» » » Phát hiện chất gây ung thư trong cua lông từ Trung Quốc

Hôm 1/11, Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong đã kêu gọi các nhà bán lẻ ngừng bán cua lông có xuất xứ từ 2 cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc phía đông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), sau khi phát hiện chứa chất gây ung thư trong sản phẩm.


Cụ thể, 2 trong 5 mẫu cua lông lấy từ 3 nhà nhập khẩu và 2 nhà bán lẻ tại Hong Kong được phát hiện chứa hàm lượng dioxin và polychlorinated biphenyls (PCBs) vượt mức cho phép. Cả hai đều là hợp chất độc hại gây bệnh ung thư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản của cơ thể, South China Morning Post dẫn lời người phát ngôn Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong.

Kết quả kiểm định công bố hôm 31/9 cho thấy, nồng độ của hai loại hóa chất trên ở mức 11,7 pg (đối với dioxin) và 40,3 pg (đối với PCBs) trong khi nồng độ cho phép chỉ ở mức 6,5 pg.

Tiến sĩ Choi Mei-yee - Trợ lý giám đốc Trung tâm giám sát và kiểm định chất lượng thực phẩm Hong Kong cho biết, phần lớn số cua nhiễm hóa chất đã được bày bán ra thị trường và hiện chưa biết chính xác số lượng bao nhiêu.

"Chúng tôi đã liên hệ với các nhà nhập khẩu tại Hong Kong để thu hồi số cua từ hai trang trại trên. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các nhà bán lẻ đã mua cua từ hai cơ sở này ngừng bán sản phẩm ra thị trường”, Choi nói.

Được biết, cua lông vốn được xem là một trong những món ăn đắt đỏ của giới nhà giàu Trung Quốc. Theo thống kê, trong năm 2016, 80% cua lông tại Hong Kong được nhập từ tỉnh Giang Tô.

Việc Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong hôm 1/11 công bố danh sách 15 nhà nhập khẩu liên quan đến vụ việc khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng. Old San Yuang – một trong 4 nhà nhập khẩu lớn nhất Hong Kong có tên trong danh sách cho biết, chỉ trong hôm thứ Ba (1/11), doanh nghiệp này đã mất 1 triệu HKD cùng nhiều yêu cầu hủy đơn hàng hay trả lại sản phẩm, Sandy Ki Yuk-fung - Giám đốc của Old San Yang nói với South China Morning Post.

Trong một tuyên bố nhằm xoa dịu dư luận, tiến sĩ Philip Ho Yuk-yin - chuyên gia tư vấn truyền thông và đánh giá rủi ro của Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong cho biết, việc ăn phải cua bị nhiễm độc sẽ không ngay lập tức bị ngộ độc thực phẩm hay bất kỳ nguy hiểm nào đến tính mạng thực khách.

Theo vị này, chỉ khi nào một người ăn hơn 14 con cua lông nhiễm hóa chất cỡ lớn trong suốt từ tháng 9 đến tháng 11, hàm lượng hóa chất mới vượt mức cho phép. Riêng với những người ăn nhiều chất béo, lượng độc tố sẽ dễ tăng hơn nếu ăn nhiều hơn 3 con cua lông mỗi tháng.

Vân Thảo (Doanh nhân Sài Gòn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: