» » Dự báo tình hình sâu bệnh tại Đồng Tháp trong tuần từ 13/03/2014

Trên lúa hè thu 2014, đợt rầy cám mới đã nở rộ và sẽ tiếp tục phát triển ở tuổi 3 - 5, gây hại ở mức nhẹ - trung bình trên trà lúa đẻ nhánh - làm đòng, một số diện tích gieo trồng giống nhiễm sẽ nhiễm với mật số cao hơn. Đồng thời, rầy trưởng thành vẫn còn tiếp tục di trú rải rác do lúa Đông Xuân vẫn còn đang tiếp tục thu hoạch. Do đó trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng sẽ có nhiều lứa rầy gối nhau.

Ảnh minh họa

I. Tình hình sinh vật gây hại 7 ngày qua:

1. Trên lúa:

Vụ Đông Xuân 2013-2014:

- Rầy nâu: Diện tích nhiễm 1.600,4 ha trên lúa giai đoạn đòng trỗ, trong đó 1 ha nhiễm nặng (huyện Thanh Bình), 174 ha nhiễm trung bình, còn lại nhiễm nhẹ, rầy phổ biến tuổi 3 - 4. Diện tích nhiễm rầy giảm 1.303,6 ha so với tuần trước, do nông dân tích cực phòng trừ.

- Sâu cuốn lá: Gây hại nhẹ 143 ha trên lúa giai đoạn đòng trỗ, mật số 10 - 20 con/m2, tăng 43 ha so với tuần trước.

- Muỗi hành: Diện tích nhiễm nhẹ 20 ha trên lúa giai đoạn đòng trỗ, giảm  215 ha so với tuần trước.

- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm nhẹ 297 ha trên lúa giai đoạn đòng trỗ, giảm 500,5 ha so với tuần trước, do nông dân chủ động phòng trừ.

- Bệnh lem lép hạt: Diện tích nhiễm 1.205 ha, trong đó, có 12 ha nhiễm trung bình (huyện Hồng Ngự), còn lại nhiễm nhẹ, giảm 358 ha so với tuần trước.

Ngoài ra các đối tượng khác như: Đạo ôn cổ bông, bệnh vàng lá, cháy bìa lá, chuột, nhện gié, đốm nâu…xuất hiện và gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ-trung bình.

Vụ Hè Thu 2014:

- Rầy nâu: Diện tích nhiễm 2.600 ha trên lúa giai đọan đẻ nhánh - làm đòng, rầy phổ biến  tuổi 2 - 3, trong đó, diện tích nhiễm trung bình 400 ha (huyện Tháp Mười, Tân Hồng), còn lại nhiễm nhẹ, giảm 1.560 ha so với tuần trước.

- Sâu cuốn lá: Nhiễm nhẹ 847 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, mật số 15 - 30 con/m2, tăng 39 ha so với tuần trước.

- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm 580 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, trong đó có 45 ha nhiễm trung bình (huyện Cao Lãnh)  với tỷ lệ 10 - 20%, còn lại nhiễm nhẹ, tăng 149,5 ha so với tuần trước.

- Muỗi hành: Diện tích nhiễm 378,1 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, trong đó có 25,2 ha nhiễm nặng (huyện Tân Hồng , Tháp Mười) với tỷ lệ 50 - 70%, nhiễm trung bình 52,9 ha, còn lại nhiễm nhẹ, tăng 298,1 ha so với tuần trước.

2. Hoa màu: Các đối tượng xuất hiện phổ biến như: Sâu đục thân, bệnh đốm lá, sọc lá trên bắp; sương mai trên dưa leo; bọ trĩ trên dưa hấu; thán thư trên hành, ớt… gây hại rải rác hoặc chủ yếu ở mức nhẹ.

3. Cây ăn trái:

Các đối tượng gây hại như: Nhện, sâu đục trái, bệnh thán thư, đốm vi khuẩn, vàng lá thối rễ, bệnh cháy lá, bệnh loét... xuất hiện và gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ trên Xoài, Cam Quýt.

Đối với bệnh chổi rồng trên nhãn: Tình hình bệnh tương đối ổn định trên các vườn nhãn được áp dụng theo quy trình quản lý bệnh. Còn lại các vườn trồng rải rác hoặc không đầu tư chăm sóc tỷ lệ bệnh vẫn còn cao.

II. Dự báo tình hình sinh vật gây hại trong tuần tới:

Trên lúa Đông Xuân 2013 - 2014:

Do diện tích lúa còn lại trên đồng tập trung chủ yếu giai đoạn làm đòng - trỗ chín nên các đối tượng như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt, nhện gié xuất hiện và gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình. Dự báo rầy bắt đầu di trú từ 15 – 25/3/2014 với mật số cao và không đồng đều giữa các khu vực.

Trên lúa Hè Thu 2014:

- Rầy nâu: Đợt rầy cám mới đã nở rộ và sẽ tiếp tục phát triển ở tuổi 3 - 5, gây hại ở mức nhẹ - trung bình trên trà lúa đẻ nhánh - làm đòng, một số diện tích gieo trồng giống nhiễm sẽ nhiễm với mật số cao hơn. Đồng thời, rầy trưởng thành vẫn còn tiếp tục di trú rải rác do lúa Đông Xuân vẫn còn đang tiếp tục thu hoạch. Do đó trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng sẽ có nhiều lứa rầy gối nhau.

- Sâu cuốn lá: Tiếp tục gây hại ở mức nhẹ - trung bình trên giai đoạn lúa đẻ nhánh - đòng trỗ.

- Bệnh đạo ôn lá: Gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ. Đặc biệt trên những ruộng gieo sạ giống nhiễm (OM 4218, OM4900, IR50404, Jasmine,…) sạ dày và bón thừa phân đạm có thể bị hại nặng. 

- Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt: Gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn làm đòng - trỗ chín.

Ngoài ra, các đối tượng khác như: Muỗi hành, chuột, sâu đục thân,  nhện gié, bệnh vàng lá, … xuất hiện và gây hại rải rác hoặc cục bộ ở mức nhẹ - trung bình.

Trên hoa màu và cây ăn trái

- Hoa màu: Các đối tượng như sâu đục thân bắp, thán thư hành, đốm lá ớt, thối nhũn bắp cải, …tiếp tục xuất hiện và gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ.

- Cây ăn trái: Các đối tượng như nhện, ruồi đục quả, bệnh thán thư, bệnh cháy lá và sâu đục trái trên xoài, loét trên cây có múi, bệnh chổi rồng trên nhãn ... xuất hiện và gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ.

III. Đề nghị:

1. Trên lúa:

Đối với lúa Đông Xuân 2013 - 2014:

Tiếp tục thăm đồng, theo dõi các đối tượng như rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt, nhện gié…, phát hiện sớm để phòng trị kịp thời, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất.

Đối với lúa Hè Thu 2014:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình rầy di trú để tiếp tục che chắn nước kịp thời cho lúa dưới 20 ngày sau sạ, hạn chế rầy chích hút, đẻ trứng và truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá; rút cạn nước khi mật số rầy di trú đã giảm.

- Theo dõi kỹ mật số rầy trên ruộng để phát hiện đợt rầy cám mới nở, khi thấy đa số rầy ở tuổi 2 - 3, mật số cao >3 con/tép thì xử lý bằng một trong các loại thuốc chống lột xác, lúa giai đọan đòng trỗ có thể xử lý bằng thuốc có tác dụng lưu dẫn để tăng hiệu quả phòng trừ, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa. Tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc.

- Áp dụng tổng hợp các biện pháp để diệt trừ ốc bươu vàng, chuột, cỏ dại  ngay từ đầu vụ.

- Bón phân cân đối, tăng cường lân, kali ngay từ đầu vụ, tưới tiêu nước hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40NSS, nhằm giúp lúa phát triển tốt, chống chịu với điều kiện đất đai, thời tiết bất lợi, hạn chế sự phát sinh, phát triển của muỗi hành, các đối tượng sâu bệnh khác và đổ ngã về sau.

- Những ruộng vừa thu họach lúa Đông Xuân xong, cần cày ải phơi đất, bảo đảm thời gian cách ly ít nhất 3 tuần trước khi xuống giống vụ Hè Thu nhằm cắt nguồn lưu tồn sâu bệnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ. Những ruộng không bảo đảm được thời gian cách ly, ruộng có nguy cơ ngộ độc phèn cần chủ động việc bơm rút nước rửa độc cho đất, bón thêm vôi ngay từ đầu vụ.

2. Trên cây ăn trái: Tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên cây ăn trái nhất là các đối tượng như sâu đục trái trên cây có múi, bệnh chổi rồng trên nhãn để có hướng dẫn phòng trị kịp thời.

Tình hình thời tiết và giai đoạn lúa rất thích hợp cho các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh, phát triển; do đó, cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng gây hại để xử lý kịp thời, hiệu quả./.

Nguồn: Chi cục BVTV Đồng Tháp

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: