Năm 2013, do nguồn cung sắn nội địa giảm mạnh nên xuất khẩu sắn lát của Việt Nam chỉ đạt 1,55 triệu tấn, giảm tới một phần ba so với năm trước đó. Sang năm 2014, do sản lượng sắn thu hoạch nội địa tăng nên hầu hết các thương nhân đều cho rằng xuất khẩu sắn lát năm 2014 sẽ tăng so với năm 2013.
Các thương nhân đều cho rằng xuất khẩu sắn lát năm 2014 sẽ tăng so với năm 2013. Ảnh: Tư liệu TBKTSG Online
Tuy nhiên, ngay trong quí 1-2014, xuất khẩu sắn lát của Việt Nam đã giảm mạnh 24% so với cùng kỳ năm 2013, đạt thấp nhất tính cho quí 1 kể từ năm 2012.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm này, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là các nhà xuất khẩu của Thái Lan đã đẩy lượng lớn sắn lát bán ra thị trường trong quí 1 với mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với Việt Nam trong bối cảnh chính phủ nước này không tiến hành chương trình can thiệp thị trường năm 2013-2014.
Sang đến quí 2, tình hình xuất khẩu của nước ta cũng không khả quan hơn khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc tiếp tục tăng mua từ Thái Lan với mức giá được cho là tốt hơn so với Việt Nam. Thêm vào đó, đây cũng là giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, do các sự kiện trên biển Đông. Trong khi đó, nhà nhập khẩu sắn lát lớn thứ hai của Việt Nam là Hàn Quốc cũng hạn chế nhập hàng trong quí 2 do chính phủ nước này kêu gọi các nhà sản xuất cồn sử dụng khoai tây thay thế cho sắn nhằm giúp giá khoai tây nội địa không giảm quá mạnh.
Tính đến cuối quí 2, ước tính tồn kho sắn lát tại khu vực Quy Nhơn và Sài Gòn khoảng 350.000 tấn, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Do tồn kho còn khá nhiều nên chỉ chờ giá xuất khẩu hồi phục nhẹ trong tháng 6 và tháng 7, các doanh nghiệp còn sắn đã liên tục đẩy hàng ra bán. Xuất khẩu sắn lát của Việt Nam trong tháng 7-2014 đạt 114.300 tấn, tăng gấp gần bốn lần so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8, 9 và sơ bộ của tháng 10-2014, lượng sắn lát xuất khẩu của Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giải phóng kho bãi, chuẩn bị cho một vụ sắn mới được bắt đầu vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Tính chung quí 3-2014, xuất khẩu sắn lát của Việt Nam đạt gần 260.000 tấn, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2013.
Như vậy, sau khi đẩy mạnh xuất khẩu trong cuối quí 2 và quí 3, tính chung chín tháng năm 2014, xuất khẩu sắn lát của Việt Nam đạt 1,335 triệu tấn, giảm nhẹ 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với gần 100.000 tấn sắn lát xuất khẩu trong tháng 10 thì nhiều khả năng xuất khẩu sắn lát của Việt Nam trong 10 tháng năm 2014 sẽ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013. Đến cuối tháng 10, hầu hết các đơn vị kinh doanh sắn lát lớn đều đã xả xong kho, chỉ còn một vài đơn vị còn hàng với tổng lượng tồn kho của cả nước vào khoảng trên dưới 50.000 tấn.
Tồn kho thấp nhưng giá sắn lát xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó tăng mạnh trong các tháng còn lại của năm do giá cồn tại Trung Quốc vẫn thiếu các trợ lực để hồi phục rõ rệt. Theo tin từ Trung Quốc, trong tháng 9 và tháng 10, mặc dù thị trường ethanol từ sắn của Trung Quốc có những đợt tăng giá khá tốt với mức tăng từ 100-150 nhân dân tệ mỗi tuần nhưng yếu tố trợ giúp cho việc tăng giá chủ yếu đến từ giá nhập khẩu sắn lát cao và nguồn cung ra thị trường hạn chế. Nhu cầu tiêu thụ ethanol từ sắn tại Trung Quốc vẫn khá thấp cho dù một số dịp lễ, tết cuối năm đang đến gần. Các nhà máy ethanol tại Trung Quốc đang cố gắng giữ cho giá không bị giảm sâu cho đến khi bắt đầu vụ sản xuất mới bằng việc duy trì nguồn cung ra thị trường ở mức thấp. Tuy nhiên, phía người mua cũng không dễ dàng chấp nhận giá cao, do vậy các giao dịch mua bán ethanol trên thị trường đang khá trầm lắng.
Với lý do nguồn cung khan hiếm vì đã vào cuối vụ, một số đơn vị còn sắn lát cho xuất khẩu cố gắng chào giá tăng nhằm bù đắp cho các chi phí phát sinh do hao hụt và lưu trữ kéo dài. Giá chào phổ biến vào cuối tháng 10 được đẩy lên mức 252 đô la Mỹ/tấn cho hàng đóng container giao cảng Sài Gòn và 247 đô la Mỹ/tấn cho hàng tàu giao tại cảng Quy Nhơn. Mức giá này so với đầu vụ (khoảng tháng 1, tháng 2) tăng khoảng 20 đô la Mỹ/tấn và tương đương cùng kỳ năm trước nhưng các doanh nghiệp cũng không được lợi nhiều do năm 2014 chi phí vận tải tăng khá mạnh, với mức tăng được ghi nhận từ 1,5-2 lần so với năm trước.
Trần Ngọc Yến - Trần Văn Thành/ Thời báo kinh tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào: