VINAGRI News - Làm thế nào để không bị thương lái ép giá, chống gian lận thương mại trong tiêu thụ vải thiều Bắc Giang vẫn là trăn trở của cơ quan chức năng và người dân trồng vải.
Những ngày này, tại nhiều huyện như Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Sơn Động, không khí thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang diễn ra rất sôi động.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, 26.300 tấn sản lượng vải sớm của tỉnh đã tiêu thụ hết, vải muộn bắt đầu đến vụ thu hoạch. Trung bình toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 4.000 tấn/ ngày. Đến nay, tổng cộng tỉnh Bắc Giang tiêu thụ ước đạt gần 60.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng toàn tỉnh. Trong đó, huyện Lục Nam tiêu thụ được 18.000 tấn, Lục Ngạn – 17.000 tấn, Yên Thế – 11.000 tấn, Tân Yên – 6.500 tấn, Lạng Giang – 3.400 tấn và Sơn Động – 2.680 tấn.
Được giá, xuất khẩu tăng
Tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2013 đạt khoảng 32.000 ha (giảm 1.000 ha tương đương 30% so với năm 2012). Do thời tiết năm nay không thuận lợi cho việc ra hoa kết trái nên dự kiến tổng sản lượng vải thiều ước đạt 140.000 tấn quả tươi. Một số huyện có sản lượng vải thiều lớn là Lục Ngạn 70.000 tấn, tiếp theo là Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang… Diện tích vải thiều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 7.500 ha, cho sản lượng khoảng 35.000 tấn.
Anh Hồ Văn Nhụ, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay giá bán vải thiều có phần nhỉnh hơn năm ngoái. Vải thiều loại 1 có giá từ 20.000 – 24.000 đồng/kg, vải thuộc loại trung bình có giá từ 16.000 – 19.000 đồng/kg. So với các địa phương khác, vải thiều Lục Ngạn có giá cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg, vì mẫu mã đẹp hơn và có thương hiệu. Người trồng thường mang vải quả bán buôn cho các thương lái ở trung tâm huyện. Giá ngày công thu hoạch vải dao động từ 120.000-150.000 đồng/1 tạ.
Những năm gần đây, do công tác xúc tiến quảng bá thương mại được chú trọng nên thị trường xuất khẩu vải thiều được mở rộng. Việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều bắt đầu đi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm tại 5 nơi: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đài Loan. Vải thiều Tân Yên cũng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu "Vải sớm Phúc Hòa".
Theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 95% tổng sản lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, vải thiều còn được xuất sang Australia và một số nước châu Âu… Năm nay, xuất khẩu sang thị trường Campuchia được đẩy mạnh hơn so với mọi năm.
Ngay từ đầu vụ, thương nhân Trung Quốc đã sang Lục Ngạn, phối hợp với các thương nhân Việt Nam đặt nhiều điểm cân mua hàng với số lượng lớn, giá cao, ổn định, ít biến động. Có ngày Lục Ngạn thu hút 200 thương nhân Trung Quốc. Hiện có khoảng 2.000 tấn vải thiều Bắc Giang được xuất qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai. Giá xuất khẩu khoảng 6-7 NDT/kg (20.000 - 24.000đồng/ kg). Đặc biệt, chỉ riêng trong ngày 11/6/2013, tổng lượng vải thiều xuất qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn tăng đột biến, với 1.500 tấn, tăng 1.286 tấn so với ngày hôm trước.
Khắc phục hạn chế, phát triển thương hiệu
Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, việc tiêu thụ vải thiều chưa thực sự ổn định, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Thương nhân chưa tìm kiếm được đối tác ký hợp đồng tiêu thụ lớn, ổn định, chủ yếu vẫn tự phát, bị động và kinh doanh theo lợi nhuận tức thời. Chất lượng vải thiều không đồng đều giữa các địa bàn khác nhau. Vải thiều xuất khẩu qua đường chính ngạch đã tăng so với mọi năm.
Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn vải thiều xuất qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thương nhân kinh doanh vải thiều xuất khẩu ồ ạt, không điều tiết và có kế hoạch, dẫn đến tình trạng ùn tắc tại một số cửa khẩu. Bao bì, nhãn mác chưa đồng bộ, bảo quản đóng gói thô sơ, chất lượng mẫu mã sản phẩm cạnh tranh kém, hay bị thương nhân Trung Quốc ép giá.
Tình hình sử dụng thuốc bảo quản vải thiều sau thu hoạch chưa được kiểm soát chặt chẽ, một số hộ sản xuất còn dùng dung dịch tạo màu làm đẹp mã vải thiều. Điều này, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vải thiều, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng và uy tín, chất lượng của thương hiệu vải thiều. Hiện phía Trung Quốc siết chặt kiểm dịch, kiểm nghiệm vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, muốn vải thiều được tiêu thụ tốt và có thị trường ổn định, cần duy trì và phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn nói riêng và xây dựng thương hiệu cho vải thiều Bắc Giang nói chung. Duy trì các thị trường truyền thống, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả cho vải thiều Bắc Giang.
Cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website. Quảng bá và tìm đối tác tiêu thụ qua các cuộc hội chợ, triển lãm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ công tác tiêu thụ vải thiều. Tìm kiếm giải pháp hữu hiệu giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch cho quả vải thiều. Cần đưa chương trình Xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào trong chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia.
Thu Hường/ Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào: