» » » Nghề cá tra ĐBSCL - đến lúc phải làm lại

VINAGRI NewsLuật Nông trại Mỹ 2013 đã được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần rồi, trong đó có điều khoản quy định các sản phẩm thịt, cá, trứng nhập khẩu vào Mỹ đều phải dán nhãn xuất xứ nuôi trồng, nơi giết mổ và cách thức giết mổ tương thích với ngành đó tại nước này.

Thu hoạch cá tra nuôi bè tại An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Rõ ràng đây là rào cản thương mại rất lớn mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra trong nước phải vượt qua để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác đây cũng là yêu cầu khách quan để thực hiện tái cơ cấu ngành. Bài viết dưới đây đưa ra một cái nhìn khá toàn diện về nghề cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy đâu là những điểm yếu cần được khắc phục để đáp ứng yêu cầu mới.

Nghề cá tra còn rất non trẻ, lần đầu tiên có sản phẩm xuất khẩu vào khoảng năm 1997, xuất khẩu 465 tấn, thu về 1,65 triệu đô la Mỹ, nhưng chỉ 14 năm sau, năm 2011 xuất khẩu 1,2 triệu tấn, thu về 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 1.094 lần!

Trong khi đó, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gạo là 3,5 tỉ đô la Mỹ, chỉ lớn hơn tiền xuất khẩu cá tra 1,94 lần, trong khi nghề lúa gạo ở nước ta đã có hàng ngàn tuổi!

Nghề cá tra không những mang lại rất nhiều ngoại tệ, mà còn có một lợi thế đặc biệt là sử dụng rất ít diện tích đất đai và lao động. Năm 2011, với diện tích nuôi chỉ có 6.200 héc ta, số lượng xuất khẩu 1,2 triệu tấn, thu về 1,8 tỉ đô la Mỹ. Một lợi thế rất lớn của cá tra Việt Nam là sản phẩm gần như độc quyền, cho đến nay vẫn chiếm 97% thị phần xuất khẩu toàn thế giới.

Từ năm 1997-2002, cá tra Việt Nam chỉ xuất khẩu vào Mỹ, được người Mỹ ưa chuộng, vì ngon và giá rẻ, lấn át thị trường. Năm 2001, Hiệp hội Cá da trơn Mỹ kiện Việt Nam đã xâm phạm thương hiệu của họ, và cá tra Việt Nam thua kiện, không được dùng tên “catfish”. Người Mỹ thắng kiện, nhưng trớ trêu thay, khi cá Việt Nam mang tên cá tra Việt Nam, thì thị phần trên đất Mỹ không bị thu hẹp, mà càng mở rộng, năm 2001 người Mỹ tiêu thụ 1.735 tấn, năm 2002 tiêu thụ gần 28.000 tấn, nhiều hơn đến 16 lần!

Tháng 6-2002, Hiệp hội Cá da trơn Mỹ CFA lại đệ đơn lên Ủy ban Hiệp thương quốc tế Mỹ (ITC), kiện cá tra Việt Nam, theo luật chống bán phá giá của nước Mỹ. Cá tra Việt Nam lại thua kiện, phải nộp cho nước Mỹ thuế chống bán phá giá. Nhưng vụ kiện nổi tiếng này cũng đã mặc nhiên quảng cáo cho cá Việt Nam ra khắp thế giới là “ngon, rẻ, người Mỹ rất ưa chuộng, áp đảo cá Mỹ trên đất Mỹ”. Kết quả cuối cùng là, hơn 130 nước đua nhau mua cá tra Việt Nam, tạo ra cuộc bùng nổ thị trường, đẩy sự nghiệp cá tra Việt Nam phát triển như vũ bão.

Nhưng thật vô cùng đáng tiếc, trong khoảng một năm nay, nghề cá tra đang lao từ đỉnh cao chói lọi xuống vực thẳm phá sản. Cụ thể, giá xuất khẩu cá tra giảm liên tục, từ khoảng 4 đô la Mỹ/ki lô gam năm 1997 xuống còn 1,51 đô la Mỹ năm 2011 và 1,36 đô la Mỹ năm 2012, giảm xấp xỉ ba lần; trong khi giá thức ăn cho cá ngày càng leo thang. Nông dân nuôi cá nếu không bị phá sản thì cũng phải “treo ao”. Nghề cá tra, tuy xuất khẩu tới gần 2 tỉ đô la Mỹ/năm, nhưng vẫn ở tình trạng manh mún, được điều hành theo tư duy tiểu nông, sản xuất nhỏ.

Tại sao nên nông nỗi này?

Tại sao giá xuất khẩu cá tra giảm liên tục?

Ai cũng biết, giá cả thị trường của hàng hóa có cùng chất lượng luôn luôn được quyết định bởi các quy luật cơ bản là cung - cầu, lạm phát, các loại thuế.

Về “cung - cầu”, lượng xuất khẩu cá tra vẫn tăng hàng năm, chứ không hề giảm bớt, cho nên ý kiến của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng “cá giảm giá là do cung nhiều và cầu ít” là sai, và từ đó, giải pháp VASEP đưa ra “Chính phủ cấp hạn ngạch nuôi cá cho các tỉnh” cũng không phù hợp. Hơn nữa, quy luật cung cầu phát huy mạnh mẽ đối với những mặt hàng có nhiều người bán. Riêng cá tra, Việt Nam là người bán độc quyền (chiếm 97% thị trường thế giới), gần như “một mình một chợ”, lẽ ra Việt Nam có lợi thế về quyết định giá cả. Như vậy, việc giảm giá không phải do quy luật “cung - cầu”.

Về lạm phát, ai cũng biết lạm phát tăng thì giá cả của mọi loại hàng hóa đều tăng theo. Trong những năm qua, Mỹ, EU và các nền kinh tế lớn trên thế giới đều lạm phát. Nhưng giá cá Việt Nam lại giảm, là trái với quy luật. Về các loại thuế, mười mấy năm qua, đối với cá tra hình như chưa có nước nào tăng hay giảm thuế (ngoại trừ Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá từ năm 2003 tới nay). Như vậy, việc giảm giá bán cá tra cũng trái với quy luật này.

Vậy nguyên nhân ở đâu? Có thể so sánh, tại sao trong cùng một khoảng thời gian giá gạo đã tăng khoảng gần ba lần, trong khi giá cá giảm hơn ba lần. Theo phân tích ở trên, việc giảm giá xuất khẩu cá tra chắc chắn không theo quy luật chung. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu ở chỗ: các doanh nghiệp xuất khẩu đã đua nhau cạnh tranh giảm giá nhằm tranh thủ tăng số lượng xuất khẩu của riêng mình. Tuy việc giảm giá sẽ dẫn đến giảm bớt suất lợi nhuận, nhưng tổng lợi nhuận của riêng đơn vị mình lại tăng thêm nhờ vào số lượng xuất khẩu tăng lên.

Một doanh nghiệp áp dụng phương pháp này, buộc các doanh nghiệp khác cũng phải làm theo, mức giảm giá của doanh nghiệp sau phải mạnh hơn doanh nghiệp trước thì mới giành được khách hàng. Phản ứng dây chuyền đó dẫn đến sự sụp đổ không cưỡng nổi của toàn cục. Phải chăng đây thực sự là nguyên nhân chính, là bắt nguồn từ tư duy của giới tiểu thương chợ nhỏ “đắt hàng hơn nhiều lời”, từ “hiệu ứng bầy đàn” của nền sản xuất tiểu nông?

Tại sao nông dân nuôi cá nếu không bị phá sản thì cũng phải “treo ao”?

Hiện nay toàn bộ việc nuôi cá, nghĩa là tất cả nguồn cá nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đều từ các ao nuôi cá của nông dân. Công việc này là khó khăn nhất và nhiều rủi ro nhất.

Sản phẩm của nông dân chỉ có thể bán cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, phần bán ra thị trường tiêu thụ nội địa không đáng kể. Trong điều kiện này, giá bán phụ thuộc vào người mua, trong khi người mua đang đua nhau giảm giá xuất khẩu, chắc chắn họ tìm mọi cách ép giá cá nguyên liệu xuống rất thấp. Trong năm qua hầu hết người nuôi cá đều bị lỗ, mức lỗ lên tới 15-30%.

Ngoài ra, sản phẩm cá không thể tích trữ được. Khi cá đến tuổi thu hoạch, bắt buộc người nông dân phải bán, dù đắt dù rẻ, dù lỗ dù lãi, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ép giá, đẩy phần thua thiệt và lỗ lã về người nuôi cá.

Trong khi đó, vốn nuôi cá là rất lớn so với vốn liếng của người nông dân, bắt buộc họ phải vay ngân hàng. Những năm thuận lợi, lãi suất ngân hàng chỉ khoảng trên dưới 12%/năm, người nuôi cá có lời, bởi khi đó lãi do nuôi cá khoảng 15-20% cho một lứa cá, mỗi năm hai lứa thì lãi đạt 30-40%, trừ lãi ngân hàng, người nuôi cá có thể lãi khoảng 15- 20%/năm. Nhưng năm 2012 và đầu năm 2013 lãi suất vay ngân hàng lên trên 20%, bán cá lại phải chịu lỗ 15-30%, người nông dân không lấy đâu ra tiền trả lãi ngân hàng, những người còn vốn liếng những năm trước thì dồn hết để thoát nợ, kể cả bán hết cơ nghiệp, rồi treo ao, những người vốn liếng dự trữ ít thì đành chịu phá sản, bỏ nghề. Còn có những người không còn tiền trả nợ, bế tắc hoàn toàn đành tìm con đường tự vẫn.

TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM HASCON (theo TBKTSG)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: