Một trong những biện pháp để nâng tính cạnh tranh của nông sản là nâng cao chất lượng, trong đó giảm thiểu các tồn dư độc hại như thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất, phân bón hóa học… đang được ngành nông nghiệp triển khai trên diện tích rộng và với nhiều loại cây trồng. Ở Lâm Đồng, việc giám sát dư lượng hóa chất độc hại đang được thực hiện tại hai loại cây trồng chính là rau và chè tại các vùng chuyên canh.
Hội thảo đầu bờ về sử dụng thuốc BVTV hiệu quả đang là việc làm thường xuyên của ngành nông nghiệp tỉnh.
Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) cho biết, việc vận động nông dân chuyển từ sản xuất theo tập quán truyền thống sang sản xuất nông sản “sạch” theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Sở NN-PTNT và các địa phương trong tỉnh triển khai đã khá lâu, và nhất là khi có Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) đầu tư hỗ trợ thì phần lớn hộ nông dân trồng rau và trồng chè trên địa bàn đã triển khai thực hiện công việc này. Kết quả là qua việc lấy và phân tích mẫu thì hiện nay chỉ còn khoảng 5,56% mẫu rau và 5,88% mẫu chè có dư lượng hóa chất ngoài danh mục; 6,67% mẫu rau và 5,88% mẫu chè có dự lượng hóa chất trong danh mục vượt ngưỡng cho phép.
Theo khẳng định của Giám đốc ACP Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thì “… sau hơn 3 năm triển khai ACP: Về kiểm soát dư lượng hóa chất trên nông sản tỷ lệ mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt giới hạn an toàn đã giảm 21,2% (giảm số mẫu vượt ngưỡng an toàn từ 7,35% xuống còn 5,70) và Dự án đã đạt mục tiêu giảm 20% trong 5 năm số lượng nông sản có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép”. Tới nay đã có khoảng 80% hộ trồng rau và từ 75% tới 80% số hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh có thay đổi tích cực trong nhận thức và có trách nhiệm hơn với cộng đồng trong việc sử dụng thuốc BVTV, qua đó số lần phun thuốc BVTV hóa chất đã giảm từ 8-10 lần/vụ (đối với canh tác rau) xuống còn 3-4 lần/vụ và tuân thủ “nguyên tắc 4 đúng” mà ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo. Đây là kết quả của việc ACP và Chi cục BVTV trong thời gian từ 2009 tới nay đã tổ chức nhiều lớp hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; hướng dẫn phương pháp phân tích nhanh dư lượng thuốc BVTV bằng bộ dụng cụ GT Test Kit của Thái Lan trên các sản phẩm rau, chè cho đội ngũ cán bộ chuyên trách BVTV và nông dân
Lộc Thanh là một địa phương có diện tích chè trên 300 ha với các giống chủ lực là TB 14 và LD 97. Theo UBND xã Lộc Thanh thì cây chè của xã cho năng suất và sản lượng cao hơn các địa phương khác của thị xã Bảo Lộc nhờ người trồng chè ở đây luôn luôn có ý thức trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh chè. Từ năm 2009 tới nay, được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nông dân Lộc Thanh đang từng bước tiếp cận với việc sản xuất chè an toàn.
Cùng với việc vận động và tổ chức cho người trồng chè Lộc Thanh sử dụng hợp lý các loại thuốc BVBT, Chi cục BVTV tỉnh còn trực tiếp lấy mẫu chè từ các hộ cũng như từ điểm thu mua chè búp tươi về phân tích, sau đó thông báo lại kết quả phân tích. Từ kết quả phân tích này, người trồng chè đã chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất- nhất là quy trình phòng trừ dịch hại cho phù hợp.
Cũng theo UBND xã Lộc Thanh thì từ khi thực hiện Chương trình giám sát dư lượng hóa chất độc hại trên cây chè, sản phẩm chè búp tươi của địa phương đã tăng cao hơn, đã được tiêu thụ rộng rãi với thị trường và giá cả ổn định. Với kết quả này, UBND xã Lộc Thanh đã đề nghị Sở NN-PTNT (cụ thể là Chi cục BVTV) “ Cần duy trì và mở rộng hoạt động của nhóm phân tích chè tại xã… để giúp chính quyền cơ sở quản lý tốt hơn chất lượng chè búp tươi…”.
Tại Hội nghị “Đánh giá kết quả giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản giai đoạn 2009- 2012…” do ACP tổ chức mới đây tại Đà Lạt dành cho nông dân 8 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang được Bộ NN-PTNT triển khai Chương trình giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản, nhiều hộ chuyên canh rau tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương… đều cho rằng với việc giám sát dư lượng hóa chất độc hại trên cây rau, ngành sản xuất rau thương phẩm của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực: năng suất, chất lượng rau tăng, tiết kiệm chi phí đầu tư (tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc nhờ áp dụng đúng nguyên tắc 4 đúng). Nông dân Đà Lạt đã giảm số lần phun thuốc trên rau ăn lá từ 11-15 lần/vụ với các loại thuốc có nguồn gốc hóa học xuống còn 8-12 lần/vụ với các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc nhóm gốc đồng (thuốc để trừ bệnh trên cây trồng) và bảo đảm tốt thời gian cách ly khi thu hoạch rau; nông dân vùng rau cũng đã chuyển từ sử dụng phân bón hóa học liều lượng lớn sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng ủ mục cho việc bón lót, tuân thủ đúng thời gian cách ly khi sử dụng các loại phân đạm.
Giám sát dư lượng hóa chất độc hại trên nông sản vì vậy đang là một khâu quan trọng của công tác quản lý nhà nước cũng như của cả quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm bảo đảm có nông sản sạch bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đức Hưng/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: