VINAGRI News - Cần bước đi phù hợp trong kế hoạch phát triển cây cà phê chè ở tỉnh Lâm Đồng là đề nghị của nhiều cán bộ khoa học trong tỉnh tại buổi nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê chè bền vững tại Lâm Đồng” do Sở KH-CN Lâm Đồng tổ chức vào chiều ngày 15.1. Được biết, đề tài này do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng chủ trì thực hiện trong vòng hơn 2 năm qua tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng (chủ yếu ở các địa phương có diện tích cà phê chè) với sự chủ trì của thạc sỹ Nguyễn Văn Quảng.
Ảnh minh họa
Sản xuất chưa theo yêu cầu
Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Quảng, việc xây dựng những mô hình sản xuất cà phê chè bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là vấn đề cấp thiết và đồng thời là yêu cầu được đặt ra cho tỉnh Lâm Đồng - tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích và sản lượng cà phê.
Cũng theo nhóm tác giả thực hiện đề tài thì trong những năm gần đây, tại tỉnh Lâm Đồng, trong sản xuất cà phê chè, người lao động đã áp dụng một số tiến bộ về KHKT, nhất là KHKT mới, để nâng cao hiệu quả kinh tế trong canh tác nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận thì sự áp dụng ấy chưa được đồng bộ và đặc biệt là chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng nguyên liệu cà phê đứng thứ hai trong cả nước là Lâm Đồng. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả cho rằng: Trong những năm qua, sản xuất cà phê ở Việt Nam nói chung, trong đó có sản xuất cà phê chè nói riêng, đã đạt được những thành tựu lớn. Tuy nhiên, về vấn đề này, vẫn còn không ít những khó khăn và thách thức: Giống cây ở nhiều nơi còn hỗn tạp, chất lượng sản phẩm chưa cao (hạt bé và không đồng đều, phương pháp canh tác còn thiếu khoa học, mức đầu tư cao nhưng hiệu quả kinh tế thu lại không cao vì đầu tư thiếu đồng bộ..)... Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, diện tích cà phê chè tập trung tại TP Đà Lạt và một số huyện như Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đam Rông...
Theo kết quả điều tra của nhóm tác giả nêu trên thì hiện nay, Việt Nam có hơn 12.600ha cà phê được sản xuất theo quy trình GAP. Tại Lâm Đồng, trong hơn 150.000ha cà phê hiện có, diện tích cà phê chè chiếm khoảng hơn 10% - 15.800ha.
Không nên phát triển ồ ạt
Hiện Lâm Đồng đang xây dựng thương hiệu cho 2 địa phương có sản xuất cùng sản phẩm cà phê chè là Lạc Dương (thương hiệu “Cà phê arabica Lang Biang”) và cà phê chè Đà Lạt (thương hiệu “Cà phê chè Đà Lạt”). Với hai địa phương này, theo đánh giá của giới chuyên gia thì đây là vùng đất lý tưởng cho loại cây trồng làm nên thứ thức uống số một thế giới (cà phê arabica đắt nhất thế giới) hiện nay. “Với độ cao từ 1.000m so với mặt nước biển trở lên và với nhiệt độ trên dưới 180C, Đà Lạt, Lạc Dương và chỉ một vài vùng lân cận mới có thể sản xuất thứ cà phê đặc biệt này của thế giới” - lãnh đạo Sở KH-CN Lâm Đồng nêu ý kiến tại buổi nghiệm thu đề tài nói trên. Xin nói rõ: Cà phê chè là tên gọi dân gian để chỉ cà phê arabica với hai giống chính là cà phê catimor và moka.
Theo nhóm tác giả: Từ kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cây cà phê chè (arabica) phù hợp để phát triển ở hai khu vực: Khu vực 1 bao gồm Đà Lạt, Lạc Dương và Đơn Dương; khu vực 2 bao gồm Lâm Hà, Đức Trọng và Đam Rông. Đề tài “Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê chè bền vững tại Lâm Đồng” do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng thực hiện dưới sự chỉ đạo của thạc sỹ Nguyễn Văn Quảng đã đặt ra mục tiêu chính là “Tìm kiếm giải pháp có tính khả thi để mở rộng quy mô, diện tích sản xuất cà phê chè tại các địa bàn có tiềm năng của tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng cà phê chè Lâm Đồng, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu...”. Trên cơ sở này, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác cà phê chè theo hướng VietGAP bằng các thí nghiệm: Xác định công thức phân bón vô cơ phù hợp với cây cà phê chè; áp dụng một số biện pháp tưới nước tiết kiệm phù hợp điều kiện khí hậu của vùng; điều tra, đánh giá thành phần, mức độ của các loài sâu, bệnh chính hại cà phê chè và áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM)...
Hiện nay, cà phê chè (arabica) được xem là loại cà phê có giá trị cao; tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu của Đà Lạt và vùng phụ cận có độ cao trên 1.000m và nhiệt độ bình quân năm trên dưới 180C. Bởi vậy, trồng đại trà giống cà phê này trong điều kiện của Lâm Đồng là điều không thể.
Khắc Dũng/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: