VINAGRI News - Năm 1952 ấy, chuyện nông dân thóc lúa đầy bồ không còn là một băn khoăn, mà là làm sao cho giá trị hàng hóa của gạo (xuất khẩu) cao hơn, nếu như có được những dòng lúa thơm ngon hơn. Xuân Giáp Ngọ này khi nghe lại "mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi", ắt hẳn những ai quan tâm đến vấn đề phát triển nông thôn sẽ phải nhíu mày vì lời chúc "lúa thơm hơi" ấy của NS Phạm Đình Chương (*) sao vẫn còn chưa thành sự thực.
Vấn nạn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 vẫn y hệt vấn nạn cho gạo xuất khẩu của Đông Dương hơn một thế kỷ trước. Năm 1918, Capus Guillaume, khi phân tích về gạo xuất khẩu của Đông Dương, đã từng viết: "Thương mại xuất khẩu gạo của Đông Dương từ lâu đã phải mất ăn đáng kể do yếu kém hơn so với các nước sản xuất những giống lúa gạo có giá cao hơn là Miến Điện, Mỹ, Ý, Nhật và Ấn Độ thuộc Hà Lan (Indonesia sau này - NV) cùng Ấn Độ thuộc Anh (tức Ấn Độ và Pakistan ngày nay - NV). Số thất thu này lên đến hàng triệu quan Pháp một năm, nhất là khi nay Đông Dương về mặt số lượng gạo xuất khẩu đứng thứ nhì trong số các nước sản xuất gạo, đạt 1,5 triệu tấn hàng năm, chỉ thua Miến Điện đứng thứ nhất.
Mong ước người nông dân no ấm, mùa màng bội thu
Những nguyên nhân của sự thua kém này đã được biết đến từ lâu, ghi nhận từ cách đây hơn 50 năm và bị tố cáo không ngừng như là một trở ngại cho việc bước vào cạnh tranh thương mại mọi mặt với các đối thủ trong các thị trường phương Tây. Ngay từ năm 1867, gạo của xứ Nam Kỳ đem dự đấu xảo thế giới đã cho thấy chất lượng kém... Đến năm 1875, Giám đốc Sở nội vụ Nam Kỳ ghi nhận rằng loại nông sản hầu như là mặt hàng xuất khẩu duy nhất của chúng ta không còn có chỗ chen chân trừ phi chấp nhận giá thấp...".
Một thế kỷ sau, cũng vẫn tồn tại vấn nạn chất lượng gạo không sánh nổi các đối thủ truyền kiếp. Ai có thể làm gì hơn cho nông dân thoát khỏi cảnh "nghèo vẫn hoàn nghèo"? Câu trả lời xin nhường cho các nhà làm chính sách "phát triển nông thôn".
Trong khi chờ đợi xin kể một câu chuyện. Khi bắt đầu biết ăn và đòi ăn, tôi đã nghe người ta gọi mãng cầu xiêm, vịt xiêm, dừa xiêm; nay già rồi, lại phải nghe xoài Thái, nhãn Thái, me Thái, boòng boong Thái, chôm chôm Thái, sầu riêng Thái... Và thú thiệt, trái cây của Thái bự và ngon hơn của ta! Quái lạ, hết "xiêm" (Siam) nay là Thái! Tại sao giống má của ta cứ phải chào thua giống Thái ngay trên sân nhà vậy? Có công bằng không khi cứ bó tay để cho nông dân phải trồng những giống lúa giá bèo như IR50404 vì sợ thất mùa, vì năng suất cao... hay những giống cây ăn trái đèo đuột?
Gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước
Nếu người nông dân cứ chưa chịu nghe theo cái mới, thì đó không phải là lỗi của họ, lẽ ra các nhà hoạch định chính sách phát triển nông thôn phải cùng "sống chết" với nông dân mà lôi họ theo và các nhà giáo dục và đào tạo phải thiết kế một hệ thống trung học cộng đồng bên cạnh các lớp cấp 3 phổ thông trung học để đào tạo nền tảng nông nghiệp, theo đặc điểm trồng trọt, nuôi trồng từng vùng miền, như là một hệ cấp 3 chuyên ngành "kinh tế nông thôn" - một loại trường trung học chuyên nghiệp mới.
Nhìn lại câu chuyện trên về hạt gạo xuất khẩu hay bất cứ nông sản, thủy sản nào khác ở Việt Nam có thể thấy người nông dân, ngư dân trực tiếp sản xuất sao cứ chỉ "vỗ béo" các doanh nghiệp thu gom, xuất khẩu! Thị trường thế giới lên hay xuống, cũng chỉ nông, ngư dân lãnh đủ. Nếu không điều chỉnh được mối quan hệ này, e rằng đứt gãy xã hội sẽ ở đó. "Người thương gia lợi tức" mà "người nông dân không vui lúa thơm hơi", thì rõ ràng là không ổn.
(*) Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó…
Trích: Lời ước thế kỷ 21 - TBKTSG Số xuân
Không có nhận xét nào: