VINAGRI News - Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm (GSGC) tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bình Định đang có xu hướng tăng mạnh. So với mọi năm, giá GSGC thời điểm từ đầu tháng Chạp đến nay ổn định ở mức khá cao, giúp người chăn nuôi có nguồn thu nhập khá.
Giá tăng mạnh
Theo khảo sát, thị trường tiêu thụ GSGC tại Bình Định hiện khá sôi động do dịch bệnh được kiểm soát tốt, không xảy ra các ổ dịch mới, sức mua tại các chợ tăng cao.
Tại các chợ đầu mối gia cầm ở thị xã An Nhơn, Tuy Phước, TP.Quy Nhơn, giá heo hơi ở mức 43.000 - 48.000 đồng/kg, tăng từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Giá heo giống cũng nhích lên theo giá heo hơi, hiện đạt 65.000 - 70.000 đồng/kg; tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Giá gà ta thả vườn 80.000 - 90.000 đồng/kg, gà ta nuôi trại 55.000 - 60.000 đồng/kg; vịt 85.000 - 90.000 đồng/kg, bồ câu ra ràng 75.000 đồng/cặp...
Bà Lê Thị Thu, một thương lái ở chợ Bình Định (thị xã An Nhơn), cho biết: “Thời điểm cuối năm, sức tiêu thụ các loại thịt heo, gà, vịt tăng khá cao, đồng thời thương lái các nơi cũng đổ về thu mua GC với số lượng lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt lũ lụt lớn xảy ra trong thời gian qua làm cho nguồn cung GSGC tại nhiều địa phương bị giảm sút, càng làm cho giá cả tăng cao. Hiện, giá thịt heo nạc tại chợ đạt mức 90.000 đồng/kg, thịt đùi 80.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 70.000 đồng/kg”.
Ông Lê Xuân Đạt, chủ một trang trại chăn nuôi gà ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), cho biết: “Thị trường GSGC vào thời điểm cuối năm sôi động trở lại là điều đáng mừng. Những năm trước, giá GSGC thường chỉ giảm nhẹ khoảng 2 - 3 tháng là hồi phục, nhưng năm nay, giá giảm sâu và kéo dài tới 8 tháng, người chăn nuôi bị thua lỗ. Trang trại của tôi đang nuôi 2.000 con gà siêu trứng, với giá trứng ở mức 1.800 - 2.000 đồng/quả, mỗi ngày thu lãi trên 600.000 đồng”.
Theo các chủ trang trại, gia trại, ngoài việc cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, một số lượng lớn GSGC còn được thương lái mua đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Điều đáng chú ý, một lượng lớn gà, vịt được thương lái phía Bắc vào thu mua nên giá cả tăng thêm. Giá trứng gà, trứng vịt cũng có mức tăng khá so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái. Hiện, trứng gà ta đạt 30.000 - 35.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp 20.000 - 22.000 đồng/chục…
Tăng cường giám sát dịch bệnh
Thị trường GSGC thời điểm cuối năm có chiều hướng hồi phục là điều đáng mừng, giúp người chăn nuôi có nguồn thu nhập ổn định, bù vào thua lỗ trước đó. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tình trạng buôn bán, giết mổ GSGC tại các chợ, các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, là nguy cơ khiến dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả… có thể tái phát.
Theo cảnh báo của Chi cục Thú y tỉnh Bình Định, mùa này các loại dịch bệnh trên đàn GSGC có nguy cơ tái phát cao. Việc chăn nuôi gà, vịt thả rông thiếu kiểm soát cũng là nguy cơ có thể làm tái phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi. Để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ tốt đàn GSGC thời điểm cuối năm, Chi cục Thú y đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống rét cho đàn GSGC. Tập trung chú trọng việc sửa chữa chuồng trại, đảm bảo độ ấm cho gia súc, dự trữ thức ăn, tiêm phòng vắc-xin phòng chống dịch bệnh trong suốt mùa đông. Tăng cường quản lý việc ấp nở gia cầm mới tại các địa phương trong tỉnh.
Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm; lở mồm long móng ở trâu, bò; heo tai xanh, dịch tả,... nhằm phát hiện kịp thời và nhanh chóng dập tắt dịch bệnh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 300.000 liều vắc-xin dịch tả; 100.000 liều vắc-xin lở mồm long móng týp 0; 20.000 liều vắc-xin lở mồm long móng 3 týp; 40 tấn hóa chất sát trùng Bencosit nhằm triển khai tiêm phòng cho đàn GSGC thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Hiện, Chi cục đang tiến hành tiếp nhận số vắc-xin và hóa chất sát trùng được hỗ trợ để cung cấp cho các địa phương tiêm phòng bổ sung cho đàn GSGC mới phát sinh; đồng thời tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại. Chi cục Thú y cũng đang tăng cường công tác kiểm dịch và kiểm soát việc mua bán, vận chuyển, giết mổ GSGC tại các trục lộ giao thông ra vào tỉnh, các chợ đầu mối buôn bán GSGC để kịp thời phát hiện và khống chế dịch bệnh có thể phát sinh”.
Phú Mỹ/ Báo Kinh tế nông thôn
Không có nhận xét nào: