» » » Triển vọng nào cho xoài Việt ở Nhật?

Tại Nhật, hiện không chỉ có riêng xoài của Việt Nam mà còn có xoài của rất nhiều nước, vì vậy chúng ta tất nhiên sẽ phải cạnh tranh, nhất là với Thái Lan

Trước khi Việt Nam và Nhật Bản có tuyên bố chung đồng ý cho xoài Việt Nam xuất khẩu sang Nhật cũng như táo Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam từ ngày 17/9, cơ quan kiểm dịch thực vật hai nước đã trải qua thời gian dài đàm phán, mở cửa các tiêu chuẩn kỹ thuật. 

Nhân sự kiện quan trọng này, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. 


Nhật Bản đã chính thức mở cửa cho xoài Việt Nam xuất khẩu sang nước này từ ngày 17/9. Xin ông cho biết những điều kiện cơ bản nào để xoài chúng ta có thể xuất khẩu sang Nhật? 

- So với nhiều nước, quy trình kiểm dịch thực vật của Nhật Bản khá phức tạp, với yêu cầu gồm cần tới 13 bước, trong đó nặng nhất về vấn đề thử nghiệm, kiểm tra. 

Vì vậy để chuẩn bị cho việc chính thức mở cửa xuất khẩu xoài Việt Nam sang Nhật, cơ quan kiểm dịch thực vật hai bên đã trải qua quá trình đàm phán, tháo gỡ các điều kiện kỹ thuật khá dài. 

Tuy nhiên từ kinh nghiệm mở cửa cho thanh long ruột trắng xuất khẩu sang Nhật trước đây, chúng ta đã khá chủ động về vấn đề này, từ việc đệ trình hồ sơ, kế hoạch thử nghiệm, mời các chuyên gia của Nhật sang thẩm tra đánh giá, xem xét trực tiếp các thử nghiệm đánh giá dịch hại… 

Phía Nhật rất đề cao tính trung thực “người thật việc thật”, vì vậy họ phải trực tiếp sang kiểm tra, đánh giá thử nghiệm một số loại dịch hại rất cụ thể theo các quy trình nghiêm ngặt. 

Đối với xoài, đối tượng dịch hại mà phía Nhật quan tâm chính vẫn là các loại ruồi đục quả. Đồng thời phải áp dụng biện pháp xử lí bằng hơi nước nóng trước khi xuất khẩu

Tất cả các tiêu chí kỹ thuật này hiện chúng ta đã có quy trình và thiết bị xử lí đáp ứng được yêu cầu. 

Bên cạnh đó, yêu cầu vùng trồng phải đạt các tiêu chuẩn sản xuất theo VietGAP. Hiện các vùng xoài lớn của chúng ta tại phía Nam đã tổ chức được rất nhiều diện tích xoài VietGAP nên có thể nói đến giờ phút này là khá thuận lợi, đã sẵn sàng để đưa được xoài sang Nhật. 

Cụ thể, hiện đã có doanh nghiệp nào chuẩn bị xuất khẩu chưa? 

- Trước khi chúng ta đi đến các bước đàm phán cuối cùng, các doanh nghiệp Nhật Bản đã rất nhanh nhạy, họ đã trực tiếp sang làm việc với Cục Bảo vệ thực vật cũng như các địa phương để lựa chọn các vùng trồng đạt yêu cầu. 

Hiện một số doanh nghiệp tại phía Nam cũng đã có liên kết hợp tác để xuất khẩu xoài sang Nhật trong thời gian tới. 

Về nguyên tắc, trước khi xuất khẩu xoài sang Nhật, sẽ phải có chuyên gia của Nhật trực tiếp sang giám sát quy trình xử lí hơi nước nóng trong kiểm dịch thực vật

Vì vậy ngay sau khi Việt Nam - Nhật Bản có tuyên bố chung cho phép xuất khẩu xoài sang Nhật Bản từ ngày 17/9, cơ quan kiểm dịch thực vật Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật cũng đã lập tức đề nghị Cục Bảo vệ thực vật có thư chính thức gửi cho phía họ để họ cử chuyên gia sang Việt Nam ngay trong thời gian sớm nhất. 

Nông dân ĐBSCL thu hoạch xoài

Chúng tôi đánh giá phía Nhật rất chủ động trong việc chuẩn bị nhập khẩu xoài từ Việt Nam. 

Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh, tiềm năng xuất khẩu xoài Việt Nam tại thị trường Nhật? 

- Tại Nhật, hiện không chỉ có riêng xoài của Việt Nam mà còn có xoài của rất nhiều nước, vì vậy chúng ta tất nhiên sẽ phải cạnh tranh, nhất là với Thái Lan… 

Hiện chúng ta mỗi năm có hơn 400 nghìn tấn xoài, trong đó 70% sản lượng là giống xoài cát Chu. Đây là giống xoài có chất lượng vào loại hàng đầu thế giới, được các thị trường rất ưa chuộng. 

Ngay các chuyên gia và doanh nghiệp Nhật Bản khi sang tham khảo, đăng ký vùng trồng cũng đánh giá rất cao về chất lượng và bày tỏ mong muốn được nhập khẩu xoài cát Chu về Nhật càng sớm càng tốt. Đây chính là tín hiệu tốt. 

Tuy nhiên, tình hình cụ thể ra sao thì sẽ phải tiếp tục theo dõi trong thời gian tới, khi các lô xoài của chúng ta có mặt tại thị trường Nhật. Căn cứ vào tình hình cụ thể, chúng ta sẽ có giải pháp tiếp theo để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. 

Về phía địa phương, vẫn phải chủ động duy trì, xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm sẵn sàng các điều kiện xuất khẩu khi có tín hiệu tốt. 

Vậy đối với táo Nhật Bản sắp xuất khẩu sang Việt Nam, chất lượng táo của họ thế nào? 

- Táo Nhật hiện đã xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có hầu hết các nước ASEAN, chỉ còn Việt Nam gần như là nước cuối cùng mở cửa cho họ. 

Với một nước khí hậu lạnh, đặc thù địa lí cô lập ốc đảo, thành phần dịch hại của họ không phức tạp như chúng ta. 

Về mặt chất lượng thì còn tùy vào các giống táo, tuy nhiên nhìn chung mà nói thì với trình độ sản xuất, công nghệ bảo quản, kiểm dịch thực vật, quy định về an toàn thực phẩm của họ là rất gắt gao và hoàn hảo nên chúng ta có thể yên tâm. 

Về phía Việt Nam, chúng ta cũng yêu cầu họ phải áp dụng biện pháp xử lí lạnh  ở mức  từ 0 - 1 độ C khi xuất khẩu sang Việt Nam. 

Về sản lượng, tôi cho rằng lượng táo Nhật xuất khẩu sang Việt Nam sẽ không lớn, bởi thị trường táo nhập khẩu Việt Nam hiện đã rất đa dạng như Mỹ, Pháp, Newzeland, Úc… Có chăng chỉ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn mà thôi. 

Xin cảm ơn ông!.

Lê Bền (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: