» » ĐBSCL: 50% hộ trồng mía thua lỗ

Kết thúc vụ thu hoạch năm nay, số hộ nông dân trồng mía rơi vào cảnh thua lỗ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã lên đến 40-50%. Không ít người trong số họ buộc phải thay thế loại cây trồng này bằng những cây khác nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Có hơn 50% số hộ nông dân trồng mía bị lỗ do giá bán thấp. Trong ảnh là nông dân huyện Phụng Hiệp thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - địa phương có vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL- cho biết vụ mía năm nay không có hiện tượng dồn ứ nguyên liệu, tiêu thụ khó khăn như những năm trước, tuy nhiên giá bán lại rớt thấp, chỉ khoảng  750-800 đồng/kg, tức thấp hơn khoảng 100-150 đồng/kg so với mức giá được một số nhà máy cam kết bao tiêu cho nông dân.

Theo ông Tự, với diện tích mía nằm trong vùng quy hoạch của huyện (gồm các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Bún Tàu, Cây Dương và một phần của xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp) nông dân sản xuất còn có lãi chút ít, còn diện tích bên ngoài thì đa số nông dân đều lỗ. “Nhưng tính chung, với 9.553 héc ta mía của huyện, thì có hơn 50% diện tích, tương đương hơn 50% số hộ trồng mía bị lỗ”, ông Tự cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết vụ mía vừa qua, tại địa phương có khoảng 40% số hộ nông dân sản xuất bị lỗ, 15-20% số hộ huề vốn và phần còn lại có lãi nhưng cũng chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/héc ta.

Theo ông Nguyễn Văn Đua, nông dân trồng mía tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, với hơn 1 héc ta đất trồng mía, vụ thu hoạch vừa rồi gia đình ông đã lỗ hơn 10 triệu đồng. “Giá bán mía thấp, trong khi chi phí đầu tư như công thu hoạch, phí vận chuyển và giá vật tư đầu vào tăng… là nguyên nhân khiến chúng tôi sản xuất không có lời”, ông Đua nói.

Trước tình hình trên, bà con nông dân ở một số vùng chuyên canh cây mía ở ĐBSCL như Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… đã chuyển sang trồng cam, quýt, rau màu và một số loại cây  khác. “Bước đầu, theo chúng tôi ghi nhận, toàn huyện có hơn 366 héc ta đất trồng mía đã được chuyển sang các loại cây trồng khác, có hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Tự cho biết.

Còn theo ông Tâm, vụ mía mới của huyện Mỹ Tú chỉ xuống giống được 2.800 héc ta, giảm khoảng 300 héc ta so với vụ trước. “Số diện tích giảm đi được nông dân chuyển sang trồng lúa, rau màu và nhiều loại cây ăn trái khác”, ông Tâm nói.

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tình trạng nông dân phá mía chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu và đặc biệt là nuôi tôm nước lợ cũng xảy  ra phổ biến ở nhiều địa phương khác. Tại huyện Cù Lao Dung của Sóc Trăng, theo ước tính sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đã có hơn 200 héc ta mía được chuyển sang nuôi tôm. Tương tự, ở Trà Vinh cũng có hơn 300 héc ta.

Trung Chánh/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: