» » » Không nên phát triển cây tiêu bằng mọi giá

Mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu vào tháng 7, cũng là lúc nhà nông bắt đầu xuống giống một vụ cây trồng mới. Những ngày đầu mùa mưa năm nay, đến với ba huyện phía nam Lâm Đồng là Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh nhà nông chộn rộn với cây hồ tiêu đang được xem là “cây tiền tỷ”. 

Ảnh minh họa

Vụ tiêu năm nay, nhiều nhà nông ở các huyện phía nam thu tiền tỷ từ cây tiêu. Nhiều nông dân ở đây cho biết, với giá tiêu “chạm trần” hơn 200.000 đồng/kg như vụ này, nhà nông có thu trên mỗi sào tiêu hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường. “Tính ra, làm tiêu thu lợi cao hơn gấp chục lần so với làm lúa; thậm chí còn cao hơn gấp ba, gấp bốn lần so với làm cây cà phê” - ông Nguyễn Quốc Bình ở xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) tính toán. Ở vụ trồng mới sắp đến, nhiều hộ nông dân ở đây đã đặt cây giống tận vùng miền tây mang lên để trồng “cho chắc”. Cũng theo tính toán của nhà nông, cứ mỗi héc ta tiêu nếu bán với giá thấp nhất trên dưới 50.000 đồng thì doanh thu cũng không dưới 200 triệu đồng - vẫn cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bởi vậy, không khí nhộn nhịp vào vụ tiêu trồng mới đang diễn ra ở hầu khắp ba huyện phía nam trong những ngày này cũng là điều không quá khó hiểu. Hiện đang có rất nhiều hộ ở Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai sẵn sàng phá bỏ nhiều loại cây trồng trong vườn để chạy theo cây tiêu. Và chắc chắn, không khí nhộn nhịp vào vụ tiêu trồng mới này không chỉ diễn ra ở riêng ba huyện phía nam của Lâm Đồng.

Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, diện tích cây tiêu trong cả nước dự kiến chỉ đạt mức 50.000ha vào năm 2020. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, con số này đã lên đến 80.000ha vào cuối năm 2014 và dự kiến sẽ nhảy vọt một cách bất thường trong vụ xuống giống cây trồng năm 2015 này. Đáng lưu ý, trong 80.000ha này, diện tích trồng mới trong hai năm 20132014 chiếm đến 10.000ha. Việc ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường - được mùa, mất giá - là cảnh báo của cơ quan chức năng (mới đây, Bộ NN-PTNT đã có văn bản về vấn đề này). Với Lâm Đồng, tuy không phải là cây trồng chính nhưng với một số vùng, nhất là ba huyện phía nam, cây tiêu lại là nguồn thu nhập chủ yếu của một bộ phận nông dân. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về diện tích mở rộng cây hồ tiêu của tỉnh trong vụ trồng mới 2014 vừa qua cũng như chưa có con số dự báo chính xác diện tích hồ tiêu sẽ tiếp tục được mở rộng trong vụ trồng mới năm nay. Tuy nhiên, trước “không khí” hết sức nhộn nhịp của nhà nông ba huyện phía nam đang sẵn sàng “vào mùa” trồng mới cây hồ tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia nông nghiệp không thể giấu được sự lo ngại về tương lai có thể sẽ không sáng sủa của loại cây trồng này. Lo ngại là bởi lẽ, theo dự báo của các chuyên gia thì cả thế giới chỉ có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tiêu ở khoảng trên dưới 300.000 tấn mỗi năm; trong khi đó, nếu với đà phát triển ào ạt loại cây trồng này như trong hiện tại thì sản lượng tiêu của Việt Nam chẳng mấy chốc đạt đến con số 200.000 tấn mỗi năm (trong khi Việt Nam không phải là quốc gia có sản phẩm hồ tiêu chiếm thị phần lớn của thế giới). Đó là chưa kể các rủi ro về chất lượng sản phẩm tiêu Việt Nam sẽ đạt mức nào khi mà tính tự phát vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong canh tác của nông dân.

Trong những năm qua, đã có quá nhiều “thảm họa” cho nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Đến lúc này, không nên để nhà nông Lâm Đồng (và không chỉ riêng Lâm Đồng) tự mở rộng diện tích cây hồ tiêu một cách ồ ạt như hiện nay đang là lời nhắc nhở của các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh.

Khắc Dũng (Báo Lâm Đồng)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: