» » » Kiểm tra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Sao phải xin miễn, giảm kiểm tra?

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thắc mắc đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp làm tốt, đạt tiêu chuẩn được hưởng chế độ miễn, giảm kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, nhưng vẫn phải làm đơn xin?

Thủ tục, thời gian kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp không hài lòng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về việc tìm giải pháp giảm thiểu 50% thời gian kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất, nhập khẩu, cuối tuần qua, Cục Chăn nuôi đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp cả nước. Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cho rằng, một số quy định liên quan tới thủ tục kiểm tra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi. 

Thông tư 50/2014/TT-BNNPTNT về quản lý thức ăn chăn nuôi (Thông tư 50) mới có hiệu lực hơn 3 tháng. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi đây là một thông tư rất văn minh, đặc biệt về cơ chế miễn, giảm kiểm tra đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Cụ thể, nếu doanh nghiệp nhập khẩu 3 lô hàng liên tiếp từ một nhà cung cấp đều đạt chất lượng thì sẽ được áp dụng chế độ giảm kiểm tra (chỉ kiểm tra cảm quan); nếu 5 lô liên tiếp không phát hiện vi phạm về chất lượng sẽ được miễn kiểm tra trong vòng 6 tháng. 

Theo Cục Chăn nuôi, qua 3 tháng thực hiện Thông tư 50, đã có 27 doanh nghiệp với 60 sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được chuyển sang chế độ kiểm tra giảm và miễn kiểm tra có thời hạn 6 tháng. Đây được xem tín hiệu tốt nhằm giảm tần suất kiểm tra đối với các lô hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn cho rằng, cơ chế thực hiện miễn giảm quá nặng tính “xin - cho”. 

Bà Trần Thu Thủy, PGĐ Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Nam phản ánh, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận chính sách miễn giảm. Thực tế công ty bà Thủy có khi có tới 4-5 lô hàng, cùng một chủng loại sản phẩm, cùng một nhà phân phối nhưng khi về Việt Nam lô nào cũng đều bị áp dụng kiểm tra đầy đủ 4 chỉ tiêu chất lượng, mặc dù trước đó không dính vi phạm nào. Vị này cho rằng, chính sách miễn giảm kiểm tra là để khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt, vì vậy cơ quan quản lí cần phải chủ động áp dụng miễn giảm cho doanh nghiệp, thay vì lại phải bắt doanh nghiệp đi xin được miễn giảm như hiện nay. 

“Doanh nghiệp làm tốt, đạt tiêu chí được miễn, giảm kiểm tra rồi, nhưng để được miễn giảm, lại phải làm một cái đơn xin, rồi phải phô-tô hồ sơ mấy lô hàng trước đó gửi Cục Chăn nuôi, sau đó ngồi chờ thêm 5-7 ngày nữa xem Cục có quyết định đồng ý cho hưởng chế độ miễn, giảm hay không. Tại sao làm tốt lại còn phải đi xin được công nhận là làm tốt nghĩa là thế nào?” – bà Thủy thắc mắc. 

Cùng ý kiến như bà Thủy, bà Lê Thị Cẩm Hồng, đại diện công ty Thành Nhơn (TP.HCM) nêu quan điểm: Trước đây, việc thực hiện thủ tục hải quan từng rất tốn kém và mất thời gian, tuy nhiên từ khi thực hiện hải quan điện tử, hồ sơ xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đã được cơ quan hải quan quản lí điện tử và phân luồng theo các nhóm luồng xanh (miễn kiểm tra), luồng vàng (kiểm tra hồ sơ) và luồng đỏ (phải kiểm hóa). 

Nên chăng, việc quản lí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nên thực hiện tương tự như đối với hải quan. Theo đó đối với doanh nghiệp qua một thời gian nhất định liên tục không phát hiện vi phạm chất lượng thì tiến hành phân luồng, tự động cho phép miễn, giảm kiểm tra hoặc chỉ áp dụng hậu kiểm. 

“Ví dụ như công ty chúng tôi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hơn 20 năm nay chưa gặp vấn đề gì thì nên cho phép được áp dụng luồng xanh, doanh nghiệp được phép tự chịu trách nhiệm về chất lượng và chỉ áp dụng chế độ hậu kiểm” - bà Hồng kiến nghị. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho rằng, việc đặt ra cơ chế doanh nghiệp này phải đạt 3 lô hàng, doanh nghiệp kia đạt 5 lô hàng liên tiếp không vi phạm, rồi phải làm đơn xin được miễn giảm kiểm tra có thể phát sinh cơ chế xin cho, gây thêm phiền nhiễu cho doanh nghiệp. 

Ông Mai Văn Sủng, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TP.HCM), đơn vị được Cục Chăn nuôi chỉ định là đơn vị kiểm định chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nêu quan điểm: Nên chăng, cần có cơ chế cho phép các đơn vị kiểm định được phép trực tiếp xem xét miễn, giảm kiểm tra luôn cho doanh nghiệp, chứ không nhất thiết phải thông qua Cục Chăn nuôi nữa đồng ý cho miễn, giảm kiểm tra nữa. Bởi đơn vị kiểm định đã nắm rất rõ từng doanh nghiệp, từng mặt hàng đã đủ điều kiện được miễn, giảm kiểm tra hay chưa. Theo đó, cơ quan thanh tra có thể kiểm tra bất kỳ lô hàng nào sau thông quan, nếu phát hiện lô hàng vi phạm nhưng vẫn được đơn vị kiểm định cho phép thông quan thì đơn vị kiểm định đó phải chịu trách nhiệm. 

“Cục Chăn nuôi hiện quản lí các đơn vị kiểm định, có quyền kiểm tra giám sát và tuýt còi đơn vị nào kiểm định có vấn đề. Vì vậy, một số thủ tục kiểm tra không nhất thiết đều phải thông qua Cục nữa, mà nên giao dần cho các đơn vị kiểm định để giảm áp lực cho Cục, giúp doanh nghiệp đỡ mất thời gian chi phí” – ông Sủng nêu ý kiến. 

Tại buổi đối thoại, đại diện công ty Ajinomoto Việt Nam nêu ý kiến: Ajinomoto là đơn vị cung cấp nhiều sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam ngay từ những ngày đầu ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mở ra đến nay và chưa gặp bất kỳ vấn đề gì về chất lượng.  

Tất cả các lô hàng của công ty này trước khi xuất khẩu sang Việt Nam cũng đều đã được các cơ quan kiểm định chất lượng có uy tín tại Nhật cấp giấy chứng nhận.  

Vậy có nhất thiết lô hàng nào khi về Việt Nam cũng lại phải lấy mẫu kiểm tra nữa hay không? Về vấn đề này, ông Mai Văn Sủng, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 cũng cho rằng: Đối với các lô hàng xuất xứ từ các thị trường uy tín, đã được các tổ chức kiểm định có tầm cỡ quốc tế chứng nhận thì cơ quan kiểm soát phía Việt Nam nên cho phép công nhận để doanh nghiệp đỡ phải kiểm tra lại.  

“Chúng ta nên từng bước tiếp cận với kiểm soát chất lượng thông qua tiếp cận song phương, đa phương nhiều hơn nữa. Bởi xu hướng thương mại quốc tế hiện nay cho phép công nhận kết quả phân tích của các tổ chức kiểm định uy tín quốc tế theo hướng chỉ thử nghiệm một nơi, công nhận nhiều nơi. Điều này cũng rất phù hợp khi nhiều chỉ tiêu chất lượng chúng ta chưa có năng lực phân tích” – ông Sủng hiến kế.

Lê Bền/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Thời tiết bất lợi, người nuôi tôm gặp khó (Video)
»
Sau
Cơn sốt đinh lăng

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: