» » » Khôi phục diện tích cà phê bị cháy do sương muối

VINAGRI NewsTừ giữa tháng 12-2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo sương muối xảy ra trên diện rộng làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cây cà phê bị thiệt hại nặng nề, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của nông dân. Trước tình hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tăng cường đội ngũ cán bộ khuyến nông về cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nhân dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) các biện pháp khắc phục cà phê bị thiệt hại do sương muối.
  
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao đổi: Ngay sau đợt sương muối cuối tháng 12-2013, Trung tâm đã thành lập đoàn công tác trực tiếp tới các địa bàn có có diện tích cà phê bị thiệt hại tại Thành phố, huyện Mai Sơn và Thuận Châu; chỉ đạo các Trạm Khuyến nông đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng chống rét cho cây cà phê và các phương án nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do sương muối gây ra. Đội ngũ cán bộ khuyến nông cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các bản về kỹ thuật cưa đốn và tỉa cành cà phê bị ảnh hưởng do sương muối, cùng các biện pháp phòng, chống rét cho cây cà phê để triển khai tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trong bản thực hiện. Đối với bà con vùng tái định cư thủy điện Sơn La, do mới trồng cà phê, chưa có nhiều kinh nghiệm, cán bộ khuyến nông đến từng bản hướng dẫn bà con cách đốn chặt hợp lý và chăm bón kịp thời.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 1.600 ha cà phê bị thiệt hại do sương muối, tập trung ở các xã Chiềng Mung, Chiềng Ban (Mai Sơn); Hua La (Thành phố) và Phổng Lăng, Phổng Lái (Thuận Châu)... Hiện tại, thời tiết vẫn diễn biến rất phức tạp: buổi tối và sáng sớm rét đậm, rét hại kèm theo sương muối, ban ngày trời nắng to, gió mạnh, ẩm độ không khí thấp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, khiến cây cà phê dễ chết cháy nên bà con cần chủ động các biện pháp chăm bón và phòng chống rét, sương muối cho cây cà phê.

Căn cứ Quyết định Số: 49/2012/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ngày 31 tháng 12 năm 2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, người dân có diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến dưới 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

Đến gia đình ông Hoàng Văn Chất, ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban (Mai Sơn), chúng tôi thấy xót xa: 4,7 ha cà phê của gia đình ông sau hai đợt sương muối hoành hành đã chuyển sang màu nâu sậm, lá cháy xém, thân cành khô khốc. Ông Chất nói: Cán bộ khuyến nông đã đến hướng dẫn chặt gốc, bôi vôi, tủ gốc rồi, nhưng vì đã giáp Tết, không thể thuê được nhân công để đốn chặt cây nên đành chờ qua Tết, đến tiết lập xuân mới thực hiện.

Tại một số bản lân cận, phần lớn diện tích cà phê bị ảnh hưởng đều chưa được đốn chặt; một số diện tích đã đốn chặt, mặc dù Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn đã tăng cường cán bộ đến các bản vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, nhưng một số hộ chưa tuân thủ đúng kỹ thuật cưa đốn, không che phủ, tủ gốc giữ ấm, giữ ẩm... cây sẽ khó phục hồi. Xã Chiềng Ban có khoảng 1.000 ha trồng cà phê, theo đánh giá có 500 ha cà phê bị thiệt hại. Đây là lần thứ hai cây cà phê bị sương muối làm thiệt hại nặng (lần thứ nhất vào năm 1999) nên bà con cũng đã có kinh nghiệm. Những diện tích không thể phục hồi, sẽ trồng dặm để đảm bảo mật độ, bón thêm phân... cây cà phê phục hồi được cũng mất hai, ba năm cà phê mới lại cho thu nhập. Không riêng gì Chiềng Ban, nhiều hộ trồng cà phê ở xã Hua La (Thành phố) và Phổng Lái, Phổng Lăng (Thuận Châu) cũng đang điêu đứng, bởi cà phê chưa kịp thu hết, đã mất nguồn thu quả vụ này, lại thêm tiền công thuê người chặt cây, tủ gốc tránh sương muối, chăm bón...

Chưa thể thống kê đầy đủ con số thiệt hại do giá rét, sương muối gây ra trên cây cà phê, song việc làm trước mắt là cùng với việc tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống sương muối, ngành chức năng và các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ nông dân giống cây ngắn ngày trồng xen trong những diện tích cà phê bị cưa đốn, giúp nông dân giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ngoài tủ gốc giữ ấm, giữ ẩm, hun khói, tưới nước cho cà phê, che chắn cho cây cà phê mới trồng và cây cà phê tại vườn ươm... đối với diện tích cà phê bị ảnh hưởng của sương muối cần thực hiện các giải pháp sau:

- Đối với vườn cà phê đang trong thời kỳ cho quả, nếu cây bị ảnh hưởng một phần thì cắt tỉa, bỏ hết phần lá, cành bị cháy khô, vị trí cắt cách điểm cành bị chết cuối cùng khoảng 5 cm; chỉ cắt những cành, lá bị khô cháy, cắt xong tận dụng lá làm vật liệu để ủ gốc cà phê. Vết cắt ngọt, mịn cành, không bị dập nát.

- Đối với cây cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tất cả các lá, cành trên cây đã bị khô cháy hết: dùng cưa cắt bỏ toàn bộ thân chính. Vị trí cắt cách mặt đất 20-25cm, cắt vát nghiêng 1 góc 45o, vết cắt phải phẳng mịn, cắt theo hướng đông Tây, phần vát nghiêng từ hướng đông sang tây (bên phía tây vết cắt cao hơn phía đông) để ánh nắng buổi chiều không chiếu vào vết cắt làm khô cây. Khi cắt cây xong dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, thu gom cành, lá và rơm rạ làm vật liệu ủ kín gốc.

Thái Bảo/ Báo Sơn La

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: