» » » Dự án liên kết nuôi cá tra ở An Giang: Nông dân bỗng chốc... lâm nợ!

Sau khi bán cá cho doanh nghiệp theo hợp đồng trong “chuỗi liên kết”; các hộ dân mới tá hỏa vì lãnh đạo doanh nghiệp này đã đi nước ngoài rồi không thấy trở về. Hàng chục hộ dân bỗng chốc lâm vào cảnh “hết đường lùi” khi số tiền nợ ngân hàng lên đến hàng trăm tỉ đồng…

Từ lúc lãnh đạo công ty Thuận An đi nước ngoài, các hộ nuôi cá tra trong chuỗi liên kết lâm vào cảnh điêu đứng. Ảnh: T.L

Chủ doanh nghiệp “ra nước ngoài”, nông dân đổ nợ (!?)

Từ năm 2014, được sự chấp thuận về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Công ty TNHH SX TM DV Thuận An (Tafishco, An Giang) đã triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra”. Dự án này có sự tham gia giữa ba bên gồm: Công ty Thuận An, Ngân hàng NNPTNT An Giang và các hộ nuôi cá tra. Trong đó, người nuôi được vay vốn từ Agribank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được Agribank trả tiền thay… Cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán “độc quyền” cho công ty Thuận An, sau đó công ty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng đã trả trước đó.

Trong khoảng 2 năm đầu, bà con nuôi cá rất phấn khởi, vì dự án đã tạo đầu ra hiệu quả, nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho người nuôi cá tra. Tuy nhiên, từ tháng 11.2016, lãnh đạo công ty Thuận An bất ngờ đi “công tác nước ngoài”, sau đó không trở về khiến các hộ nuôi cá lâm vào cảnh điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (hộ nuôi cá tra trong dự án, TP.Long Xuyên) cho biết: Vụ cá vừa rồi ông thu hoạch được 250 tấn. Tháng 7.2016công ty Thuận An đến ký hợp đồng bắt cá với tổng giá trị khoảng 5 tỉ đồng. “Sau khi trừ khoảng 4 tỉ đồng số tiền vay ngân hàng, công ty Thuận An trả ông khoảng 100 triệu đồng, rồi trả thêm cho ngân hàng được 900 triệu. Còn lại 4 tỉ đồng vừa nói, ngân hàng và công ty Thuận An sẽ thanh toán với nhau, coi như xong nợ. “Tuy nhiên, công ty Thuận An đến giờ chưa trả tiền, còn ngân hàng thì quay sang bắt tui trả nợ” - ông Nghiệp bức xúc.

Vụ việc diễn ra bức xúc đến nỗi, các hộ nuôi cá đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan Trung ương nhờ can thiệp. Hiện tại, có 12 hộ nuôi cá trong dự án nợ ngân hàng tổng số tiền 129 tỉ đồng. Trước đó, khoảng tháng 11.2016, Tổng Giám đốc công ty Thuận An là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh sau khi ra nước ngoài công tác đến nay vẫn chưa trở về. Trước khi đi, bà Trinh có ủy quyền điều hành công ty lại cho ông Hoàng Hữu Thành - Phó Tổng Giám đốc công ty này.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Thành cho biết: “Trong giấy ủy quyền, chỉ thể hiện nội dung tôi là người ký thay các giấy tờ có liên quan đến ngân hàng thay cho Tổng Giám đốc, ngoài ra không đề cập gì đến chuyện trả nợ cho nông dân. Hiện tại, tài chính công ty đang gặp khó khăn, nên khi nông dân đến đòi nợ vào cuối năm 2016, Cty đã mở kho để giao cá đã philê cho nông dân để cấn trừ nợ với số lượng khoảng 700-800 tấn. Đến nay, cá nhân tôi cũng không liên hệ được với bà Trinh”.

Công an vào cuộc điều tra

Trong các buổi làm việc, các hộ nuôi cá đề nghị Agribank An Giang chuyển số nợ từ hộ nuôi cá sang cho công ty Thuận An, nhưng không được ngân hàng đồng ý. “Chúng tôi không cho hộ nuôi cá vay tiền mặt mà thông qua việc họ mua thức ăn nuôi cá tra… Sau đó, các hộ nuôi sẽ ký hợp đồng tiêu thụ cá với công ty Thuận An, tất cả đều là những hợp đồng dân sự lập với nhau” - đại diện Agribank An Giang nói.

Trước cách giải thích này, các hộ nuôi cá tra tỏ ra rất bức xúc. Họ cho rằng: Đây không phải là hợp đồng vay vốn thuần túy, mà có yếu tố “liên kết chuỗi giá trị”. Trong đó, người dân vay vốn nhưng không được nhận tiền mặt, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá… Thêm vào đó, trong các hợp đồng nguyên tắc giữa ba bên có nói rõ, người nuôi không được bán cá cho ai khác ngoài công ty Thuận An khi chưa được sự cho phép của công ty này và Agribank An Giang. Bây giờ, ngân hàng nói việc thu mua cá là hợp đồng dân sự độc lập, rủi ro thuộc về người nuôi.

Ông Nguyễn Văn Học - đại diện cho các hộ nuôi cá trong dự án - nói: “Chủ trương của dự án là đúng đắn và chúng tôi rất đồng tình, nên đã tích cực tham gia. Vấn đề là năng lực tài chính của công ty Thuận An đã được kiểm chứng hay chưa mà lại được tỉnh chọn làm doanh nghiệp đầu mối trong chuỗi liên kết?. Ngoài ra, trong chuỗi liên kết có sự ràng buộc rất rõ giữa ba bên, vậy trách nhiệm của Agribank An Giang trong việc giám sát đồng tín dụng cần phải được làm rõ”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 8.2, ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - xác nhận: Lãnh đạo công ty Thuận An đi nước ngoài đến nay vẫn chưa về. Ngân hàng Agribank và các hộ nuôi cá đã kiện công ty Thuận An ra tòa, nên phải chờ kết quả giải quyết từ tòa án.

Một nguồn tin khác cho biết, công an tỉnh An Giang đã vào cuộc để xác minh làm rõ vụ việc. Bước đầu, công an đã làm việc với công ty Thuận An và Agribank An Giang, qua đó, các bên cung cấp những hồ sơ có liên quan… Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của các hộ nuôi cá tra và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả.

Dự án đầu tư chuỗi liên kết dọc cá tra do công ty Thuận An thực hiện gồm 2 giai đoạn. Tổng diện tích mặt nước thực hiện dự án là 113,5hacông ty Thuận An sẽ vay vốn trên 650 tỉ đồng từ Agribank An Giang để thực hiện dự án. Một lãnh đạo Agribank An Giang xác nhận, công ty Thuận An còn nợ tiền ngân hàng, nhưng từ chối cho biết là bao nhiêu. Hiện công ty Thuận An vẫn hoạt động bình thường dưới sự theo dõi của các cơ quan chức năng An Giang.

Trần Lưu (Báo NLĐ)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: