» » » Điều hành cà phê cũng phải học

VINAGRI NewsSau nhiều năm bàn luận, đề xuất của các nhà khoa học, nhà kinh doanh lẫn nhà quản lý, cuối cùng Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng ra đời mà những ai am hiểu cây cà phê, sẽ thấy Việt Nam đang học hỏi mô hình Ủy ban chính sách cà phê quốc gia của Brazil hay Liên đoàn cà phê quốc gia của Colombia.

Thu hoạch cà phê - Ảnh: Các Ngọc.

Dù muộn cũng phải học

Người viết bài này nhớ không lầm thì những ý kiến đề xuất nghiên cứu, thành lập ban điều phối, điều hành ngành hàng cà phê đã xuất hiện từ năm 2007 trong nhiều hội thảo, hội nghị có liên quan tới cà phê. Thời gian đó, hàng năm hay hai năm một lần, hội nghị toàn cảnh cà phê quốc tế do một công ty của Singapore tổ chức ở TPHCM, đã giúp các nhà xuất khẩu cà phê, chuyên gia, nhà quản lý trong nước có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm từ trồng, chế biến, xuất khẩu cà phê, cũng như cung cách điều hành ngành hàng cà phê từ các quốc gia đã phát triển cà phê đi trước Việt Nam.

Sau đó hàng loạt chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đã “mắt thấy tai nghe” khi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, điều hành thị trường, xây dựng thị trường cà phê kỳ hạn của nước ngoài mà đỉnh điểm là vào giữa năm 2010, trong một hội thảo triển vọng các ngành hàng nông nghiệp do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tồ chức tại TPHCM, các chuyên gia cà phê một lần nữa lên tiếng thúc ép Chính phủ, Bộ NN-PTNT sớm thành lập Ban điều hàng ngành hàng cà phê.

Một chuyên gia cà phê phân tích sự thiếu liên kết cả chuỗi ngành hàng từ trồng, chế biến, xuất khẩu dẫn tới khâu tiếp thị, thông tin thị trường kém, nông dân thì thiếu vốn, nhà máy chế biến hay nhà xuất khẩu thì có sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng thấp. Ông than thở: “Chừng nào mà nông dân còn phơi cà phê tươi trên sân đất nhà mình, không biết vay vốn ở đâu, bán cà phê cho ai trước khi thu hoạch, doanh nghiệp xuất khẩu thì bán 1 lô hàng cà phê phải mua gom từ hàng chục đại lý thì chừng đó ngành cà phê còn lận đận”.

Do vậy, các chuyên gia đã kiến nghị thành lập Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam theo hướng liên kết cả chuỗi ngành hàng cà phê, từ nhà nông, hội nông dân, nhà doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà khoa học, các cơ quan quản lý, cơ quan khuyến nông… Đặc biệt tổ chức này đảm nhiệm luôn quỹ bảo hiểm cà phê, nếu nó ra đời. Tổ chức này đảm nhận việc hoạch định chính sách cho cà phê, cung cấp thông tin thị trường, chiến lược trồng, chế biến, thương mại cà phê trong nước, xuất khẩu và thông qua ngân sách hàng năm cho quỹ phát triển cà phê.

Nông dân tham gia Ban điều phối

Trưởng ban Điều phối ngành hàng Cà  phê Việt Nam sẽ do ông Lê Quốc Doanh, Thứ  trưởng Bộ NN-PTNT đảm nhiệm, cùng với đó là 12 ủy viên là đại diện thuộc các đơn vị liên quan từ các đơn vị liên quan tại Bộ NN-PTNT, các địa phương, hiệp hội, tổ chức và người sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà  phê Việt Nam.

Các nhà khoa học ở Ipsard không ngần ngại khi cho biết họ đã tham quan, nghiên cứu kỹ mô hình điều hành cà phê của Brazil và Colombia. Mô hình Ủy ban chính sách cà phê quốc gia của Brazil cũng quy tụ, liên kết tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, thương mại cà phê và mô hình Liên đoàn cà phê quốc gia của Colombia (FNC).

Hơn 3 năm qua, một số nhà khoa học trẻ tại một số trường đại học ở TPHCHCM khi làm đề tài luận án thạc sỹ, tiến sỹ về thị trường hàng hóa kỳ hạn đã công bố trên báo chí tính chất cấp bách của việc hình thành một ban điều hành riêng cho cà phê, dù muộn màng nhưng là điều kiện tất yếu nếu muốn phát triển cà phê bền vững, duy trì lợi thế của một quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

Bệnh mãn tính

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil hay đứng đầu thế giới trong xuất khẩu cà phê vối (robusta) với những con số vĩ mô đầy thuyết phục như kế hoạch xuất khẩu cà năm nay 1,5 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch 3,5 tỉ đô la, còn trong 7 tháng đầu năm, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 887.000 tấn cà phê với kim ngạch 1,9 tỉ đô la. Dù người Việt có tự hào rằng Việt Nam là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê nhưng những yếu kém nội tại của ngành cà phê trong nước lại ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia cà phê từng trả qua ở vị thế nhà xuất khẩu trong nước, tới giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu cà phê nước ngoài tại thị trường Việt Nam, đã mô tả sơ về những khó khăn nội tại của ngành cà phê Việt. Đó là giành lại tính cạnh tranh cho cà phê robusta, nông dân không có vốn tái canh cây cà phê già cỗi, sản lượng, diện tích cà phê đang lớn hơn nhiều so với quy hoạch, tái cấu trúc ngành hàng đang ngập ngụa với số nợ xấu gần 8.000 tỉ đồng, giải quyết tình trạng mua cao bán thấp để ăn gian tiền thuế trong thoái thu của một số công ty “ma”.

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của bề nổi, là triệu chứng bên ngoài của căn bệnh mà ai cũng nhìn thấy, nguyên nhân sâu xa được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần trong vài năm qua vẫn là “mạnh ai nấy làm”.

Mạnh Bộ NN-PTNT thì cứ quy hoạch về diện tích, sản lượng, hô hào tái canh, hô hào liên kết nhà nông và nhà xuất khẩu nhưng nông dân thì thích cứ trồng không theo một quy hoạch nào, lẽ đơn giản, đất của họ. Thích thì cứ chặt để trồng tiêu hay cao su khi giá mấy nông sản trên tăng cao. Cà phê khi thu hoạch thì hái cả trái xanh lẫn trái chín vừa nhẹ công lao động, lo tránh bị mất trộm, mà xanh, chín lẫn lộn thì chất lượng, kích cỡ cà phê giảm, giá bán thấp và lâu dần thành thói quen, nông dân có lựa trái chín mà hái thì khi bán giá cũng như "nông dân tuốt cả cành".

Nhà xuất khẩu thì lo đi gom hàng khi có hợp đồng thay vì lo xây kho, ngay cả khi có kho thì gom hàng từ tầng nấc trung gian nhanh hơn, lợi hơn mua trữ, rồi giựt nợ, xù nợ, xù cà phê ký gửi của nông dân, đại lý.

Vài năm lại đây, các doanh nghiệp cà phê đổ lỗi cho lãi suất ngân hàng cao khiến họ mất lợi thế cạnh tranh nhưng ngay cả những năm trước khi lãi suất cao thì căn bệnh mua bán lòng vòng, chụp giựt cũng đã có nhiều chứ không cần chờ tới bây giờ. Uy tín giữa nhà nông, đại lý, doanh nghiệp đang mất dần, nông dân không còn tin đại lý, đại lý không còn dám tin nhà xuất khẩu và ngược lại, ngân hàng cũng không còn dám tin nhà xuất khẩu khi cà phê của đại lý, nông dân ký gửi vào kho nhà xuất khẩu biến thành tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp.

Những yếu tố đó đã tạo nên nhiều rủi ro trong kinh doanh cà phê, làm cho chi phí sản xuất, chế biến và xuất khẩu hạt cà phê tăng lên, cuối cùng, cả chuỗi ngành hàng cà phê lại giảm giá trị gia tăng, dù con số xuất khẩu cứ tăng.

Căn bệnh mãn tính của ngành cà phê đang chờ vị “bác sỹ” là Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam vừa thành lập vào ngày 30-7 mà ông trưởng ban ở cấp thứ trưởng.

Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 số 1987/QĐ-BNN-TT của Bộ NN-PTNT năm 2012:

Mục tiêu phát triển:

- Đến năm 2020: Tổng diện tích trồng cà phê cả nước đạt 500.000 héc ta, sản lượng cà phê nhân đạt 1.112.910 tấn, mở rộng công suất chế biến lên 125.000 tấn, trong đó sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 khoảng 50.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 2,1 - 2,2 tỉ đô la.

- Định hướng đến năm 2030: Tổng diện tích trồng cà phê cả nước: 479.000 héc ta, sản lượng cà phê nhân đạt 1.122.675 tấn, tiếp tục mở rộng công suất chế biến lên 135.000 tấn, trong đó sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 khoảng 60.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,2 tỉ đô la.

Hồng Ngọc/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: