» » ĐBSCL: Vừa thất giá lúa vừa úa giá trái... Khổ vì hỗ trợ... "lơ lửng"

Sản xuất nhỏ lẻ, mua bán tự phát… được xác định là những “chứng bệnh” khiến trái cây ĐBSCL “tự thua” trước vạch xuất phát. 

Để giúp nhà vườn “vượt lên chính mình”, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ, từ chính sách tín dụng đến các công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học… Nhưng nhiều năm qua, nhiều nhà vườn vẫn sống chung với “bệnh” cũ vì sự hỗ trợ đang “lơ lửng”…

Gương mặt buồn buồn của chủ ruộng dưa hấu ở Lắp Vò (Đồng Tháp) vì giá rớt - khó bán.

Hỗ trợ trên… mây

Doanh nghiệp chưa gắn với vùng nguyên liệu, nhà vườn thiếu “chung thuỷ” với hợp đồng… để cây ăn trái phát triển bền vững, cần thực thi liên kết dọc, liên kết ngang rồi tiến tới sản xuất theo chuẩn GAP, xây dựng thương hiệu… Đó là những câu nói, những nhận định được lặp đi, lặp lại tại nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm và cả trong những cuộc “trà dư, tửu hậu”.

Thế nhưng, sau hàng trăm cuộc toạ đàm, hội thảo…. nông sản ĐBSCL nói chung, trái cây nói riêng vẫn sống chung với căn bệnh cũ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo các chuyên gia, cơ bản là do các hỗ trợ đang trên… mây, trong khi nhu cầu của nhà vườn thì ở mặt đất. Điển hình là khuyến cáo nhà vườn sản xuất xoài theo các chuẩn thực hành tốt (GAP).

ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu và Thông tin thuộc Sở NNPTNT Đồng Tháp - nhận định: “Không ai phủ nhận GAP là giấy thông hành đưa nông sản đi khắp thế giới, nhưng với cách làm hiện nay, điều này như khiến nhà vườn gặp khó khăn hơn”. Theo ThS Tuyên, nếu bỏ qua lối công nhận theo kiểu “vẽ bùa tự đeo”, khuyến cáo này còn đi ngược quy luật kinh tế.

Tại nhiều nước, khuyến cáo thực hành GAP chỉ được đưa ra sau khi đã xác lập được thị trường. Khi đó nhà quản lý không chỉ biết được diện tích, chủng loại cây trồng, giá bán… mà còn kiểm soát được lịch thời gian thu hoạch trong từng thời điểm để điều phối hợp lý. Còn ta thì ngược lại, sau khi khuyến cáo trồng theo chuẩn GAP thì không một ai biết sản phẩm trồng ra bán cho ai, giá thế nào với số lượng bao nhiêu, trong thời gian nào… nên nhiều mô hình sau khi “đóng khung” trong diện tích vài hécta thì hoạt động cầm chừng đến hết thời gian tài trợ kinh phí thì tắt dần.

“Do diện tích nhỏ lẻ nên khi có đơn đặt hàng thì không đủ lượng đáp ứng” - ThS Tuyên đơn cử điển hình từ mô hình VietGAP của xoài Cao Lãnh. Do chưa có đầu ra tương xứng nên xoài GAP phải bán ngang với xoài thông thường. “Điều này được xem như “hình phạt” và hoàn toàn trái ngược với ý tưởng hỗ trợ ban đầu” - ThS Tuyên nhìn nhận - “Không chỉ đầu tư nhiều công sức, chi phí trực tiếp, người trồng theo GAP còn phải gánh thêm cả chi phí tái chứng nhận không hề nhỏ”.

Cần gần gũi và thiết thực

“Theo FAO, nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới tăng 3,6%/năm, nhưng thực tế chỉ tăng 2,8%/năm” - TS Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - đã nhấn mạnh tại hội thảo về trái cây do Đồng Tháp tổ chức cách đây không lâu. Điều này cũng đồng nghĩa, đầu ra của rau quả Việt Nam nói chung, ĐBSCL sẽ còn rất rộng, nếu có bước đi hợp lý. Theo ThS Tuyên, trước hết là “quy mô hoá” nền sản xuất nhỏ lẻ.

Điển hình là xoài. Hiện toàn vùng chỉ có khoảng 40.000ha, nhưng có đến trên 60 giống, trong đó chỉ có 3-5 giống đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nên dẫn đến hệ luỵ: Nhiều giống xoài thị trường cần thì vùng nguyên liệu không có đủ, và nhiều giống có tại vùng nguyên liệu thì thị trường không cần. Do vậy, bên cạnh chính sách về giống, nhà nước cần tăng cường kênh hỗ trợ thiết thực để nhà vườn an tâm đầu tư sản xuất sát với tiêu chuẩn tiêu dùng thế hệ mới trong và ngoài nước.

Về vấn đề này, theo ThS Tuyên có thể tham khảo mô hình của Thái Lan. Theo đó, bên cạnh việc chuyên môn hoá từng bộ phận hướng dẫn tổ chức thực hiện, kiểm tra, công nhận các công đoạn sản xuất…, cần tiến tới liên kết vùng làm nền tảng thực thi có hiệu quả việc rải vụ với chính sách chia sẻ quyền và nghĩa vụ hợp lý. “Theo chính sách thống nhất về rải vụ quanh năm của Thái lan, nông dân gieo trồng trong mùa được giá sẽ chia sẻ 10bath/kg cho nông dân trồng trong vụ giá không cao” - ThS Tuyên nhấn mạnh - “Nhờ hợp lý hoá này, cộng với chính sách hỗ trợ đầu tư về thiết bị sau thu hoạch như máy xông nước nóng… nên Thái Lan đã được nhiều nhà nhập khẩu thế giới “kết” vì khả năng cung cấp liên tục và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dẫu biết “mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng sẽ là khôn ngoan nếu biết vận dụng cái hay từ bên ngoài thành bệ phóng cho nông sản Việt Nam cất cánh thoát khỏi căn bệnh “đến mùa- mất giá”, vươn lên đỉnh cao lợi nhuận!

Lục Tùng/ Báo Lao Động

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: