» » Lâm Đồng: Vùng chè Đại Lào hướng tới VietGAP

VINAGRI News - Khu vực Đại Lào nằm ở phía Nam thành phố Bảo Lộc với diện tích nông nghiệp là 4.036 hecta. Trong đó, đất dành cho cây chè là 2.560 hecta, với tổng sản lượng chè búp tươi sản xuất hàng năm là 25.368 tấn, được xem là khu vực có diện tích trồng chè lớn nhất Bảo Lộc.


Thu hoạch chè ở Đại Lào. Ảnh: BT

Trước năm 1945, tại Đại Lào đã có hai sở trồng chè của Pháp, với diện tích trên 50 hecta. Vì vậy, Đại Lào đã xác định là địa danh có chiều dài lịch sử gắn liền với cây chè B’Lao. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát triển cây trồng này cho đến hôm nay là một sự cố gắng lớn. Bởi, đây là một vùng đồi núi đèo dốc, gần 90% dân cư mới đến lập nghiệp từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, chưa được trải nghiệm hay kế thừa nghề trồng chè. Việc trồng loại cây này phần đông mang tính chất tự phát để đối phó với cơm áo hàng ngày. Chính vì vậy, sau năm 1990, Đại Lào đã có một thời chạy theo phong trào, không ít những người trồng chè ở đây đã bỏ chè chuyển sang trồng dâu tằm và cà phê, nên đã đào bỏ một số diện tích chè để nhường chỗ cho hai loại cây trồng này.

Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết của Huyện uỷ (nay là Thành uỷ) Bảo Lộc xác định Đại Lào là một trong những vùng đất chủ yếu phát triển cây chè. Theo đó, ngành nông nghiệp ở địa phương đã tổ chức tập huấn cho nông dân, từ khâu làm đất, giống, phân bón, trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Nên trong những năm qua, diện tích, năng suất và sản lượng chè ở Đại Lào được tăng lên. Chính sản lượng chè tăng theo cấp số nhân, tại địa phương đã “mọc” lên 3 nhà máy chế biến chè, như Hùng Vương, Hồng Thoại và Hồng Đức, góp phần tiêu thụ chè búp tươi vùng này và nâng cao sản lượng chè B’Lao. Nhờ vậy, cây chè ở Đại Lào khoảng 10 năm gần đây đã thực sự giúp các hộ nông dân làm giàu, chứ không phải là loại cây trồng “xoá đói, giảm nghèo” như 20 năm trước thời kỳ thành lập xã mới Đại Lào.

Năm 2008, lần đầu tiên mô hình trồng chè “an toàn” theo tiêu chuẩn GAP được triển khai thử nghiệm tại Bảo Lộc (GAP viết tắt từ tiếng Anh: Good Agriculture Practises, là loại sản phẩm nông nghiệp bền vững với mục đích đảm bảo an toàn cho thực phẩm, an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Nó còn gọi là sản phẩm chất lượng cao). Đây được xem là hướng đi đúng để sản phẩm chè có thương hiệu và hướng đến thị trường xuất khẩu. Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai từ tháng 5/2008 tại một số xã, phường ở Bảo Lộc. Bước đầu làm thí điểm từ một số hộ nông dân trồng chè. Mô hình này phải được thực hiện đúng quy trình chăm sóc của Sở NN-PTNT. Dựa trên kinh nghiệm thành công của các xã, phường, khu vực chè Đại Lào đã tổ chức định hướng theo mô hình thực nghiệm này được 102 hecta. Trên cơ sở đó, năm 2010, tại Đại Lào đã thành lập Hợp tác xã Trà Việt. Bước đầu HTX Trà Việt liên kết “3 nhà”, là nhà vườn - nhà thu mua - nhà doanh nghiệp, đã và đang thu hút bà con nông dân tham gia để xây dựng vườn chè gia đình trở thành chè đạt chất lượng cao theo hướng bền vững. Theo tính toán của chị Nguyễn Thị Linh, chủ Doanh nghiệp chè Hoàng Phúc, chuyên thu mua Trà Việt, vào thời giá hiện nay, 1 ký cà phê tươi là 8.000 đồng, trong khi trà tươi đẹp là 10.000 đồng và trà trung bình là 7.000 đồng.

Đây là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, ở vùng chè Đại Lào, trên thực tế diện tích sản xuất hiện vẫn còn rất manh mún; việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân còn rất là khó. Hy vọng, trong thời gian tới, từ việc thành công của nông  dân và HTX sẽ trực tiếp thúc đẩy các nhà vườn tham gia đồng bộ, cùng tạo ra sản phẩm và xây dựng thành công thương hiệu chè an toàn tại khu vực phía Nam thành phố Bảo Lộc, nơi đã một thời gắn bó với người làm chè từ năm 1940.  

Trần Đại/ Báo Lâm Đồng

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: