» » » Tăng xuất khẩu nông nghiệp: Chủ yếu dựa vào số lượng

VINAGRI NewsTại Hội nghị toàn thể thường niên ISG 2013 vừa được tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội, một lần nữa vai trò của nông nghiệp, nông thôn như trụ đỡ, tấm đệm của nền kinh tế lại được khẳng định. Tuy nhiên, nhiều thách thức mới mà ngành nông nghiệp cũng cần phải đối mặt.


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, gia nhập WTO, nghĩa là cơ hội xuất khẩu được rộng mở và các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội này, đưa nhiều mặt hàng nông, lâm thủy sản của chúng ta đứng vào top đầu thế giới về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tục tăng ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Cá tra là ngành hàng được đánh giá có nhiều thế mạnh. Gần 95% sản lượng cá tra sản xuất tại Việt Nam được XK, đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD/năm, chiếm 98% thị trường tiêu thụ cá tra toàn thế giới. Cá tra Việt Nam là mối lo ngại của các đối thủ cạnh tranh, bởi vậy Hoa Kỳ thường xuyên áp dụng mức thuế chống bán phá giá với các nhà xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu dựa vào tăng khối lượng chứ không phải tăng giá. Như kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2012 tăng 0,4% so với năm 2011 nhưng lượng gạo xuất khẩu tăng 12,7%. Tương tự, giá trị xuất khẩu cà phê năm 2012 tăng 33,4% so với năm 2011 trong khi lượng xuất khẩu tăng 37,8%.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp không kịp thay đổi phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới, hệ thống chính sách hỗ trợ không theo kịp thực tiễn phát triển và sự yếu kém nội tại đã khiến các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng, doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam nói chung chưa tận dụng hết cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, ngược lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Có đến 80% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) về vấn đề vốn của doanh nghiệp không mấy khả quan. Về tiếp cận vốn, tỷ lệ các doanh nghiệp cà phê và thủy sản đối mặt với khó khăn này tăng so với năm 2007, với tỷ lệ trên dưới 40%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn ở doanh nghiệp lúa gạo gần như không đổi.

Sự bất ổn của tỷ giá hối đoái đã gây khó khăn cho 70% doanh nghiệp mía đường được hỏi; tỷ lệ này ở doanh nghiệp lúa gạo và thủy sản là 50%. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê tỏ ra là những doanh nghiệp kiểm soát được vấn đề tỷ giá khi chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp được hỏi cho rằng biến động tỷ giá gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, khó khăn về tiếp cận thông tin thị trường lại là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trăn trở, có gần 60% số doanh nghiệp cà phê được hỏi cho rằng, họ đang phải đối diện với thách thức này.

TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện ISPAD- nhấn mạnh: "Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam đạt 4- 5%, đó là mức rất cao. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng đó là theo phân tích của chúng tôi là do thu hút thêm tài nguyên, lấy đất nước, lao động, đổ rất nhiều vốn, vật tư vào. Trong tương lai, chúng ta không còn cơ hội như thế nữa. Các tiêu chuẩn yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu về vững bền, yêu cầu về đạo đức trên thế giới càng ngày càng lớn hơn. Nhất là những cam kết thương mại ở giai đoạn mới, Việt Nam không còn những thuận lợi như cũ nữa. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang chuyển rất mạnh sang một quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng: tăng hiệu quả, tăng giá trị gia tăng, tăng khả năng vững bền".

Theo ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, chúng ta cần cải cách, tái cơ cấu những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, chi tiêu công, doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao tính minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng năng lực, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; tham vấn, cung cấp thông tin, tăng cường tiếp cận doanh nghiệp; rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi theo hướng đảm bảo nhu cầu quản lý trong nước và phục vụ hội nhập.

Ông Trương Đình Tuyển- Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại- cho rằng: WTO tạo điều kiện cho chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu nhưng có vẻ như chúng ta chưa tận dụng hết cơ hội này. Nền nông nghiệp của ta vẫn là quy mô nhỏ, manh mún, nông hộ là chủ yếu; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém trong khi các thách thức, rảo cản ngày càng nhiều. “Vì vậy, để đối phó với thách thức này, chúng ta cần đẩy mạnh đưa công nghệ sinh học vào nông nghiệp, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, tạo môi trường cho khoa học công nghệ phát triển”- ông Tuyển nhấn mạnh.

Nguyễn Hạnh/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: