» » » » Vụ vải thiều 2015: Được mùa, được giá

Chia sẻ về tình hình tiêu thụ vải trong mùa vụ 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm này, khoảng 70 - 80% lượng vải thiều đã được tiêu thụ hết. Không chỉ “phủ sóng” thị trường trong nước, quả vải Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường rất khó tính như Mỹ, Úc, Pháp… cho thấy, Việt Nam đã có một vụ vải thành công.  

Chủ động tạo liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ vải

Năm 2015, vải thiều Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng “được mùa mất giá”. Xin Thứ trưởng cho biết, để đạt được kết quả đó, việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều đã được Bộ Công Thương triển khai ra sao?

- Theo số liệu thống kê, sản lượng vải thiều năm 2015 của nước ta vào khoảng trên 200 nghìn tấn, đến nay đã tiêu thụ được gần 80% với giá tương đối tốt, kể cả giá xuất khẩu và giá nội địa.

Trong xuất khẩu, ngoài việc tiêu thụ tốt ở một số thị trường truyền thống, ta đã đưa quả vải ra nhiều thị trường mới như Mỹ, Úc, Pháp… Dù sản lượng chưa lớn nhưng có thể nói đây là thành công bởi các thị trường này đều có yêu cầu cao, hàng rào kỹ thuật lớn. Việc đưa vải thâm nhập thành công vào những thị trường này đã mang lại rất nhiều kinh nghiệm, đồng thời giúp ta bước đầu xây dựng thương hiệu cho quả vải, hứa hẹn kết quả tích cực hơn cho những mùa vải sau.


Để có được thành quả trên, phải ghi nhận những động thái tích cực trong việc kết nối người nông dân, doanh nghiệp và các kênh phân phối của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương nơi sản xuất vải như Bắc Giang, Hải Dương và các địa phương tiêu thụ vải lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ…. Hàng loạt hội nghị kết nối tiêu thụ vải trong nước đã liên tục được tổ chức trong tháng 5. Những chương trình thúc đẩy xuất khẩu vải sang Trung Quốc diễn ra ở Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn đã tạo điều kiện cho quả vải được giới thiệu đến người tiêu dùng, các đối tác, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp phân phối… Các đơn vị khác như Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam… cũng tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp và địa phương trong việc tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu vải. Đây là nguyên nhân để chúng ta có một vụ vải thành công.

Mặc dù đã được nhiều thị trường mới đón nhận như Pháp, Úc, Mỹ… nhưng có ý kiến cho rằng, xuất khẩu vải thiều vẫn phải phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Thứ trưởng lý giải gì về điều này?

- Đối với trái vải, các thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn như Úc, Mỹ, EU… đòi hỏi rất cao về quy cách phẩm chất, kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh, chiếu xạ... Thực tế, ta đã phải mất từ 5 - 8 năm để trái vải được cấp phép nhập khẩu vào các thị trường này. Bên cạnh đó, kể cả khi đã được phép rồi thì trái vải vẫn phải tiếp tục bảo đảm những yêu cầu của thị trường như được chiếu xạ để loại trừ những loại côn trùng có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng; phải bảo đảm được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để không còn dư lượng thuốc sâu hay thuốc bảo vệ thực vật… Cuối cùng, sản phẩm phải cạnh tranh được về giá.

Có điều, do khoảng cách địa lý xa xôi, vải lại là loại quả không bảo quản được lâu nên xuất khẩu sang các thị trường mới vẫn chủ yếu được thực hiện bằng đường hàng không, chi phí đội lên rất cao. Ví dụ, phí vận chuyển vải xuất khẩu sang Pháp hiện chiếm đến một nửa giá thành sản phẩm. Đây là nguyên nhân khiến lượng vải xuất khẩu vào các thị trường mới chưa nhiều. Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ để trái vải bảo quản được lâu, từ đó sử dụng những phương thức vận chuyển khác, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Nếu không, quả vải của ta sẽ không trụ được ở những thị trường này.

Ngoài việc xuất khẩu, những năm qua, thị trường trong nước đã chứng minh là mảng thị trường quan trọng nhất cho trái vải. Để nâng cao hiệu quả của mảng thị trường rất lớn này cần giải pháp gì trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

- Thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân là thị trường lớn với trái vải nói riêng và các loại nông sản khác nói chung. Trong vụ vải vừa qua, lượng vải tiêu thụ trong nước luôn ở mức 60% tổng sản lượng vải sản xuất.

Tuy nhiên, bài học tiêu thụ vải thiều 2015 cho thấy, tiêu thụ nội địa vẫn còn nhiều tồn tại trong điều hành, tổ chức sản xuất cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng. Thứ nhất, thị trường trong nước chưa được quan tâm và có chính sách phát triển thích đáng cho hạ tầng thương mại. Thứ hai, doanh nghiệp chưa được quan tâm trong việc hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối để chiếm lĩnh thị trường. Thứ ba, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được quan tâm xây dựng, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp trong việc liên kết. Thứ tư, thị trường nội địa cũng chưa được quan tâm để xây dựng những phương thức phát triển bảo đảm hiệu quả trong sản xuất, cạnh tranh với sản phẩm của thị trường bên ngoài.

Nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới và ngược lại, những sản phẩm của các nước khác cũng có điều kiện thâm nhập vào thị trường nước ta. Vì vậy, trong thời gian tới, để thị trường trong nước phát huy hiệu quả tối đa trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước nói chung và trái vải nói riêng, cần nhiều giải pháp hơn nữa. Trong đó, cần chú trọng xây dựng hạ tầng thương mại bằng cách xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Riêng các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn cần phải có những cơ chế đặc thù. Đồng thời, làm tốt việc kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Nhiều nông dân ở vùng Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, nếu có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì họ sẵn sàng đầu tư sản xuất theo kỹ thuật Gap. Đây chính là những cơ hội của ta. Nếu kết nối tốt những doanh nghiệp như Sao Ánh Dương, Rồng Đỏ…- những công ty đã tham gia và có kinh nghiệm xuất khẩu liên kết với người nông dân để hỗ trợ sản xuất vải- tôi tin rằng, ta sẽ có cơ hội nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Bài học trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ trái vải mùa vụ 2015 cho những bài học quý giá. Quan trọng nhất là sự chủ động của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương trong việc kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ đó đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ như giảm cước phí cho vận chuyển; hỗ trợ doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với nông dân; giảm cước phí chiếu xạ; đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối; bố trí địa điểm kinh doanh...

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Lan (Báo Công Thương) thực hiện

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: