» » » Đầu Xuân Giáp Ngọ: Nông dân Đăk Nông đồng loạt ra đồng

VINAGRI News - Sau những ngày đón Tết Giáp Ngọ vui vẻ, đầm ấm, từ ngày mùng Bốn tết, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh lại nô nức ra đồng để sản xuất, với mong ước có được những mùa màng bội thu. 

Tại xã Đắk D’rông (Chư Jút), bà con nông dân đã hăm hở xuống đồng để chăm sóc lúa. Chị Hoàng Thị Lý ở thôn 5 phấn khởi cho biết: “Hầu như năm nào, gia đình tôi cũng chọn mùng Bốn tết để ra đồng thăm ruộng. Bởi ngày ra đồng đầu năm không chỉ xuất hành chọn ngày tốt để cầu mong cho năm tới tất cả công việc, mùa màng được suôn sẻ, bội thu mà còn giúp mọi người trong gia đình “sốc lại tinh thần” làm việc sau những ngày nghỉ ngơi”.

Người dân xã Đắk D'rông (Chư Jút) chăm sóc lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Văn Tâm

Cũng chọn ngày mùng Bốn tết để lấy nước vào cho mấy sào lúa, bà Lầu Thị Vinh ở thôn 20 cũng vui vẻ nói: “Sau 3 ngày tết thì gia đình tôi lại bắt đầu công việc thường ngày của nhà nông. Năm nay, gia đình tôi dừng việc đồng áng để chuẩn bị cho cái tết cổ truyền tương đối dài, nhưng hôm nay ra đồng thăm ruộng thấy cây lúa vẫn phát triển xanh tốt và chưa thấy xuất hiện sâu bệnh gì nên mừng lắm. Với sự khởi đầu thuận lợi này, gia đình tôi sẽ cố gắng đầu tư, chăm bón cho hơn 3 sào lúa để cuối vụ đạt năng suất và chất lượng cao hơn”.

Cùng với không khí này, ngay từ tờ mờ sáng trên các nẻo đường làng ở xã Chư K’nia (Chư Jút) đã thấy bà con nông dân tập trung nhân công ra vườn, rẫy để thu hoạch hồ tiêu. Ông Ngô Trường Lâm ở thôn 1 cho biết: “Vùng đất của xã Chư K’nia đa phần là đất bạc màu lẫn với đá sỏi, nhưng vài năm trở lại đây, bà con đã đưa cây hồ tiêu vào trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình trồng ít cũng 5-7 sào, còn nhiều thì từ 2-3 ha. Những năm qua, nhờ hồ tiêu được giá nên gia đình nào cũng sung túc”.

Mới xế trưa ngày mùng Năm, nhưng tại vườn tiêu của ông Lâm, những nhân công hái tiêu đã chất hàng chục bao tiêu tươi ngay đầu rẫy để đợi xe ô tô đến vận chuyển về nhà. Theo ông Lâm thì vụ tiêu năm nay, hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn xã đều trúng mùa. Đơn cử như vườn tiêu của gia đình ông, chỉ với diện tích 1 ha hồ tiêu, nhưng mỗi năm cho thu hoạch trung bình 5-6 tấn. Trong khi, giá tiêu trên thị trường đang ở mức trên 130.000 đồng/kg thì trừ chi phí, mức thu nhập từ loại cây trồng này đối với gia đình ông cũng đạt trên 500 triệu đồng/vụ.

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Chư Jút thì hiện nay, cây hồ tiêu đang là cây trồng khá phổ biến và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân trong huyện. Trong những năm qua, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ thâm canh cây hồ tiêu.

Còn tại xã Quảng Phú (Krông Nô), bà con cũng “ra quân” xuống đồng với không khí rất nhộn nhịp. Ông Lê Văn Thanh ở thôn Phú Thuận hớn hở nói: “Mặc dù hiện tại, không khí tết vẫn còn khá nhộn nhịp tại gia đình, nhưng với tinh thần chọn ngày khởi hành để lấy khí thế cho cả năm, gia đình tôi vẫn tranh thủ ra đồng thăm ruộng lúa. Điều đáng mừng là thời tiết của những ngày sau tết năm nay khá ôn hòa, rất thuận lợi cho cây trồng phát triển. Ðối với những sào ruộng xuống giống sớm của gia đình đã thấy cỏ mọc và phát sinh bệnh vàng lá, nên ngoài việc làm cỏ, tôi tranh thủ bón phân cho cây lúa hấp thụ chất dinh dưỡng lẫn tiết trời đầu xuân ấm áp để sinh trưởng tốt hơn”. 

Tương tự, tại xã Thuận An (Đắk Mil), ngay từ sáng sớm ngày mùng Bốn tết, nhiều hộ nông dân trong xã đã ra rẫy chăm sóc vườn cà phê, cây ăn quả, có hộ còn vận chuyển máy móc, ống dẫn nước để tưới cà phê. Ông Trần Văn Giáp, một người dân trong xã vui vẻ nói: “Nhà tôi có 1,5 ha cà phê kinh doanh, do thời tiết năm nay khá lạnh nên nhu cầu về nước tưới của cây cà phê không bức bách như mọi năm nên đến hôm nay mới tiến hành tưới nước cho vườn cây”.

Ngay từ sáng sớm ngày mùng Bốn tết, gia đình ông Trần Văn Giáp ở xã Thuận An (Đắk Mil) đã ra rẫy chăm sóc và tưới nước cho vườn cà phê. Ảnh: Văn Tâm

Còn đối với ông Nguyễn Đức Thuận ở thôn Đức Vinh, xã Đức Mạnh thì mặc dù dư âm của 3 ngày tết và không khí sum họp con cháu ở xa về vẫn còn vui vẻ tại gia đình, nhưng ông vẫn không quên đợi đến ngày thích hợp là nhanh chóng ra đồng bơm nước tưới “giải khát” cho 2 ha cà phê. Ông Thuận cho hay: “Năm nay, việc chăm sóc, tưới nước cho cà phê cũng khá thuận lợi nhờ lượng mưa trong năm dồi dào, mực nước chứa ở các ao hồ tương đối nhiều hơn mọi năm nên hiện tại không lo thiếu nước. Chỉ mong từ nay đến cuối mùa khô thời tiết thuận lợi, sâu bệnh không xuất hiện để mọi người có một vụ mùa thuận lợi”.

Nông dân xã Thuận An chăm sóc rau vụ đông xuân. Ảnh: Hồng Thoan

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil thì vụ đông xuân này toàn huyện có kế hoạch gieo trồng 825 ha các loại cây trồng, trong đó hai loại cây có diện tích lớn nhất là lúa nước: 655 ha và 120 ha rau. Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ tháng 11/2012, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và Phòng cũng đã có công văn gửi các huyện, thị xã và các đơn vị chuyên môn như: Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Chi nhánh Công ty TNHH Khai thác Công trình thủy lợi… tập trung các nguồn lực, vận động nhân dân chủ động làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nạo vét kênh mương đảm bảo tiến độ gieo cấy trên địa bàn. Do đó, so với mọi năm, vụ đông xuân này tiến độ sản xuất được được đẩy nhanh hơn.

Nông dân xã Thuận An (Đắk Mil) ra quân sản xuất lúa đầu năm. Ảnh: Hồng Thoan

Tại thị xã Gia Nghĩa, nông dân cũng đã vào rẫy tưới cà phê hoặc thu hái điều, chăm sóc rau xanh. Thời tiết khá thuận lợi nên vụ điều năm nay, nhiều hộ được mùa. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Nghĩa Hòa, xã Quảng Thành thì với một ha điều, năm nay, gia đình ông cũng sẽ thu về khoảng 1 tấn nhân. Có được năng suất như vậy là do ông đã chú trọng vào việc bón phân và phòng trừ hiệu quả các loại sâu như sâu đục thân, bọ xít, thán thư. Ông Tuấn cho biết: “Hiện nay, nhiều nhà nông không coi trọng cây điều nhưng tôi vẫn tích cực chăm sóc bởi nó có thể cho thu nhập trên những phần đất không được tốt lắm. Nếu tính giá khoảng 20.000 đồng/kg thì tôi cũng có khoảng 15 triệu tiền lãi. Với nhà nông, đầu năm mà có “lộc” từ vườn rẫy dù ít dù nhiều vẫn thấy vui và hi vọng bội thu”.

Nông dân Gia Nghĩa thu hái điều đầu xuân. Ảnh: Hồng Thoan

Tại huyện Đắk R’lấp, sau những ngày đón tết vui vẻ, đầm ấm thì nông dân tại nhiều địa bàn đã tích cực ra đồng để bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước cho các loại cây trồng.

Sáng mùng Năm tết, tại cánh đồng bon Bu N’Đor, xã Đắk Wer, nhiều hộ gia đình đã tổ chức ra thăm ruộng để lấy nước, bón phân cho lúa. Anh Điểu Ban, một nông dân trong bon cho biết: “Như đã thành thói quen, cứ bước sang năm mới được ít ngày, gia đình tôi lại thay phiên nhau ra đồng thăm ruộng để lấy nước, bón phân cho lúa. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vụ đông xuân này, gia đình tôi gieo cấy hơn 4 sào lúa. Vừa đáp ứng đủ nguồn nước, vừa có phân, có giống tốt, cũng như tích cực theo dõi, đến thời điểm này, ruộng lúa của gia đình vẫn phát triển tốt. Với sự khởi đầu thuận lợi này, gia đình tôi hi vọng bước sang năm mới sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi”.

Sau những ngày đón tết vui tươi, gia đình anh Điểu Ban tích cực ra đồng bón phân cho ruộng lúa. Ảnh: Nguyễn Lương

Cũng phấn khởi ra đồng thăm ruộng lúa từ những ngày đầu năm, chị Vi Thị Thảo ở cùng bon chia sẻ: “Mặc dù, không khí xuân vẫn còn nhộn nhịp trong bon, nhưng tôi và nhiều hộ khác vẫn không quên việc ra thăm đồng để “tiếp sức” kịp thời cho nhiều diện tích lúa đang ở trong thời kỳ sinh trưởng. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đều phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại nên gia đình rất yên tâm”.

Bên cạnh lấy nước, bón phân, phòng bệnh cho các ruộng lúa, hiện nay, bà con trong huyện còn tích cực chăm sóc tốt những “vựa” rau để phục vụ nhu cầu sau tết. Bà Nguyễn Thị Thanh, ở thôn 2, xã Nhân Đạo cho biết: “Những năm gần đây, với hơn 4 sào đất trồng đủ các loại rau như bắp cải, xà lách, dưa chuột, đậu ve, rau thơm… luôn là nguồn thu nhập hàng ngày, góp phần giúp gia đình ổn định cuộc sống. Cũng chính vì thế, sau khi ăn tết được ít ngày, gia đình đã tích cực làm đất, xuống giống các loại rau màu để bán. Với việc nắm vững kỹ thuật của các khâu từ làm đất, xuống giống đến chăm sóc, chỉ trong một thời gian ngắn nữa là gia đình có thể mang ra chợ bán và kiếm thêm thu nhập”.

Tương tự, đối với gia đình ông Lê Minh Sang, ở thôn 4 thì công đoạn chăm sóc vườn rau sau dịp tết là công việc thường niên đã được mọi người trong nhà tiến hành từ nhiều năm nay. Bởi theo kinh ngiệm của ông, nếu vườn rau không được chăm sóc thường xuyên thì năng suất, chất lượng rau sẽ giảm đi đáng kể. Ông Sang chia sẻ: “Tuy diện tích đất sản xuất không nhiều, nhưng nhờ biết lựa chọn giống phù hợp, cùng với kinh nghiệm nhiều năm trồng rau màu nên vườn rau của gia đình tôi luôn mang lại năng suất cao. Đặc biệt, trong quá trình canh tác, gia đình đã hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, mà thay vào đó là thực hiện các bước đảm bảo an toàn cho rau trước khi cung cấp ra thị trường, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Nông dân xã Nhân Đạo chăm sóc rau màu sau tết. Ảnh: Nguyễn Lương

Theo ông Cao Qúy Thương, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk R’lấp thì vụ đông xuân này, địa phương đã gieo trồng được gần 1.000 ha cây trồng các loại. Để đảm bảo sản xuất thành công, bước qua ngày mùng Bốn Tết, nhiều bà con đã tích cực vào rẫy, xuống đồng để lấy nước, bón phân, chăm sóc cây trồng. Với tinh thần đoàn kết và ước vọng một vụ màu no ấm, thắng lợi, không khí sản xuất trên các cánh đồng hết sức sôi nổi. Về phía địa phương, để giúp nhân dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp huyện đã có hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ, cũng như cử cán bộ khuyến nông xuống từng xã hướng dẫn bà con tăng cường biện pháp kỹ thuật cho từng loại cây trồng. Các phương án tưới nước, phòng trừ dịch bệnh, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con… cũng được huyện triển khai thực hiện kịp thời.

Theo UBND các huyện thì việc duy trì các hoạt động “ra quân”, bắt tay sản xuất ngay trong ngày mùng Bốn tết là để giúp người dân chăm sóc lại cây trồng sau những ngày vui chơi đón tết. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hướng đến một vụ sản xuất thành công. Một mùa xuân nữa lại đến và người nông dân trong tỉnh đã bắt đầu quay lại với công việc thường nhật của mình. Tất cả cùng đang mong ước và dồn mọi khí thế, công sức, vật lực cho những mùa vụ sản xuất bội thu năm 2014.

Văn Tâm - Nguyễn Lương - Hồng Thoan/ Báo Đăk Nông

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: