Ngày 27-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang. Đây là nền tảng để nông nghiệp Hậu Giang ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT: Nông nghiệp công nghệ cao “Là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”. Do vậy, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng nông nghiệp hiện đại.
Trên thế giới từ giữa thế kỷ XX, tại các nước phát triển đã xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao như: Hoa Kỳ đầu những năm 80 đã có hơn 100 khu, ở Anh đến năm 1988 đã có 38 khu, Phần Lan đến năm 1996 đã có 9 khu. Tại châu Á, các nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao từ những năm 1990. Hiện tại,Trung Quốc đã xây dựng 405 khu (trong đó có 1 khu cấp quốc gia, 42 khu cấp tỉnh, 362 khu cấp thành phố).
Sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao đạt năng suất cao kỷ lục. Tại Israel, năng suất cà chua đạt 250-300 tấn/ha, bưởi đạt 100-150 tấn/ha, hoa cắt cành 1,5 triệu cành/ha. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra một giá trị sản lượng và thu nhập bình quân 120.000-150.000 USD/ha/năm. Trung Quốc đạt giá trị sản lượng và thu nhập bình quân 40.000-50.000 USD/ha/năm; tăng gấp 40-50 lần so với các mô hình trước đó. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và sự phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành mẫu hình cho nền nông nghiệp tri thức thế kỷ XXI.
Với diện tích đất nông nghiệp 139.148ha, chiếm 86,9% tổng diện tích tự nhiên, Hậu Giang có thế mạnh nông nghiệp là cây lúa, mía, cây ăn trái, thủy sản và gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún, lạc hậu nên thu nhập bình quân chưa đến 80 triệu đồng/ha/năm. Việc thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cũng nhằm từng bước nâng dần thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất. Theo đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang có quy mô 5.200ha (trong đó: Khu trung tâm 415ha, Vùng sản xuất 4.785ha) thuộc 4 xã: Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa của huyện Long Mỹ. Tổng khái toán vốn đầu tư cho dự án là 2.408 tỉ đồng, trong đó, đầu tư cho Phân khu trung tâm là 1.139 tỉ đồng và Phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 1.269 tỉ đồng. Dự kiến sẽ phân kỳ thành 3 giai đoạn: 2012-2015: 505 tỉ đồng, chiếm 20,9%; giai đoạn 2016-2020: 1.432 tỉ đồng, chiếm 59,2%; giai đoạn 2021-2025: 481 tỉ đồng, chiếm 19,9%.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đào tạo nhân lực công nghệ cao và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các sản phẩm chủ lực sẽ có: lúa gạo đặc sản chất lượng cao, cây ăn trái, cây công nghiệp; gia súc, gia cầm, thủy cầm, thủy sản nước ngọt, lợ, và một số chủng loại nấm, cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường.
Để Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang thành hiện thực, các ngành chức năng, chính quyền địa phương còn phải thực hiện đồng bộ nhiều công việc, trải qua không ít khó khăn, thách thức và thời gian. Tuy nhiên, đây thật sự là lối mở ra cho nông nghiệp Hậu Giang hướng đến hiện đại và bền vững.
HN/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: