Hậu Giang là tỉnh thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Tuy nhiên, thời gian qua thu nhập của bà con nông dân rất bấp bênh do nhiều yếu tố ảnh hưởng. Vì vậy, mọi người cần thay đổi tập quán sản xuất để từng bước gia tăng lợi nhuận, góp phần phát triển đời sống kinh tế gia đình.
Nhờ áp dụng biện pháp “5 giảm, 1 phải” nên việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa ngày càng được nhân rộng.
Từ lâu, nhiều người trồng lúa trên địa bàn tỉnh có thói quen tự để lúa thương phẩm sau thu hoạch làm lúa giống để gieo sạ cho vụ sau. Ngoài ra, còn có thói quen sạ lan với mật độ dày và chưa quan tâm đúng mức đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, năng suất lúa không cao, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Chính vì vậy, đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất lúa “5 giảm, 1 phải” do Ths Trần Thị Ngọc Huân, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện sẽ giúp người nông dân từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, góp phần hạ giá thành, thu lợi nhuận cao hơn trên cùng diện tích canh tác so với trước đây.
Khi áp dụng chương trình “5 giảm, 1 phải” vào canh tác lúa tức là bà con nông dân phải sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ. Đồng thời, thực hiện 5 giảm, bao gồm: giảm mật độ gieo sạ dày bằng áp dụng phương pháp sạ hàng (100kg/ha); giảm lượng phân bón hóa học, bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học bằng cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa; giảm lượng nước tưới cho lúa bằng cách áp dụng kỹ thuật tưới nước ướt khô xen kẽ; giảm thất thoát sau thu hoạch bằng cách phơi sấy lúa thích hợp tăng chất lượng hạt gạo. Khi thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã hình thành được thói quen sử dụng giống lúa chất lượng cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm lúa gạo của bà con nông dân tham gia mô hình có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, giá thành sản phẩm được hạ thấp, gia tăng lợi nhuận. Cụ thể, khi áp dụng chương trình “5 giảm, 1 phải” đã giúp bà con nông dân tăng năng suất lúa từ 8-13%, tiết kiệm được các khoản chi phí đầu tư như: giảm từ 43-46% về lượng lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 9-15%, chi phí bơm nước giảm từ 29- 40%. Do đó, giá thành sản phẩm giảm hơn so với trước từ 9-10% và thu nhập của người trồng lúa cũng tăng thêm từ 2,6-2,8 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Không chỉ vậy, khi áp dụng chương trình “5 giảm, 1 phải” vào canh tác lúa sẽ tránh được việc sử dụng thừa phân đạm, lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trên cơ sở đó, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm đạt chất lượng, góp phần bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: “Biện pháp “5 giảm, 1 phải” là biện pháp kỹ thuật nâng cao từ biện pháp “3 giảm, 3 tăng” kết hợp tiết kiệm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Với mục đích giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa và lợi nhuận. Trên cơ sở đó làm tiền đề cho hướng sản xuất bền vững - sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GAP trong thời gian tới. Khi áp dụng biện pháp “5 giảm, 1 phải” không chỉ người dân thu lợi ích về kinh tế mà còn có tác dụng đẩy nhanh tiến độ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác lúa, từ đó giải quyết được tình trạng thiếu lao động trong thu hoạch lúa. Với lợi ích mang lại nên chúng tôi khuyến khích người trồng lúa nên vận dụng biện pháp kỹ thuật này vào canh tác nhằm thu được lợi nhuận cao trong quá trình sản xuất và nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu”.
Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: thống kê, điều tra, tính toán. Do đó, đảm bảo tính khoa học và chính xác cao. Với kết quả mang lại, đề tài đã cung cấp thêm kiến thức cho người trồng lúa để áp dụng vào thực tiễn sản xuất trong điều kiện yêu cầu xuất khẩu ngày càng cao và thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Đồng thời, giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách trong xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, thông qua các số liệu đáng tin cậy.
Việc áp dụng biện pháp “5 giảm, 1 phải” vào quá trình sản xuất lúa hàng hóa của bà con nông dân là rất thiết thực. Do đó, kết quả nghiên cứu của đề tài có khả năng ứng dụng rộng rãi, giúp người trồng lúa hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, đặc biệt sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường...
Bài, ảnh: Bích Châu/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: