» » Tạo sức bật cho nông, thủy sản chủ lực vươn ra thế giới (Kỳ VIII)

Liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây, thủy sản Việt Nam đạt mức kỷ lục khi xuất khẩu đạt 7,84 tỷ USD năm 2014.

Kỳ VIII: Thủy sản - Nhìn lại năng lực cạnh tranh

Ngành thủy sản cần một chiến lược lâu dài để xây dựng năng lực cạnh tranh.

Hành trình vượt vũ môn

Năm 1993, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VII) đã xác định xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó, hàng loạt quyết sách, cơ chế mới ra đời làm thay đổi toàn diện ngành từ khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu. Nhờ vậy, diện tích nuôi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra không ngừng được quy hoạch và mở rộng; chủ động đáp ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Thủy sản cũng là ngành đi tiên phong trong đầu tư sản xuất, chế biến, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã.

Có thể nói, chưa có ngành hàng nông nghiệp nào ở Việt Nam có sức bật mạnh mẽ như thủy sản. Năm 1995, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở mức 500 triệu USD. Chỉ sau 5 năm, năm 2000, con số này đã vượt qua 1,47 tỷ USD. Rồi các mốc 2 tỷ USD (đạt năm 2002); trên 3 tỷ USD (năm 2006); 4,5 tỷ USD (năm 2008)… lần lượt được doanh nghiệp thủy sản băng qua.

Ngành thủy sản cần phải có những khảo sát, nghiên cứu để đưa ra những quy trình từ khâu bán con giống, thuốc đúng giá, đúng quy định đến việc nuôi trồng… làm sao để người nông dân có thể tiếp cận trực tiếp, không phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Đây là chiến lược lâu dài, không phải một sớm một chiều giải quyết được.

Sự phát triển “thần tốc” của nhóm mặt hàng này cũng khiến cho doanh nghiệp Việt lần đầu tiên biết đến khái niệm “chống bán phá giá” khi bị Hoa Kỳ kiện với sản phẩm cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2003. Tuy nhiên, các rào cản thị trường không ngăn được dòng chảy cá tôm. Đỉnh điểm, 2014 là năm đáng tôn vinh cho ngành này khi thu hoạch được 7,84 tỷ USD, góp phần làm nên thành tích xuất siêu 2,14 tỷ USD của đất nước.

“Đồng ca” giảm kim ngạch

Tuy nhiên, ngay sau khi lập kỷ lục năm 2014, ngành thủy sản dường như đang “đuối sức” và bộc lộ nhiều bất cập. Điều này đã khiến kết quả xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Tiêu biểu, quý I, ngành này chỉ xuất sang Hoa Kỳ được 260 triệu USD, giảm 33,8%; sang Nhật Bản được 192,7 triệu USD, giảm 15,1%. Hàn Quốc cũng chỉ nhập khẩu 118,8 triệu USD, giảm 5,2%.

Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, tỷ giá có ảnh hưởng rõ nét nhất và tác động bất lợi cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cho đến nay, trên 90% các hợp đồng xuất nhập khẩu thủy sản đều sử dụng đồng USD để thanh toán. “Nhưng từ đầu năm 2015, đồng yên, euro, đô Úc… đều mất giá mạnh so với đồng USD nên các nhà nhập khẩu thủy sản liên tục đề nghị đàm phán lại hợp đồng nhằm giảm giá” - bà Thảo cho biết. Mặt khác, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực (tôm, cá tra) sang Hoa Kỳ đang gặp khó khăn vì rào cản thuế chống bán phá giá trong khi đây là thị trường lớn nhất, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đơn cử, quý Ixuất khẩu cá tra sang quốc gia này chỉ đạt 62,59 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này kéo theo kết quả chung của cả ngành đi xuống. Hơn nữa, nguồn cung năm nay tăng mạnh do Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… liên tục tăng sản lượng khiến giá thủy sản đi xuống, đẩy giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam xuống theo.

Giá cao… khó tính chuyện “đường dài”

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP)- cho rằng, mặc dù hiện nay xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên, song đó đều là những vấn đề ngắn hạn của thị trường, điều quan trọng và đáng lo nhất chính là sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến, bảo quản thủy sản - Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho rằng, một số thủy sản Việt Nam đang có giá cao hơn các nước khác. Nếu không giảm giá, các đối tác nhập khẩu sẽ tìm đến các nguồn cung cấp giá rẻ hơn như Bangladesh, Ấn Độ thay vì mua của Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Phụng- Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản sạch Việt Nam - cho biết, ngoài nguyên nhân bên ngoài như: các rào cản kỹ thuật từ các thị trường (thuế chống bán phá giá; kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm), hàng Việt còn có giá cao do chi phí hành chính, vận tải… cao hơn các nước. Mặt khác, các ngành công nghiệp phụ trợ cho chế biến xuất khẩu còn yếu, năng suất lao động thấp; việc thiếu nghiên cứu sâu và hiệu quả quản lý vùng nuôi từ khâu giống, kỹ thuật, thuốc trị bệnh… chưa cao cũng khiến thủy sản Việt Nam đang mất dần lợi thế. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP, để giảm thiểu chi phí sản xuất nguyên liệu cần có sự vào cuộc của nhà nước và chính quyền địa phương.

Kỳ IX: Ngoài dựng rào, trong quăng lưới  

Bài viết liên quan:








Nguyễn Phượng/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: