Vụ việc xảy ra ở huyện Chợ Mới (An Giang). Công ty Cổ phần Quốc tế Gia (TP. Hồ Chí Minh) hợp đồng với nông dân đầu tư tiêu thụ vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao OM 6976 vụ đông xuân 2013-2014. Đến ngày thu hoạch, công ty kéo dài thời gian thu mua và ra giá thấp hơn so với thị trường, nông dân phải vất vả chạy tìm thương lái bán lúa...
Hợp đồng 357 héc-ta, mua 21,6 héc-ta
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp - điều khoản bắt buộc của Công ty Cổ phần Quốc tế Gia.
Chủ tịch UBND xã Long Kiến Nguyễn Văn Bé Hai bức xúc: “Quá trình vận động dân tham gia cũng rất vất vả, do dân quen với lối canh tác manh mún, “tự sản, tự tiêu”. Sau khi được huyện giao chỉ tiêu hợp đồng thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” 150 héc-ta, xã nhanh chóng triển khai chủ trương, mời công ty thông qua hợp đồng cho nông dân biết, viết bài tuyên truyền trên Đài Truyền thanh; thành lập đoàn trực tiếp đến từng hộ dân vận động, giải thích về những lợi ích khi tham gia. Kết quả, 72 nông dân ở 4 ấp (Long Hòa 1, Long Hòa 2, Long An, Long Quới) tham gia sản xuất 107,2 héc-ta, với 17.920 kg giống.
Tiếp đó, phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện tập huấn 6 buổi kỹ thuật trồng lúa “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Chuẩn bị các bước cho khâu thu hoạch và thu mua lúa, xã tổ chức cuộc họp đủ thành phần: Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, Công ty Giống cây trồng Chợ Mới, Hợp tác xã. Những tưởng êm xuôi, vậy mà giờ trục trặc, dân muốn giận chính quyền…”.
Công ty Cổ phần Quốc tế Gia ký kết hợp đồng thực hiện “Cánh đồng lớn” với nông dân thông qua Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) làm đại diện và thu mua lúa cho nông dân vào cuối vụ cao hơn giá thị trường 60 đồng/kg. Công ty liên kết Công ty Giống cây trồng Chợ Mới cung cấp nguồn giống xác nhận cho dân, đồng thời ứng trước 1 triệu đồng/héc-ta tiền giống dân mượn thông qua Công ty Giống cây trồng Chợ Mới. Công ty TNHH&TM Tân Thành đồng hành hỗ trợ ưu tiên cho nông dân có mua sản phẩm thông qua đại lý thuốc bảo vệ thực vật 5%/tổng số tiền mua thuốc của công ty vào cuối vụ; công ty có cho nhân viên kỹ thuật trực tiếp tư vấn cho nông dân.
Xã Kiến Thành, Long Điền A có cùng chung cảnh tương tự. Chủ nhiệm HTX Thuận Quới (Kiến Thành) bức xúc: “Công ty Cổ phần Quốc tế Gia hợp đồng sản xuất 100 héc-ta, đến ngày thu hoạch định giá mua lúa của nông dân 4.350 đồng/kg, trong khi thương lái mua 4.470 đồng/kg. Công ty Cổ phần Quốc tế Gia cho rằng, do vận chuyển xa, không mua giá cao được. Giờ tụi tui phải chật vật đi năn nỉ dân trả lại tiền ứng mua giống”.
Chủ tịch UBND xã Long Điền A Nguyễn Hoàng Mai nói: “150 héc-ta dân ở đây sản xuất công ty cũng đưa ra giá thấp, rõ ràng không muốn mua lúa nên viện đủ lý do…”.
Mua thấp hơn giá thị trường
Trà lúa đầu 21,6 héc-ta tới kỳ thu hoạch. Ngày 5-4, UBND xã, HTX, đại diện Công ty Cổ phần Quốc tế Gia thăm đồng, công ty chốt giá mua 4.570 đồng/kg, đồng thời hỗ trợ 60 đồng/kg (như hợp đồng) với điều kiện ẩm độ chuẩn lúa phải đạt 23-250. Trong khi đó, thương lái bên ngoài mua tại thời điểm này tới 4.600-4.650 đồng/kg và không đo độ ẩm. Nếu lúa đạt độ ẩm, cộng thêm 60 đồng vẫn không bằng giá thương lái mua.
Công ty Cổ phần Quốc tế Gia còn bắt nông dân dời ngày thu hoạch liên tục làm cho dân không biết công ty có cân lúa hay không. Dù “bứt rứt” nhưng 8 hộ dân vẫn chấp nhận bán cho công ty 176.992 kg lúa với giá từ 4.330-4.792 đồng/kg. Đến trà thu hoạch tiếp theo, 37 hộ sản xuất 64,8 héc-ta. Ngày 11-4, đại diện Công ty Cổ phần Quốc tế Gia chốt giá 4.350 đồng/kg, trong khi giá thương lái mua ngoài đồng 4.400-4.420 đồng/kg. Giá công ty đưa ra thấp hơn thương lái 50 đồng/kg và công ty định ngày thu hoạch quá xa so thực tế (kéo dài 4-6 ngày) nên giữa công ty và nông dân không thống nhất, cuối cùng nông dân phải kêu thương lái tới mua. Đợt 3, ngày 19-4, công ty chốt giá lúa tốt 4.320 đồng/kg, định ngày thu hoạch từ 25 đến 28-4. Trong khi giá thương lái mua tại thời điểm lúa đổ ngã 4.450 đồng/kg, lúa đứng 4.500 đồng/kg.
Theo lãnh đạo địa phương: Chủ trương đúng, mục đích hỗ trợ đầu ra cho dân, nhưng cách thực hiện có vấn đề từ phía công ty, hiện chúng tôi đang ở trong tình thế rất khó xử,…”
Điều khoản hợp đồng quá bất lợi cho dân:
Hợp đồng tiêu thụ lúa có 5 điều, nhưng rất nhiều điều khoản vô lý ràng buộc nông dân và khó thực hiện. Điển hình như: “Ẩm độ lúa tươi đạt chuẩn 23-25 0. Nếu ẩm độ dưới 23 thì cứ giảm 10 cộng thêm 1,2% trọng lượng hoặc tăng giá 60 đồng/kg lúa; nếu ẩm độ trên 25 thì cứ tăng 10 thì giảm 1,2% trọng lượng hoặc giảm 60 đồng/kg lúa. Trường hợp lúa của nông dân không đạt chuẩn, công ty và nông dân thỏa thuận giá mua và tỷ lệ giảm trừ. Nếu không đạt thỏa thuận, nông dân có thể bán bên ngoài nhưng phải thanh toán tiền đầu tư giống cộng thêm lãi suất 1%/tháng x 4 tháng/mùa vụ. Trường hợp lúa đạt chuẩn mà bán bên ngoài phải cộng thêm lãi suất 2%/tháng x 4 tháng (trích điều 1)”.
Hạnh Châu/ Báo An Giang
Không có nhận xét nào: