VINAGRI News - Chương trình trồng thử nghiệm 20ha đậu nành do công ty Bunge (Hoa Kỳ) phối hợp với các hộ nông dân tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức thực hiện bước đầu đã đạt được những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, điều mà nông dân mong muốn là công ty Bunge cần có những cam kết cụ thể trong tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân xã Đá Bạc, huyện Châu Đức thu hoạch đậu nành. Ảnh: Trúc Giang
Đậu nành phát triển tốt trên đất bạc màu
Tại cuộc hội thảo tổng kết chương trình trồng thử nghiệm 20ha cây đậu nành (tổ chức tại xã Đá Bạc, ngày 12-11), ông Nguyễn Anh Tú, đại diện của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân) cho biết, chương trình này bước đầu đã đạt được các mục tiêu đề ra: Vận động và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trồng đậu nành, xác định được loại giống tốt để sản xuất tạo vùng nguyên liệu cho công ty Bunge… Năng suất bình quân khoảng 2 tấn/ha, nếu tính với giá thị trường hiện nay (16.000 đồng) thì trên mỗi ha trong vòng 3 tháng người nông dân có lãi hơn 18 triệu đồng.
Nhiều nông dân tham gia chương trình này cũng phấn khởi vì đã nhìn thấy được lợi ích thiết thực. Ông Võ Sơn một nông dân tham gia trồng đậu nành ở xã Đá Bạc cho biết, thông qua chương trình, gia đình ông được hướng dẫn kỹ thuật, tạm ứng vốn để sản xuất và quan trọng là có loại giống mới cho năng suất vượt trội. “Trước kia nhà tui chưa bao giờ trồng đậu nành đạt 2 tấn/ha, vậy mà loại giống mới có thể đạt đến 2,5 tấn/ha”, ông Sơn nói.
Trồng đậu nành giúp nông dân tận dụng được những vùng đất sỏi đá bạc màu hay những vùng đất ẩm thấp khó trồng những loại cây khác. Bà Đặng Thị Hoa ở thôn Bàu Điển, Đá Bạc cho biết, từ trước đến nay, người dân ở vùng này chỉ biết trồng bắp. Qua nhiều năm đất bị thoái hóa, chi phí đầu tư cho cây bắp cao trong khi năng suất lại rất bấp bênh. Cây đậu nành phát triển tốt trên những vùng đất bạc màu, chi phí sản xuất thấp hơn, lợi nhuận cao hơn.
Nông dân muốn một mức giá cụ thể
Theo hợp đồng thu mua sản phẩm được ký kết giữa công ty Bunge và người trồng đậu nành thì công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm thu mua. Tuy nhiên, hầu hết những người trồng đậu nành đều muốn công ty cần có hợp đồng theo mức giá cụ thể, khi đó nông dân sẽ dễ dàng tính toán so sánh lợi thế với các cây trồng khác. “Chúng tôi phải biết có lợi mới yên tâm sản xuất”, ông Võ Sơn nói. Cùng chung quan điểm với nông dân, ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, trong chương trình hợp tác này cần giải quyết vấn đề thu mua cho nông dân, theo đó Bunge cần ký kết hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, mua nhanh, giá hợp lý sao cho giữa người nông dân và công ty đều có lợi. “Thành bại của chương trình này ở chỗ giải quyết đầu ra cho nông dân”, ông Dư khẳng định.
Để cũng cố niềm tin về sự hợp tác với nông dân, ông Sato, Tổng Giám đốc Công ty Bunge cho biết, Bunge là công ty có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác thu mua nguyên liệu đậu nành, hiện nay công ty đang kinh doanh tại 60 nước và cũng là công ty thu mua đậu nành lớn nhất trên thế giới, Bunge có nhà máy tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và mong muốn phát triển lâu dài. “Bunge cam kết sẽ thu mua đậu nành của nông dân với giá tốt nhất, bởi vì công ty rất cần sự phối hợp của nông dân để chương trình thành công”, ông Sato nói.
Trần Ân Phong/ Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Không có nhận xét nào: