VINAGRI News - Những năm gần đây, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi giống cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng giống cà phê cao sản, theo hình thức ghép chồi, trồng mới và đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Từ các mô hình này, đến nay, nhiều hộ nông dân trong huyện đã mạnh dạn tự chuyển đổi dần diện tích cà phê của mình.
Thăm vườn cà phê ghép của anh Bùi Duy Hùng
Gia đình anh Đinh Tú Lâm (ở thôn 9, xã Hòa Bắc) có gần 1,5 ha cà phê. Trước đây, gia đình anh Lâm cũng như bao bà con khác trên địa bàn xã Hòa Bắc nói riêng và huyện Di Linh nói chung là trồng cà phê chỉ theo phong trào, chưa chú trọng đến khâu tuyển chọn giống. Vì vậy, tuy cây cà phê phát triển tốt nhưng hạt cà phê nhỏ và năng suất đạt thấp.
Qua tham quan, học hỏi từ các mô hình điểm, học từ bạn bè và kinh nghiệm của những người đi trước, năm 2008, gia đình anh Lâm chuyển đổi, cải tạo 1 ha cà phê kém năng suất bằng cách ghép chồi giống cà phê cao sản dòng TR4, TS1.
Anh Lâm cho biết: Đây là giống cà phê dễ thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Di Linh và được bà con nông dân trên địa bàn huyện sử dụng khá phổ biến. Bên cạnh đó, nó còn có ưu điểm là kháng bệnh khá tốt và cho năng suất ổn định. Do được áp dụng KHKT vào sản xuất, nên năm thu hoạch đầu tiên, vườn cà phê của gia đình anh cho năng suất khá cao đạt 3,5 tấn/ha; năm thứ 2 năng suất tăng hơn gấp đôi. Những năm sau đó và cho đến nay, đều cho năng suất rất ổn định và đạt trên 8 tấn nhân/ha/năm. Để đạt được kết quả trên, đòi hỏi gia đình anh phải áp dụng đúng theo quy trình KHKT trong việc đầu tư, chăm sóc. Trong một mùa vụ phải bón 5 đợt phân theo từng giai đoạn (đầu mùa và giữa mùa, anh bón phân đơn và cuối mùa bón NPK). Bên cạnh đó, anh còn phun xịt 2 lần thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch bệnh hại; đồng thời, thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cây…
Còn với gia đình anh Bùi Duy Hùng (ở thôn 7, xã Tân Lâm), những năm trước đây, khi mà việc chuyển đổi, ghép cải tạo cà phê giống mới ở huyện Di Linh chưa phát triển rầm rộ như hiện nay, nhưng gia đình anh đã có cách làm sáng tạo. Hằng năm, anh Hùng thường xuyên tuyển chọn chồi của những cây cà phê phát triển tốt, quả to và sai để ghép vào những cây ít trái. Với cách làm này, đến nay hầu hết những cây cà phê năng suất thấp, anh đã ghép bằng những giống cây tốt hơn. Từ đó, nhiều năm nay vườn cà phê của gia đình anh Bùi Duy Hùng luôn cho năng suất khá cao. Từ 2 ha cà phê, nhờ được ghép cải tạo và áp dụng khá tốt qui trình KHKT trong khâu chăm sóc, nên hằng năm đạt sản lượng rất ổn định, từ 10 – 12 tấn cà phê nhân.
Ngoài gia đình anh Đinh Tú Lâm, Bùi Duy Hùng thì ở huyện Di Linh còn có rất nhiều bà con nông dân đã tự chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi kém chất lượng sang trồng mới, ghép bằng chồi cà phê giống mới mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như ông Trần Văn Thành, Phạm Văn Sác (xã Hòa Bắc), Lương Thế Ngọc (Hòa Trung), Lê Văn Ngọ (Tam Bố), Pháp Văn Hùng (Đinh Trang Hòa)… cà phê đạt năng suất từ 7 - 9 tấn/ha.
Có được kết quả này, theo ông Dương Củi, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh: Trong những năm qua, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi theo hình thức trồng mới và ghép chồi; đồng thời, thực hiện các chương trình hỗ trợ cây giống, trợ giá cây cà phê giống mới cho bà con, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đến nay việc tự chuyển đổi cà phê giống cũ năng suất thấp sang trồng mới, ghép chồi bằng cà phê giống mới cho năng suất cao ở huyện Di Linh đã trở thành phổ biến.
Ndong Brừm/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: