VINAGRI News - Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược của vùng đất đỏ Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, giá cà phê liên tục giảm khiến nhiều người dân trên địa bàn chặt bỏ, trồng thay thế những loại cây khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê mà còn làm xáo trộn cơ cấu giống cây trồng, để lại nhiều hệ lụy.
Thua lỗ kéo dài
Thời gian gần đây, giá cà phê trong nước giảm mạnh, cụ thể, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giao dịch ở mức 33 - 34 triệu đồng/tấn, thậm chí có lúc xuống 32 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, sản lượng cà phê đang giảm dần theo từng niên vụ do thời tiết hạn hán, cà phê già cỗi… Điều này khiến cho đa phần người trồng cà phê trên địa bàn Tây Nguyên rơi vào tình cảnh thua lỗ, thu nhập không đủ bù đắp chi phí… Đây chính là nguyên nhân khiến nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này, từng bước chặt bỏ để thay thế các loại cây trồng khác.
Đang loay hoay chặt bỏ những cây cà phê già cỗi, bà Nguyễn Thị Hoãn, ở xã Ea Nuôl (Buôn Đôn - Đắk Lắk) cho biết, gia đình bà có 4 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) cà phê đã canh tác được gần 20 năm, đến nay, hầu hết diện tích cà phê đã già cỗi nên sản lượng thu về chẳng được bao nhiêu, giá cả lại giảm nên không đủ chi phí đầu tư, chăm sóc. “Năm nay, sau khi thu hoạch xong, gia đình đành chặt bỏ một số diện tích cà phê, thay vào đó các cây trồng khác chứ trông vào cà phê thời buổi này không ăn thua”, bà Hoãn nói.
Cũng chung suy nghĩ như bà Hoãn, nhiều hộ khác tại các huyện Cư Kuin, Krông Pắk, Cư M’gar, Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk cũng đang phá bỏ nhiều diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Anh Nguyễn Quốc Lý (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) cho biết: “Nhà tôi có 6 sào cà phê trên 15 năm tuổi. Những năm trước, cà phê được giá nên tôi cố gắng bỏ công chăm sóc, bón phân và thu được vài chục triệu đồng/năm. Nhưng nay, giá cà phê xuống thấp quá, không đủ tiền chăm bón nên tôi đã chặt bỏ để trồng cây khác rồi”.
Thay thế bằng hồ tiêu
Nếu như cà phê mất giá thì hồ tiêu đang rất được giá trên thị trường, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Đây cũng là loại cây được nông dân khu vực Tây Nguyên lựa chọn để thay thế cà phê.
Bà Lê Thị Phượng (xã Tân Tiến, huyện Buôn Đôn) cho biết, hiện cây tiêu đang có giá nên gia đình chặt bỏ cà phê để trồng tiêu, hy vọng thời gian sau sẽ cho thu nhập khá hơn.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, diện tích trồng tiêu toàn tỉnh cần duy trì ở mức 5.000ha, nhưng thực tế lên đến 5.700 - 5.800ha (vượt 700 - 800ha so với kế hoạch), tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Buk, Krông Năng, Cư M’gar,… Tại Cư Kuin, năm trước toàn huyện mới có khoảng 1.200ha hồ tiêu nhưng nay tăng lên tới gần 1.500ha, chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu…
Tại huyện Cư Jút (Đắk Nông), nhiều diện tích cà phê cũng được nông dân đưa cây tiêu vào trồng thay thế. Ông Bùi Quang Vinh ở xã Nam Dong cho biết: “Năm 2013, trên địa bàn xã có gần 100 hộ chặt cà phê để trồng hồ tiêu, trồng tiêu bây giờ là thượng sách. Tôi cũng đang có ý định chặt bỏ 5 sào cà phê để trồng tiêu, tuy nhiên tiền đầu tư mua trụ và giống tiêu còn hạn chế nên tôi không chặt ồ ạt mà mỗi năm trồng một ít”.
Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ hai sau Đắk Lắk về diện tích cà phê với gần 145.000ha, chiếm khoảng 26% tổng diện tích và 28% sản lượng cà phê của cả nước. Đến thời điểm này, mặc dù chưa có số liệu thống kê về diện tích cà phê bị chặt bỏ nhưng diện tích tiêu đã tăng lên gần 1.000ha, trong đó tập trung tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đáng chú ý là trong số này, có một số diện tích không nhỏ từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu là phá vườn cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.
Những hệ lụy
Thực tế, việc nông dân đổ xô chặt cà phê trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên hiện đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành nông nghiệp các địa phương này bởi họ một lần nữa đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt. Hiện nay, ở Tây Nguyên có hàng nghìn hecta hồ tiêu được trồng mới nhưng người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Cụ thể như vườn tiêu của gia đình bà Bùi Thị Tâm (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin). Bà cho biết: “Nhà tôi có 6 sào tiêu đang xanh tốt, quả nhiều và sắp cho thu hoạch, bỗng dưng có tới gần 30 trụ bị héo, xuống lá rồi chuyển vàng, rụng ào ạt chỉ để lại dây, cành trơ trọi (tất cả các triệu chứng trên diễn ra trong vòng 7 - 10 ngày), sau đó cây chết trong vòng vài tuần. Hay ông Nguyễn Tuấn Hoan (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Tháng trước, vườn tiêu hơn 60 trụ đang xanh tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu, thế nhưng đến thời điểm này vườn tiêu nhiều trụ đang bị héo, lá chuyển vàng, rụng ào ạt chỉ để lại dây, cành trơ trọi”.
Không chỉ vậy, việc ồ ạt chặt phá cà phê ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững loại cây này, bởi phần lớn diện tích cây cà phê nơi đây đang bị chặt bỏ để thay thế loại cây trồng khác. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện tỉnh đã và đang thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng với một số chỉ tiêu cụ thể: duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ... Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này cũng không hề đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhất là việc chuyển đổi cây trồng tự phát như hiện nay.
Ngoài ra, tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là khi bà con các dân tộc ở các địa phương đi săn lùng trụ tiêu từ những cánh rừng, dẫn đến xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép... Đó là chưa kể tình trạng trộm cắp dây hồ tiêu, phá vườn tiêu của nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Thiết nghĩ, việc chặt bỏ cà phê và thay thế vào đó cây trồng khác sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho ngành nông nghiệp nói chung và nông dân Tây Nguyên nói riêng. Vì vậy, ngoài việc ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên cần định hướng rõ cơ cấu cây trồng thích hợp riêng cho từng vùng, bà con cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phá đi diện tích cà phê của mình và đổ xô trồng hồ tiêu, kẻo lại rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt bởi cung vượt cầu.
Bá Thăng/ Báo Kinh tế nông thôn
Không có nhận xét nào: