VINAGRI News - Trên cơ sở dự thảo Chương trình tái cơ cấu kinh tế (TCCKT) gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 được thông qua mới đây, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện của tỉnh Hậu Giang đều thống nhất với định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ yếu, trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Vì thế, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh sẽ điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp, gắn với nhu cầu thị trường, chú trọng khâu giống, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp để tăng chất lượng nông sản, hạ chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phát huy giá trị cây, con chủ lực
Bưởi Năm Roi là 1 trong 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh được ngành nông nghiệp quan tâm xây dựng nhãn hiệu.
Qua đó, giải pháp thực hiện của tỉnh là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo giá trị và theo quy trình sản xuất đối với các nông sản có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Đồng thời, đề ra các chính sách ưu tiên ngân sách nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, dịch vụ nông nghiệp một cách đồng bộ. Trước hết là tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh gồm lúa, mía, bưởi Năm Roi, cam sành, chanh không hạt, quít đường, khóm Cầu Đúc, xoài cát Hòa Lộc, cá thát lát, cá rô đồng để tăng hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh. Trong đó ổn định diện tích lúa 78.000ha, diện tích gieo trồng 200.000ha, năng suất bình quân 5,8-6 tấn/ha, tổng sản lượng 1,1-1,2 triệu tấn/năm. Hoàn thành đề án cơ giới hóa và hệ thống kho chứa, giải quyết tốt yêu cầu thu mua tạm trữ cho dân.
Theo ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, hiện ngành đã xây dựng 4 đề án và 4 dự án chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ yếu là chuyển đổi vùng mía kém hiệu quả ở Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái ở huyện Vị Thủy, phát triển vùng quít đường ở huyện Long Mỹ. Cùng với đó là trình diễn một số mô hình lúa - bắp, lúa - cá và lúa - tôm ở huyện Châu Thành A. Tuy nhiên, để có cơ sở rút kinh nghiệm, ông Đời khẳng định: bước đầu chỉ triển khai thực hiện thí điểm khoảng vài héc-ta cho đến vài chục héc-ta, tối đa khoảng 100ha đối với từng mô hình cụ thể.
Nền tảng phát triển công nghiệp - dịch vụ
Đặc biệt là xây dựng hoàn thành 10 nhãn hiệu nông sản chủ lực của tỉnh. Trong đó, có 5 loại nông sản là bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng như triển khai đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi chủ lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm tập trung vào mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống cung ứng giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, để tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản lâu dài và tăng thu nhập của nông dân một cách bền vững.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần Nghĩa Bình phân tích, đối với đặc thù là tỉnh thuần nông, có đến 70% dân số sống bằng nghề nông, Chương trình TCCKT của tỉnh, trong đó lấy nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ là hoàn toàn phù hợp. Thực tế cho thấy, lợi thế cạnh tranh đối với Hậu Giang phải kể đến điều kiện đất đai, thiên nhiên ưu đãi cho quá trình canh tác nhiều loại nông sản thế mạnh vốn có ở từng địa phương. Do đó, cần phải bám sát vào lợi thế cạnh tranh này để phát huy giá trị sản xuất vật nuôi, cây trồng chủ lực bằng cách tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, ổn định với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến.
Đồng quan điểm này, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Văn Thân cho rằng, nông dân thường đối mặt với tình cảnh “được mùa mất giá”, thậm chí là đầu ra gặp trở ngại. Đây không chỉ là trăn trở của người trồng lúa mà còn là nỗi lo lắng đối với người chăn nuôi gia súc, gia cầm, kể cả thủy sản. Cho nên ngành nông nghiệp tỉnh cần xem xét chuyển đổi một số diện tích lúa vụ 3 hàng năm kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Cũng như định hướng người dân hạn chế canh tác các sản phẩm có rủi ro cao mà chỉ nên mở rộng diện tích những loại nông sản thế mạnh, có đầu ra, thị trường ổn định.
Thực tế là hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện mạnh mẽ các chương trình xúc tiến thương mại, hình thành hệ thống thu mua các mặt hàng nông sản theo hướng chợ đầu mối, cùng với đó là giới thiệu và vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm tạo điều kiện giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Hậu Giang…
Mục tiêu phấn đấu của Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 là có 70% nông dân tham gia sản xuất được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; có 10-15% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; có 70-80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ dùng lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương trên 80%; nhóm cây ăn trái có múi, mía, rau màu, khóm sử dụng 90-100% giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao; đảm bảo trên 80% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao.
Bài, ảnh: N.Nguyễn/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: