» » Cuộc chiến giống còn dài...

Cho đến nay, phần lớn giống cây trồng nhập khẩu từ nước ngoài, tuy ở trong nước đều đã có thể nhân giống với chất lượng tương đương. Nhưng vì sao các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu giống thay vì có thể mua nguyên liệu ở trong nước với giá rẻ hơn?

Vì không có bản quyền nên các loại hoa được nhân giống bằng phương pháp cấy mô chỉ để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Ảnh: T.L

Giá cao cũng nhập

Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam cho biết trong vụ mía 2013-201471 giống mía được trồng thì đã nhập khẩu tới... 98%.

Theo ông Cao Anh Đương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam, nhiều nước trên thế giới hàng năm đều phải nhập khẩu giống cây trồng từ các nước khác, điều này giúp thu thập nguồn gen phục vụ cho công tác cải tạo, tuyển chọn giống phù hợp trước khi trồng đại trà.

Còn ở Việt Nam, nhiều công ty nhập giống về trồng trực tiếp trên đồng ruộng. Ông Đương cho biết, hiện giá một tấn mía nguyên liệu của viện bán ra thị trường vào khoảng hơn 2 triệu đồng, trong khi giá nhập tới 10 triệu đồng, tức là cao hơn giá trong nước tới 5 lần! Việc các doanh nghiệp nhập giống thay vì mua nguyên liệu từ các viện hay các trung tâm nghiên cứu trong nước một phần là do những nơi này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt về mặt số lượng.

Tương tự ngành mía giống, tình hình đối với các loại giống cây trồng khác cũng không sáng sủa hơn.

Về các giống rau và hoa, theo ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, nguồn giống nhập khẩu hoặc do các công ty nước ngoài (như Monsanto, Syngenta, Takii, Sakata...) cung cấp đang chiếm tới 80% nhu cầu sản xuất trong nước. Riêng giống hoa, nhất là các giống nhiệt đới như lan Mokara, Dendrobium, Cattleya..., hay lan xứ lạnh Hồ Điệp, không chỉ phải nhập khẩu giống mà còn nhập cả cây nữa.

Vướng bản quyền

Theo tìm hiểu của TBKTSG, hiện thành tựu về nuôi cấy mô thực vật của Việt Nam đã phát triển, song có một thực tế là nhiều cơ sở, hộ dân trồng hoa ở Việt Nam vẫn nhập giống từ Hà Lan, Thái Lan..., dù giá cao gấp nhiều lần giá nội địa.

Ông Vũ Quốc Luận ở Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng), người có hơn 10 năm nghiên cứu về nuôi cấy mô thực vật các loại hoa, cho biết hiện nay, hầu như thế giới có giống hoa gì thì Việt Nam đều có thể nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn. Tuy nhiên, vì không có bản quyền, nguồn nguyên liệu này chỉ có thể phục vụ sản xuất để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nhắm tới xuất khẩu sản phẩm buộc phải sử dụng giống nhập để đáp ứng yêu cầu về bản quyền giống của các thị trường nhập khẩu, nếu không sẽ bị đánh thuế rất nặng.

Ông Luận dẫn chứng cụ thể hoa Lily có nguồn gốc từ châu Âu, được thị trường thế giới ưa thích. Việt Nam cũng đã sản xuất được giống nguyên liệu, giá chỉ bằng một phần mười so với nhập khẩu nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu loại hoa này, kể cả những công ty nước ngoài mạnh về tiền lẫn công nghệ, vẫn cứ phải nhập giống về trồng.

Riêng đối với vấn đề nhập khẩu giống bắp (ngô), chính vì mạnh vốn, các công ty nước ngoài đã dần dần đánh bật các công ty sản xuất giống trong nước. Bằng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, họ phát triển được một đội ngũ “nhân viên kinh doanh” hùng hậu chuyên tư vấn, giới thiệu các giống bắp lai nước ngoài, điều mà các công ty trong nước không làm được. Hơn 10 năm trước, các giống bắp lai của Việt Nam đáp ứng 70-80% nhu cầu sản xuất trong nước nhưng sau đó cứ giảm dần, nhường “sân” cho các giống bắp nhập và hiện chỉ còn chiếm giữ thị phần khoảng 20-30%.

Theo ông Ngô Văn Giáo, về lâu dài, để tránh lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu, Nhà nước cần có những chính sách, chiến lược dài hạn để thúc đẩy phát triển ngành giống cây trồng ở trong nước, trong đó, cần thiết tạo các hành lang pháp lý thông thoáng, nhiều ưu đãi về vốn, thuế, đất đai... để kích thích các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, tăng sử dụng nguồn giống sản xuất trong nước sẽ hạn chế ngoại tệ chảy ra nước ngoài do nhập khẩu quá nhiều.

Ngọc Hùng/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: