Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 2/2014 đạt 68,31 triệu USD, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 174,06 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan và Malaysia là 5 thị trường tiêu thụ lớn nhất của mặt hàng rau quả của Việt Nam. Nếu thị trường vẫn trên đà tiến triển thuận lợi như hiện nay, XK rau quả được dự báo sẽ đạt 1,2 tỷ USD năm 2014.
Mở thị trường, tăng sản phẩm
Đứng vị trí đầu bảng là Trung Quốc, chiếm gần 35% tổng kim ngạch XK rau quả của cả nước. 2 tháng đầu năm, XK sang thị trường này đạt 60,12 triệu USD, tăng 55,48% so với cùng kỳ. Trước đó, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2013 đạt 302 triệu USD, chiếm 28% thị phần XK của cả nước, tăng 38,77% so với năm 2012. Đặc biệt, thanh long là loại trái cây được XK sang Trung Quốc nhiều nhất, chiếm 77% lượng trái cây XK.
Nhật Bản là thị trường đứng thứ hai. Người tiêu dùng nước này sẵn sàng trả giá cao hơn cho những rau quả chất lượng tốt. Mỗi năm, Nhật Bản tiêu thụ 17 triệu tấn rau các loại. Xu thế ăn kiêng của người Nhật dẫn đến việc nhập khẩu nhiều loại rau, như: rau diếp, tỏi tây, hành dăm, sa lát, củ cải, các loại cây có rễ củ dài dùng làm rau. Bên cạnh đó, rau đông lạnh như măng tây, cà rốt, bí ngô cũng được thị trường này ưa chuộng. Nhiều loại trái cây của Việt Nam đã tạo được thương hiệu tốt trên thị trường Nhật Bản, như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, thanh long…
Tại các thị trường châu Âu, ngoại trừ mặt hàng thanh long có số lượng XK lớn, các mặt hàng quả khác, như: bưởi, xoài, chôm chôm… hay các loại rau khác của Việt Nam có khối lượng khá khiêm tốn. Mặt hàng rau đã được XK trở lại bình thường vào thị trường châu Âu, tuy nhiên với khối lượng không nhiều
Nhiều thị trường mới đang được mở ra cho rau quả Việt Nam. Dự kiến trong quý I/2014, Việt Nam sẽ bắt đầu XK trái cây sang New Zealand, và đưa xoài sang Hàn Quốc. Cuối năm 2013, Việt Nam và Đài Loan đã hoàn tất những thủ tục cuối cùng để Việt Nam có thể XK thanh long vào thị trường này với số lượng lớn.
Các loại nhãn và vải cũng chuẩn bị bán vào thị trường Mỹ. Việt Nam và Mỹ đang thảo luận những thủ tục về điều kiện để mặt hàng xoài và vú sữa đi vào thị trường này. Năm 2013, Việt Nam đã bán vào Mỹ được 1.300 tấn thanh long, 300 tấn chôm chôm, vào Nhật hơn 1.000 tấn thanh long, Hàn Quốc cũng đã nhập 300 tấn thanh long của Việt Nam.
Năm 2013, Việt Nam đã bán vào Mỹ được 1.300 tấn thanh long
Trái cây Việt Nam có nhiều thế mạnh với diện tích khoảng 874.000ha, trải dọc khắp tất cả các tỉnh thành, trong đó nhiều vùng trọng điểm, như: Tiền Giang, Đồng Nai, Bắc Giang, Vĩnh Long… Tuy nhiên, hiện lượng XK mới chiếm 10% tổng sản lượng trái cây của cả nước.
Làm gì để phát huy hết tiềm năng?
Mặc dù, thị trường XK rau quả của Việt Nam được dự báo sáng sủa hơn, nhưng giá trị XK vẫn chưa thể sánh kịp bước tăng tốc của ngành thủy sản, hay với một số ngành hàng nông sản khác, như: gạo, cao su, cà phê... Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có lợi thế là có một số trái cây mà rất ít nước khác trên thế giới có thể trồng được, như: quýt tiều, vú sữa, sơ ri…, nhưng chúng ta chưa khai thác được triệt để lợi thế này. Một trong những điểm yếu là khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm.
Không ít sản phẩm trái cây đặc sản, hay rau gia vị của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về chỉ vì nhiễm khuẩn, nhiễm sâu hại… gây thiệt hại nhiều về mặt kinh tế lẫn uy tín. Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản rất thận trọng đối với các loại côn trùng trên rau, như: ruồi hại hoa quả, bọ cánh cứng trên lá, nấm mốc, vì thế, khi phát hiện thấy những vùng nào, những quốc gia nào có biểu hiện các loại sâu bọ trên thì mọi loại rau tươi và đông lạnh ở đó sẽ không được XK vào Nhật Bản.
Trong khi đó, cách thức bảo quản để tránh côn trùng xâm nhập của Việt Nam vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, và hiện rất ít trái cây của Việt Nam nhận được giấy chứng nhận nhập khẩu của cơ quan chức năng Nhật Bản. Điều đáng tiếc này sẽ khó xảy ra nếu có sự đầu tư cho khoa học công nghệ trong khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, rau quả XK còn quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc với đặc tính "nóng lạnh" thất thường, lúc mua hàng ồ ạt, lúc ngừng thu mua. Nhiều doanh nghiệp (DN) ngại thủ tục phiền hà khi XK qua con đường chính ngạch đã bắt tay với thương nhân Trung Quốc XK tiểu ngạch, nên đã gặp phải nhiều rủi ro.
Ông Trần Quang Bách - Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: Nhiều DN lựa chọn XK tiểu ngạch vì không phải làm thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu, mà chỉ mua bán bằng tiền mặt. Chính vì vậy, không ít DN bị thương nhân bên Trung Quốc mua mà không trả tiền, độ rủi ro rất cao. Các DN Việt Nam cũng chưa đầu tư nhiều cho khâu marketing, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nên sức cạnh tranh của rau quả của Việt Nam vẫn yếu so với các nước khác trên thế giới.
Để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho trái cây Việt, còn cần phải tăng cường các mô hình sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, như: VietGAP, GlobalGAP, có nhiều giải pháp chủ động đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần tổ chức tốt việc liên kết giữa người sản xuất và DN XK, chấm dứt tình trạng sản xuất, kinh doanh theo kiểu tự do, tự phát, thiếu quy hoạch như hiện nay.
Thu Hường/ Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào: