổi hàng hóa. Hàng nhập về là vật tư nông nghiệp. Coi như một hợp đồng, bà đi buôn được hai đầu, tạo ra chu kỳ kinh doanh khép kín. Trước đó, doanh nghiệp này chỉ xuất gạo chất lượng thấp sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Chúng ta vẫn đang sản xuất lúa gạo theo kiểu hàng hóa chất lượng thấp, giá cả không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thế giới mà còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh với các nhà cung ứng khác trong việc phán đoán, đàm phán giá. Hiện tất cả các chỉ dấu đều không lạc quan.

Hẳn doanh nghiệp C nói riêng, các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo nói chung không ai muốn mình gặp khó chuyện cái giấy phép xuất khẩu. Chẳng qua là họ phải như thế trong khả năng và lựa chọn của mình.

Nghị định 109 năm 2011 về kinh doanh xuất khẩu gạo ra đời trong bối cảnh được cho là đang có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng thiếu năng lực dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường, vì vậy cần thu hẹp lại. Thế nhưng, khi những điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đặt ra thì số doanh nghiệp đủ điều kiện lại không thu hẹp như kỳ vọng của các nhà làm chính sách, khiến giải pháp quản lý gần đây thêm tính chất hạn ngạch khi đặt mục tiêu hết năm 2015 chỉ có dưới 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Với doanh nghiệp chế biến lương thực P ở Cần Thơ - nơi vừa có giấy phép xuất khẩu gạo một năm nay, cái khó của điều kiện kinh doanh không thấm vào đâu so với cái khó của việc bươn chải tìm kiếm thị trường. Thậm chí, cả với điều kiện được cho là khó hơn đang trong giai đoạn thí điểm như phải có vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp này vẫn lách để đáp ứng dễ dàng. Cho tới nay, không mấy doanh nghiệp thực sự có vùng nguyên liệu của mình. Nhiều nơi, đó chỉ là những thỏa thuận lỏng lẻo với nông dân theo kiểu bao tiêu. Trong khi ấy, khi bỏ vốn ra đầu tư nhà máy xay xát cho riêng mình theo quy định, doanh nghiệp P lại lo rằng các nhà máy hay cơ sở chuyên gia công xay xát sẽ... chết bởi lượng lúa hàng hóa bị chia năm xẻ bảy. Trên thực tế, một số doanh nghiệp hay cơ sở xay xát nói họ không có ý định mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu vì thiếu vốn và kinh nghiệm và cho rằng nếu có chết thì chắc đó sẽ là một cái chết từ từ.

Theo chân các nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khảo sát thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của nông dân, thương lái, cơ sở xay xát, doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu gạo tại các tỉnh miền Tây, đến đâu cũng nghe than thở chuyện thất bát. Tất cả đều liên quan đến giá gạo xuất khẩu. Giá các hợp đồng tập trung mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đàm phán không cao, giá từ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp cũng vậy nên doanh nghiệp không mặn mà, khiến thương lái ngán thu mua, nông dân bán lúa không được mấy, các nhà máy xay xát nằm không. Trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay nhà máy xay xát thường ứng tiền cho thương lái thu mua lúa thì nay họ không dám nữa vì đã có nhiều trường hợp một đi không trở lại. Âu là vì bản thân thương lái cũng... lỗ, theo lời của một chủ nhà máy xay xát. Riêng người nông dân thì chuyện túng thiếu đã diễn ra bao đời nay rồi, kêu bằng thừa.

Chúng ta vẫn đang sản xuất lúa gạo theo kiểu hàng hóa chất lượng thấp, giá cả không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thế giới mà còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh với các nhà cung ứng khác trong việc phán đoán, đàm phán giá. Hiện tất cả các chỉ dấu đều không lạc quan. Như tiết lộ của một doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp bị chứ không phải được giao chỉ tiêu cung ứng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu lớn do VFA đàm phán bởi giá quá thấp. Sở dĩ doanh nghiệp này không dám từ chối như những doanh nghiệp khác là vì sợ không được VFA để mắt tới khi phân bổ quyền được hưởng lãi suất ưu đãi trong chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm của Chính phủ.

Trong bối cảnh như vậy, những hợp đồng theo thị trường ngách hay sáng tạo như hai trường hợp vừa dẫn ở trên cần được khuyến khích. Chính sách chung cần tính tới những ngoại lệ riêng. Nếu không, sẽ là cuộc đua xuống đáy khi càng sản xuất lớn thì càng lời ít, thậm chí lỗ. Sẽ là cực đoan nếu dẫn ra đây lời nói thật của một chủ cơ sở xay xát kiêm cung ứng. Cơ sở này nói mình chỉ làm cái việc trộn gạo chất lượng thấp vào gạo chất lượng cao hơn để giao cho doanh nghiệp xuất khẩu từ khi Nhà nước can thiệp sâu vào thị trường lúa gạo với việc chỉ định vai trò “định giá” xuất khẩu của VFA. Gần đây, VFA bị cho là chỉ có khả năng định giá thấp, khiến bên cung ứng làm ăn chân chính không có lời. Sẽ là cực đoan khi cho rằng tốt nhất là Nhà nước không nên làm gì hết vì thời Nhà nước để tự do nhiều người được lợi, giờ thì chỉ một số nơi được lợi, như một số ý kiến. Bởi lẽ, gạo không phải là loại hàng hóa thông thường. Nó liên quan đến an ninh lương thực. Thế nhưng, rõ ràng Nhà nước phải làm nhiều việc hiệu quả hơn với thị trường lúa gạo, trong khi tất cả chờ đợi một cuộc tái cơ cấu toàn diện ngành sản xuất này.

Nguyên Lê/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: