» » Bảo hiểm từ thiện lãi suất cho nông nghiệp

VINAGRI NewsLãi vay ngân hàng cộng với chi phí nếu tham gia bảo hiểm thấp xa so với vay tín dụng đen, song nông dân vẫn không mặn mà, buộc ngân hàng nghĩ tới hình thức mới để kéo khách hàng nông thôn đến với mình.

Câu chuyện bảo hiểm từ thiện lần đầu tiên được đề cập tại Hội thảo Giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL ngày 17/10, với sự tham gia của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo một số tỉnh trong vùng, các ngân hàng thương mại và các chuyên gia đầu ngành ngân hàng. Tại sự kiện này, Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn khu vực ĐBSCL có bảo hiểm từ thiện lãi suất. 

Đề án triển khai từ nay đến 2015, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sẽ nhận bảo hiểm miễn phí lãi suất tiền vay, đồng thời thay mặt nông dân vay vốn thanh toán toàn bộ khoản dư nợ lãi vay trong trường hợp khó khăn khách quan. Theo tính toán của LienVietPostBank, toàn bộ ngân sách dành cho đề án (5.000 tỷ đồng) sẽ được giải ngân hết trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm nay đến tháng tư năm sau. Số tiền lãi được bảo hiểm dự kiến đến hết 2015 là 800 tỷ đồng. Cùng với việc công bố đề án của riêng mình, LienVietPostBank còn kiến nghị nhân rộng nghiệp vụ bảo hiểm vốn vay cho hộ nông dân trong đó khuyến khích bảo hiểm từ thiện.

Đánh giá cao ý nghĩa xã hội của đề án 5.000 tỷ đồng mà LienVietPostBank tiên phong triển khai, song Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành lại hoài nghi về hiệu quả lâu dài. “Chương trình tín dụng của Bưu điện Liên Việt có ý nghĩa hỗ trợ rất lớn. Nhưng liệu rồi sau này có thêm nhiều nghìn tỷ như vậy nữa không. Dù là bảo hiểm nông nghiệp vẫn cần có tính thị trường, hỗ trợ nhưng phải bền vững”, ông Thành nói.

Tự nhận là người ngoại đạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Thành cũng mạnh dạn đề cập tới một khái niệm đang được thế giới nhắc tới nhiều thời gian gần đây, đó là “tài chính bao trùm” (inclusive financial) – một dịch vụ tài chính cung cấp cho bộ phận khách hàng thu nhập thấp và kém may mắn với chi phí hợp lý. Trong đó, các dịch vụ tín dụng, bảo hiểm đi song hành với trợ cấp xã hội, nhưng tuân theo cơ chế thị trường.

“Không nên coi bảo hiểm trong nông nghiệp nông thôn như sự bảo hiểm từ thiện mà cần tuân theo cơ chế thị trường ngay cả khi tính tới phương án hỗ trợ bà con”, ông nói.

Cũng theo ông, đã đến lúc Việt Nam nên nhìn nông nghiệp nông thôn với con mắt hoàn toàn mới, như một động lực mới cho tăng trưởng của cả nền kinh tế chứ không phải bước đệm trong lúc các ngành khác khó khăn. Muốn vậy, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn cần tầm nhìn dài hạn chứ không chỉ trong ngắn hạn.

Cánh đồng mẫu lớn - ý tưởng mới trong nông nghiệp nông thôn nhằm hướng tới sản xuất quy mô lớn đang được nhiều người tâm đắc. Ảnh: CanThoTV.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng 4 cái khó lớn nhất của người nông dân khi muốn sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đó là: thiếu vốn, thiếu người cung cấp vật tư đầu vào ổn định với giá cả hợp lý và có đạo lý, thiếu khoa học công nghệ và khó khăn trong giải quyết đầu ra. Theo ông, người nông dân cần giúp đỡ giải quyết 4 khó khăn này, chứ không chỉ trông chờ vào từ thiện.

“Không thể hoàn toàn nhìn dưới góc độ thị trường để phát triển nông nghiệp nông thôn, song với tư cách doanh nghiệp anh cứ đi làm từ thiện mãi, chỉ nghĩ tới lợi ích của người khác mà không nghĩ tới lợi ích của mình, như vậy chỉ là nói xạo thôi”, ông nói.

Minh chứng cho điều này, ông Thòn dẫn lại triết lý kinh doanh của Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang: Góp phần chăm lo lợi ích xã hội ngày hôm nay cũng chính là mang lại lợi ích phát triển của công ty trong tương lai. Và trách nhiệm của công ty khi làm ra lợi nhuận đó là phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý.

“Nói nôm na triết lý kinh doanh của chúng tôi là trước làm phục vụ, sau có cái ăn. Nếu chúng ta có máy in tiền thoải mái thì có thể làm từ thiện không tính toán. Nhưng chúng ta là doanh nghiệp, nên phải làm từ thiện dựa trên lợi nhuận thu được”, ông nói.

Ông cho biết thêm biên lợi nhuận trên mỗi tấn gạo mà công ty thu được đang ngày càng tăng và nhờ đó mà công ty tăng phần hỗ trợ cho bà con nông dân, cũng chính là khách hàng của mình. Mỗi ký lúa, công ty ông đang hỗ trợ ứng trước 962 đồng chi phí mua vật tư nông nghiệp cho bà con.

Trao đổi với VnExpress, Phó chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng cho rằng ngân hàng ông xác định gắn bó lâu dài với nông nghiệp nông thôn bởi đầu tư cho lĩnh vực này an toàn mà vẫn sinh lời cao. Tuy nhiên, ngân hàng cần xâm nhập từng bước trước khi có thể bám rễ, gắn chặt với thị trường này.

“Ở ĐBSCL hiện nay, lãi suất ngân hàng cộng với phí bảo hiểm thông thường vẫn còn thấp xa so với tín dụng đen, nhưng người dân vẫn thích đi vay nặng lãi. Bởi cứ nói tới phí bảo hiểm là họ nghĩ đắt. Tôi muốn họ quen dần với bảo hiểm, đầu tiên là từ thiện cho không, sau thu dần một ít phí, trước chỉ bảo hiểm lãi suất, rồi sẽ bảo hiểm cả gốc lẫn lãi”, ông Hướng lý giải mục đích của chương trình 5.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng nông nghiệp nông thôn.

Theo ông, triển khai chương trình cho vay có bảo hiểm từ thiện lãi suất không có nghĩa ngân hàng quan niệm mình là ân nhân của nông dân. “Nông dân ĐBSCL chịu thương chịu khó làm ăn và không phải ai cũng trông mong vào đồng tiền từ thiện. Họ chính là ân nhân của ngân hàng, bởi thời gian qua nếu chúng tôi chỉ tập trung cho vay các thành phố lớn thì chúng tôi đã mất rất nhiều rồi”, ông nói.

Cho vay nông nghiệp nông thôn món nhỏ, phân tán rủi ro nên nếu mất cũng mất rất ít. Trong khi đó, lãi suất cho nông dân vay nói là ưu đãi nhưng thực tế vẫn còn cao hơn cho vay một số doanh nghiệp lớn ở thành phố.

“Chúng tôi xác định sẽ chuyển vốn từ thành phố về nông thôn để cho vay. Kể cả đi làm từ thiện, tính đầy đủ chi phí, chúng tôi vẫn có lãi”, ông Hưởng nói. LienVietPostBank mỗi năm dành 8% lợi nhuận cho công tác từ thiện xã hội. Nếu như trước đây chỉ tập trung chi tiền từ thiện để xây dựng công trình hạ tầng thì nay ngân hàng điều chuyển một phần để thực hiện thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi.

“Hoạt động từ thiện đó vừa giúp dân vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời tạo thị trường lâu dài cho ngân hàng. Cả hai bên, ngân hàng và nông dân đều có lợi”, ông nói thêm. Ông Hưởng dự báo sẽ ngày càng có nhiều ngân hàng triển khai chương trình tín dụng tương tự đối với nông nghiệp nông thôn.

Theo thống kê của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong 3 năm 2010-2012 đạt gần 25%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng dư nợ chung của cả nền kinh tế. Đến cuối tháng 8, tổng dư nợ cho vay với lĩnh vực này ước đạt 650.000 tỷ đồng, tăng 15,75% so với cuối năm ngoái. Trong khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong cùng thời điểm chỉ đạt 5,7%.

Riêng ĐBSCL, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại đây đạt gần 120.000 tỷ đồng, tăng gần 8,73% so với cuối năm ngoái. Trong khi nhu cầu vốn vay rất lớn, nguồn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được 77%.

Theo bà Hà Thị Thiều Dao (Đại học Ngân hàng TP HCM), nhu cầu vay vốn lớn, rủi ro cao do thiên tai dịch bệnh nhưng người dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp, do lo ngại phí cao, không tin tưởng sẽ được bồi thường nếu tổn thất xảy ra và không rõ quyền lợi, các thủ tục bồi thường. Các số liệu cho thấy, chỉ 20% số hộ không nghèo ở nông nghiệp nông thôn mua bảo hiểm.

Song Linh/ vnexpress

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: