Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết 10 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu gạo chỉ đạt 4,117 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu trị giá 1,836 tỉ USD, giảm 21,2% về lượng và 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. VFA cảnh báo, không chỉ thị trường xuất khẩu gạo giảm sút, mà 10 tháng qua, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp vẫn còn tới 1,2 triệu tấn là điều không bình thường.
Cả lượng và giá đều giảm
Số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, trong tháng 10.2016, thị trường lúa gạo tại khu vực ĐBSCL diễn biến trái chiều. Nhu cầu tiêu thụ nhìn chung vẫn thấp. Gana - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc) trong 9 tháng đầu năm 2016 với 11% thị phần, đã tăng số lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 387.700 tấn và 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 8,2% thị phần đã nhập 359.400 tấn gạo, tương đương 142,5 triệu USD, tăng 21,5 lần về khối lượng và tăng 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Thế nhưng, số lượng lúa gạo xuất khẩu vào 2 thị trường này không đủ bù đắp số lượng và giá trị xuất khẩu bị giảm sút từ thị trường Trung Quốc. Bộ NNPTNT cho rằng, mặc dù trong tuần qua, tình hình xuất khẩu gạo sang nước này đã được cải thiện hơn do Trung Quốc bắt đầu mua gạo trở lại theo con đường tiểu ngạch; đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, chiếm tới 35,4% thị phần, đạt 1,35 triệu tấn và 613,8 triệu USD, nhưng lượng gạo mà quốc gia này nhập từ Việt Nam đã giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippin (47,8%), Malaysia (47,4%), Singapore (34,6%), Hoa Kỳ (32%), Bờ Biển Ngà (25,2%) và Hồng Kông (11,4%).
Làm gì để giữ thị trường gạo cao cấp?
Điều đáng nói là hạt gạo Việt Nam có chất lượng không thua kém gạo một số nước trong khu vực, nhưng vẫn chưa tăng được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Úc, Châu Âu, Nhật Bản... Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), thống kê của tất cả hệ thống kiểm dịch thực vật trên toàn quốc, đặt biệt là tại vùng 1, vùng 2 TPHCM cho thấy, cả nước có 29 lô gạo bị phía Mỹ trả về, nhưng trong đó chỉ có 6 lô bị trả về với lý do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, do phía Mỹ chưa xây dựng các mức dư lượng tối đa cho phép, nên chỉ cần phát hiện có hoạt chất bảo vệ thực vật là họ đã trả về (mặc dù cũng hoạt chất này, Việt Nam cho phép sử dụng -PV). Những lô còn lại bị trả về là do sai quy cách đóng gói, hoặc do vi phạm hợp đồng của các doanh nghiệp chứ không phải cả 29 lô bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA nhiều lần khẳng định: Để cạnh tranh được với gạo các nước, Việt Nam cần không ngừng nâng cao chất lượng gạo, trong đó đặc biệt lưu ý đến an toàn thực phẩm. Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, khu vực ĐBSCL liên tục mưa lớn khiến năng suất, chất lượng gạo có phần giảm sút. Để mở rộng thị trường, cần “thắng” ở các điểm: Chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá thành cạnh tranh. Nếu giải quyết được các “điểm huyệt” này, gạo Việt Nam sẽ vào được các thị trường khó tính.
Bàn về giải pháp phát triển, ông Hoàng Trung - khẳng định: “Mới đây, đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã sang Mỹ, nêu vấn đề kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trên gạo, yêu cầu phía Mỹ giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng các mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số hóa chất chính mà chúng ta đang sử dụng trên gạo. Cục bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp với các cơ quan của Mỹ để thực hiện trong thời gian tới. Với sự hỗ trợ của Mỹ, chúng ta có thể hợp tác xây dựng danh mục hóa chất bảo vệ thực vật mà phía Mỹ chưa có. Ngoài ra, Cục bảo vệ thực vật cũng đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu người dân không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật mà phía Mỹ chưa có trong danh mục, tránh tình trạng hàng xuất sang bị trả về”.
Theo đánh giá của các chuyên gia lúa gạo, để “gỡ khó” cho xuất khẩu gạo, cần phải tái cơ cấu ngành này theo hướng tập trung vào các loại gạo có chất lượng, xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo; đẩy mạnh triển khai đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với hàng loạt giải pháp như: Thiết kế logo cho thương hiệu gạo, lựa chọn các giống gạo có chất lượng tốt… Trước mắt, Bộ NNPTNT chi gần 7.000 tỉ đồng trong 5 năm tới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tổng Công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2)… ; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay…; xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm tra hoạt động thu mua lúa gạo nội địa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.
Trong tuần qua, Bộ NNPTNT cũng đã ký kết chương trình phối hợp với các bộ Công Thương, KHCN, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường; phối hợp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất lúa gạo; gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo, tạo thị trường xuất khẩu gạo an toàn, bền vững…
Khánh Vũ (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: