VINAGRI NewsTôi không biết ở đâu đó trên đất nước này, liệu người ta có ước mơ này hay không, nhưng ở Ðà Lạt, đó là một mơ ước đàng hoàng. Ðược làm chủ vườn, trồng nên những thứ rau - hoa tử tế, được làm nông dân không chân lấm tay bùn, lại là điều không dễ trong tầm tay của rất nhiều người.

Nếu ai đó không phải là cư dân của vùng đất này, thấy một ai đó đi ủng (vẫn còn vương chút bùn đất) ngồi đĩnh đạc trong một nhà hàng, nhấp nháp ly rượu vào một buổi chiều se lạnh, hay ly cà phê trong mỗi buổi sáng, xin đừng ngạc nhiên. Họ, những nông dân Đà Lạt chính hiệu, chân chất nhưng cũng vô cùng lịch lãm, biết dùng smart phone để kết nối internet và làm cái nghề được người khác tôn trọng. 

Câu chuyện về một cô gái trẻ

Thủy (phải) cùng bạn trong vườn dâu Biofresh

Thủy, một cô gái còn rất trẻ và đẹp. Nếu nói cô là nông dân, hẳn rất nhiều người không tin và còn cho đó là sự bông đùa, có phần thiếu thiện cảm đối với một cô gái thông minh, học vấn cao và cực kỳ sành điệu theo đúng nghĩa. Nhưng cô thực sự là một nông dân chính hiệu, nếu chỉ xét theo nghĩa đổ mồ hôi cho đất. Hơn thế, cô còn là một nông dân tham vọng nếu nhìn vào những dự án đầy hoài bão mà cô đang thực hiện.

Vài năm trở lại đây, cái tên Biofresh gần như là sự đảm bảo cho thương hiệu dâu tây sạch ở Đà Lạt. Thủy là bà chủ và đồng thời cũng là người trực tiếp điều hành tất tật mọi việc của công ty này. Học du lịch chuyên nghiệp, nhiều năm làm quản lý trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng cả ở Việt Nam và nước ngoài. Theo chồng từ Pháp trở về Đà Lạt sinh sống, yêu mảnh đất này, Thủy đã chọn nghề làm nông nghiệp để gắn bó. Cô chọn dâu tây để trồng cũng chỉ vì một chút “bực mình”, bởi phần lớn giống dâu đang được nhà vườn trồng nhan nhản ở thiên đường dâu tây của cả nước lại cho loại quả có màu sắc không đẹp và nhàn nhạt về vị, như lời cô nói. 

Những diện tích dâu tây đầu tiên, được Thủy cất công mang giống từ Pháp và nhờ các chuyên gia nông nghiệp của Hà Lan cắm rễ tại khu nông nghiệp công nghệ cao Đa Nhim (huyện Lạc Dương). Vụ mùa quả ngọt đầu tiên, gần như cô chỉ đem tặng, làm quà cho người thân, cho bạn bè, cho đối tác để kiểm chứng và có thêm động lực. Hiện tại, dâu tây Biofresh được trồng theo phương pháp thủy canh, trong nhà kính lùn của Thủy đã trở thành món ngon được đảm bảo bằng thương hiệu, sự tin cậy của các nhà hàng, siêu thị lớn tại Sài Gòn.

Thành công ban đầu ấy, không làm cô gái sinh năm 1981 có được sự thảnh thơi. Cô tiếp tục đổ mồ hôi cho đất để chinh phục những thử thách đầy tham vọng khác. Dâu tây được cô biến thành một chuỗi sản phẩm mang lại giá trị trên nhiều khía cạnh. Những vườn dâu siêu sạch thành địa điểm tham quan cho du khách trực tiếp làm nông dân, dâu tây loại một được xuất cho các nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội, Sài Gòn, phần còn lại cô cho vào nhà máy chế biến để làm mứt và nước ép trái cây.

Sau khu vườn dâu tây kết hợp điểm tham quan và chế xuất tại khu vực Thung lũng Tình Yêu, Thủy giờ lại bận rộn với dự án hơn ba mẫu tại khu vực hồ Than Thở, mà cô dự định sẽ mở cửa đón khách vào đúng dịp Đà Lạt sinh nhật tuổi 120. “Chẳng có lý gì mà người nơi khác đến đây làm giàu được trên mảnh đất này, còn mình lại không”, cô tự tin nói. Nếu quen biết (hay có dịp), ngồi ở đâu đó với Thủy trong một quán cà phê, dẫu chỉ là quán cóc ven đường, chắc hẳn sẽ chẳng có ai thấy tiếc nuối, tôi quả quyết vậy!

Chuyện của người đàn ông mở đường trồng rau

Anh Mai Văn Khẩn trong vườn rau 

Con đường bê tông vắt xuyên qua núi Hòn Bồ (làng hoa Thái Phiên) vào “vườn rau” rộng vài chục hecta của anh đẹp và mềm mại như một dải lụa trắng. Nếu nói ai đó, bỏ ra hơn tỷ đồng làm đường chỉ để thuận tiện cho việc đi lại vào vườn trồng rau, tôi chắc cũng ít có người tin.

Con đường không dài, độ chừng trên dưới 2km, vắt qua những triền đồi thấp ấy có cái gì đó giống cuộc đời anh. Cuộc đời của một con người, thực sự đi lên từ đất, bám mặt vào đất, đổ mồ hôi vào đất... dù không phải ít cơ hội để có cuộc sống không phải vướng bận với đất. Hẳn nhiên cái suy nghĩ, phải quyết chí “làm giàu từ đất” đã không còn hiếm của nhiều người từ vài năm trở lại, nhưng cũng không thực sự nhiều đối với đám trai làng có hiểu biết, có kiến thức, sẵn sàng ra đi tìm cơ hội cho mình, miễn sao thoát được cái “xứ quê”.

Với “Khẩn rau” của làng hoa Thái Phiên lại khác, anh gắn với đất như một định mệnh, trồng thành công những loại rau mang thương hiệu Đà Lạt lại là mục đích sống của anh, kể từ lúc trưởng thành. Gần như không có thời gian nghỉ ngơi, anh lội vườn xem từng luống rau, băng cà rốt với những người làm ngay sau khi “quần đóng, áo thùng” tham dự một hội nghị, lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ nào đó của thành phố về nông nghiệp công nghệ cao. Sẵn sàng xếp rau đóng thùng xuất hàng đi cùng với vợ, ngay khi trở về từ Hội chợ Nông sản Đông Nam Á, tại Thái Lan, Singapore... cùng với giới chức địa phương. Gương mặt lam lũ, nhưng người nông dân “hàng hiệu” này lại có phong thái tất bật như một anh “chạy việc” văn phòng ban ngành nào đó, dù anh là một ông chủ thực sự (với tài sản nhiều tỷ đồng), có đủ điều kiện, dư sức tạo cho mình bớt phải đi lại hơn. “Làm nông ở Đà Lạt, có đất, có sức, chịu khó suy nghĩ một chút mà nghèo, thì phải xem lại”, anh chắc chắn với tôi điều đó. Tôi biết, anh đã từng nghèo, từng phải đánh vật với đất, với từng luống rau để mưu sinh, để kiếm cơm từng bữa, từ những ngày mới khởi nghiệp. Giờ có lẽ cũng vậy, anh vẫn đang “nghèo”, vẫn phải oằn vai để làm sao cây sú, cải thảo, lơ, xà lách ... những loại rau thương hiệu của Đà Lạt phải chất lượng và năng suất hơn nữa.

Không chỉ ở phạm vi hẹp của Làng hoa Thái Phiên, mà ở Đà Lạt hay rộng hơn, cái tên “Khẩn rau” là một sự tin cẩn và tín nhiệm. Những đồng nghiệp muốn viết bài về nông nghiệp công nghệ cao, thông qua Hội Nông dân thành phố, phường, người ta giới thiệu anh, tìm một cái tên để tuyên dương “nông dân sản xuất giỏi”, anh sẽ được đề cử ... Nhiều hơn thế, anh còn được chính những người nông dân khâm phục bởi sự tử tế trong cách trồng rau của mình.

Chuyện kể thêm...

Hòa không phải là một đại gia trong lĩnh vực SX nông nghiệp, anh yêu đất, yêu rau hoa nơi mình sinh ra một cách lạ kì

Hòa, trạc tuổi với tôi, cái tuổi vừa qua ngưỡng “Tam thập nhi lập”. Vì thế, tôi hay ngồi với anh trong những lần cà phê chia sẻ, cuộc nhậu tán gẫu, kể cho nhau tuốt tuột chuyện đời, chuyện nghề của nhau. Tôi hay đùa: “làm nhiều tiền để đâu cho hết, nghỉ đi chơi thôi!”.

- “Phải làm cho bằng bạn bằng bè chứ, lúc đó chơi chưa muộn”- Hòa thường khước từ sự rủ rê của tôi bằng sự tế nhị, có phần hài hước.

Hòa không phải là một đại gia mới nổi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bởi ở cái xứ sở rau hoa này, tài sản và vốn liếng “tầm tầm” trên dưới 1 tỷ đồng của anh, trạc tuổi như anh có thể đếm không hết. Điều quan trọng, mà tôi thích thú, đó chính là cách anh yêu đất, yêu rau hoa nơi mình sinh ra, yêu một cách lạ kì.

Lấy vợ, ra ở riêng, dù còn trẻ nhưng anh lại tạo cho mình cách lập nghiệp theo suy nghĩ của những người đứng tuổi, chắc chắn và ổn định. Chuyên sản xuất giống các loại rau củ cung cấp cho nhà vườn mới chỉ vài năm, nhưng Hòa cũng đã kịp xây cho mình một ngôi nhà khang trang và chút vốn lận lưng dành cho những dự định lớn hơn trong vài năm tới. Anh nói: “làm giống cũng như chơi đồ chơi trẻ con, cẩn thận một chút, tránh đổ vỡ là được. Không giàu nhanh nhưng ổn!”. Hòa cũng như rất nhiều nông dân trẻ khác của Đà Lạt đang sống bằng quan điểm của giới trẻ hiện đại - Làm nghiêm túc và chơi hết mình. Ngày vào vườn, anh có thể làm bất cứ công việc nào của một người làm thuê, tối quần jean, áo da hàng hiệu, Iphone cầm tay, cưỡi xe ga đời mới, đàng hoàng, tự tin vào bar tự thưởng cho mình chút rượu mạnh. 

Ở Đà Lạt, thành phố của rau hoa, của những điều lãng mạn và kì diệu đang có một ước mơ mà lớp trẻ khao khát được trở thành kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, “Về làm nông dân ...”. Bởi họ biết, mảnh đất phồn sinh ấy luôn dành cho họ những điều tốt đẹp và chưa bao giờ khép lại cơ hội nếu không từ bỏ và quay lưng với đất. 

Phóng sự: Đặng Tuấn Linh/ Báo Lâm Đồng

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: