Trong khi chờ các bộ, ngành vào cuộc tìm giải pháp “cứu” ngành chăn nuôi heo vượt qua khó khăn, thì Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, địa phương nuôi heo trọng điểm của cả nước, đề xuất cần nhanh chóng thực hiện kích cầu tiêu dùng để giải quyết ngay những khó khăn trước mắt của ngành hàng này.
Heo hơi rớt giá nhưng giá bán lẻ thịt heo tại các chợ vẫn ở mức cao. Ảnh: Trung Chánh
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước tham gia chương trình bán hàng bình ổn thị trường nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn thực phẩm nói riêng và hàng hóa nói chung với giá cả phù hợp.
Theo ông Công, câu chuyện bán hàng bình ổn giá thị trường xưa nay chỉ thực hiện khi thực phẩm, mà cụ thể ở đây là khi giá heo hơi trên thị trường tăng quá cao, tức giá bán lẻ thịt heo tăng cao, chứ những lúc giá heo hơi ế ẩm như hiện nay, thì chương trình bình ổn thị trường không diễn ra do tâm lý heo hơi giảm giá, thì giá bán lẻ thịt heo cũng không “sốt”.
Tuy nhiên, theo ông Công, chương trình bán hàng bình ổn thị trường phải được thực hiện như những lúc thế này mới phát huy tác dụng, bởi theo ông trong khi giá bán lẻ thịt heo trên thị trường chỉ giảm 5%, thì giá heo hơi đã chạm đáy nhiều năm, với mức giảm trên dưới 60% so với mọi năm. “Giữa mức giá bán của người chăn nuôi đến người tiêu dùng hiện đang có sự chênh lệch rất cao”, ông nói.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết dự kiến ngày 27-4, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông sẽ có chuyến làm việc tại Đồng Nai để tìm cách giúp ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn.
Điều này có nghĩa, tuy giá bán lẻ thịt heo trên thị trường không “sốt”, nhưng khi đối chiếu giữa giá heo hơi trên thực tế như hiện nay và giá bán lẻ thịt heo ở các chợ, thì rõ ràng giá bán lẻ thịt heo đã tăng rất mạnh. Hay nói cách khác, là người tiêu dùng vẫn đang phải chi một số tiền lớn hơn thực tế cần phải chi để mua thịt tiêu dùng hàng ngày.
Theo ông Công, trong trường hợp như thế này, chương trình bình ổn thị trường mới có tác dụng, bởi những đơn vị tham gia chương trình được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó, được vay vốn lãi suất thấp. “Những cửa hàng bình ổn giá sẽ được vay một khoản tiền, mua của nông dân với giá thị trường hiện nay và bán ở những điểm bán hàng bình ổn với giá chỉ bằng giá mua của nông dân cộng thêm các chi phí phát sinh, tức giá bán ở các điểm bán hàng bình ổn sẽ được kéo giảm xuống 30-40% so với mặt bằng giá hiện nay, qua đó sẽ kích cầu được tiêu dùng”, ông cho biết.
Theo ông Công, khi các điểm bán hàng bình ổn giá kéo giá bán lẻ thịt heo xuống sẽ có tác dụng kéo cả thị trường bán lẻ đi xuống theo. “Khi nó xuống như vậy, thì có phải kích cầu tăng lên hay không?”, ông Công nêu câu hỏi và cho rằng một trong những lý do người tiêu dùng hiện vẫn không tiêu thụ thịt nhiều vì giá vẫn cao.
Theo ông Công, nếu Chính phủ tung ra một lượng tiền để khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi là biện pháp tích cực và cần thiết, nhưng nó không kích thích được thị trường đang bế tắc hiện nay, mà chỉ để vực dậy ngành chăn nuôi ở giai đoạn sau thôi. “Còn hiện nay, đang có một lượng heo nằm trong dân, cần phải làm biện pháp kích cầu này”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Công, muốn thực hiện được việc này, ngành công thương phải vào cuộc, có chỉ đạo chung, chứ bản thân mỗi đơn vị bán hàng riêng lẻ không thể thực hiện được.
Trung Chánh (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: