VINAGRI News - Dù năm 2012 được xem là năm "thắng lớn" của gạo Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu có lúc đạt vị trí số 1 thế giới, nhưng lợi ích cốt lõi nhất của "số đông" là người nông dân sản xuất gạo dường như chưa được đảm bảo.
Chế biến gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long - Anh: Lê Hoàng Vũ
Hiện vẫn tồn tại những "nút thắt" lớn trong ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Ngoài sự lỏng lẻo trong liên kết "4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, dẫn đến hiện tượng "rò rỉ” lợi ích, thì yếu tố công nghệ trong nông nghiệp hiện vẫn là thách thức lớn đối với người nông dân.
Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ra đời trong sự hồ hởi của người nông dân với niềm tin về một nền "nông nghiệp hiện đại". Mô hình này nhằm tập trung các thế mạnh: vốn, công nghệ, kỹ thuật, quản lý và thị trường từ nông dân và các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất, chế biến và bán gạo ra thị trường nhằm đảm bảo lợi ích theo kiểu "lợi thế so sánh".
Tuy nhiên, "cánh đồng mẫu lớn" không đơn thuần là cơ chế tập trung số đông, hoặc sự hỗ trợ tương đối về vốn, vật tư nông nghiệp, mà đi kèm theo đó nhất thiết phải là công nghệ. Yêu cầu công nghệ của các cánh đồng mẫu lớn sẽ cao hơn mức bình thường, nghĩa là "người càng to phải mặc cái áo càng lớn".
Các cánh đồng mẫu lớn hiện nay vẫn theo kiểu "con trâu đi trước, cái cày đi sau", vô tình tạo ra sự mất cân bằng giữa kế hoạch đặt ra và sự đảm bảo hạ tầng, công nghệ.
Khi yếu tố công nghệ không được đảm bảo thì sản lượng và chất lượng của sản phẩm được sản xuất ra sẽ khó có thể được đảm bảo. Nếu so với những cánh đồng nhỏ hoạt động đơn lẻ thì ưu thế của cánh đồng mẫu lớn sẽ ưu việt hơn.
Tuy nhiên, nếu không đảm bảo yếu tố công nghệ, nghĩa là "cái áo không vừa", hay không đảm bảo được "cái áo" lớn hơn cho "người lớn hơn" thì kết quả cuối cùng sẽ còn "tệ hại hơn".
Bên cạnh đó, dường như ý tưởng "cánh đồng mẫu lớn" đang gặp phải khó khăn bởi "lực bất tòng tâm" khi nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội "bán vật tư nông nghiệp" hơn là hỗ trợ người nông dân. Thậm chí ngay cả khi trúng mùa thì người nông dân vẫn "nghèo lại hoàn nghèo". Nguyên nhân không khó để nhận thấy chính là vấn đề "cơ chế”.
Dường như chưa có sự cân bằng về vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân và người hỗ trợ nông dân. "Cánh đồng mẫu lớn" vô tình tạo điều kiện cho các đại gia "mở hầu bao" chi phối hoạt động sản xuất của nông dân.
7,6 triệu tấn
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến năm 2013 Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn gạo. Dự báo thị trường gạo thế giới năm 2013 sẽ khó khăn hơn năm 2012 do nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu giải quyết tồn kho ở các nước xuất khẩu gạo là rất lớn, nhất là Thái Lan.
Việc sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào vật tư nông nghiệp, vốn... Nắm được những phương tiện này, nhiều nhà đầu tư chi phối mạnh đến người nông dân thông qua sự áp đặt: Việc sản xuất như thế nào? Sản xuất bao nhiêu? Bán cho ai, với giá bao nhiêu?
Đó là chưa kể đến khi thu hoạch "được sản lượng lẫn chất lượng" thì phần thặng dư đó dường như cũng ít đến được tay người nông dân do họ thiếu thông tin đầu ra. Khi đó, "cánh đồng mẫu lớn" không khéo tạo thành "cánh đồng thuê mướn", nhưng điều đáng nói chính là nông dân phải sản xuất như thể họ đang "tự thuê” đất của mình.
Việc nhà nước và tư nhân hợp tác nhằm tối ưu hóa nguồn lợi từ sản xuất lúa gạo vốn nằm trong chủ trương của Nhà nước. Nếu thực hiện tốt mô hình này, các hạn chế của ngành lúa gạo hiện nay sẽ được giải quyết. Trong mô hình này, phía công nên là đại diện từ Nhà nước, và phía tư chính là các đối tác liên chính phủ, các đối tác truyền thống ngành thương mại gạo của Việt Nam.
Việc Nhà nước đại diện nông dân trong các cánh đồng mẫu lớn sẽ tạo nên sự cân bằng trong quan hệ giữa bên sản xuất (nông dân) và phía đầu tư (cũng là nhà nhập khẩu gạo), hạn chế sự chèn ép của các nhà đầu tư đối với người nông dân.
Khi thu mua, gạo được bán lại cho các nhà đầu tư với những cam kết quyền lợi. Như vậy, đầu vào và đầu ra được đảm bảo, hạn chế rò rỉ lợi nhuận của người nông dân. Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ dễ dàng được đảm bảo do phía đầu tư chính là các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí là chính phủ của nhiều nước.
Thắng Nguyễn/ DNSG
Không có nhận xét nào: