» » » Định vị trọng tâm ngành Mía đường

VINAGRI NewsMuốn chủ động hơn khi gia nhập sân chơi thương mại chung, ngành Mía đường cần xác định vị trí của người sản xuất là trọng tâm trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước do chưa có vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa hoàn toàn.

Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đường từ mía do nông dân Việt Nam trồng trong nước đã cung cấp thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cụ thể, niên vụ 2012-2013 lượng dư thừa 400.000 tấn và dự kiến niên vụ 2013-2014, lượng dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn.

Tồn kho “to” - vùng nguyên liệu “nhỏ”

Các quốc gia đứng đầu về sản xuất đường như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan… giá mía mua vào chỉ xoay quanh  mức 30-35 USD/tấn với chất lượng mía cao, thì các nhà máy chế biến đường ở Việt Nam phải chấp nhận mua mía với giá từ 45-50 USD/ tấn nhưng chất lượng mía thấp hơn. Hiện giá đường cát trên thị trường trong nước đã giảm, đang dao động ở mức khoảng 15.000-16.000/kg.

Đây là mức giá chỉ đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất từ hòa vốn đến lỗ nhẹ. Mặc dù thời điểm năm mới cận kề, đồng nghĩa với mùa vụ làm ăn “nóng sốt” nhất của ngành Mía đường hằng năm nhưng hiện sức tiêu thụ mặt hàng này tăng ít. Lượng đường tồn kho cao khiến nhiều nhà máy dè dặt sản xuất, đồng thời hạn chế thấp nhất tình trạng dồn hàng, trữ hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân của việc tồn kho đường lớn là do ngành đường đang phải chịu sức ép từ 2 nguồn cung đường không chính thống là đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam và đường tạm nhập nhưng không tái xuất.

Cùng với đó, giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước do chưa có vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa hoàn toàn.

TS. Hà Hữu Phái, Trưởng Văn phòng VSSA tại Hà Nội, cho rằng để nâng cao năng suất và chất lượng mía thì chúng ta phải thực hiện việc dồn điền đổi thửa, phải đầu tư nhiều máy móc (nhất là phải có những máy cày công suất lớn để cày sâu 50-70 cm chứ không phải cày nông 20-30 cm như nhiều nơi hiện nay), giải quyết vấn đề thủy lợi, đường giao thông và nhất là công tác giống mía phải được quan tâm quyết liệt hơn nữa.

Bên cạnh đó, các nhà máy đường luôn nhận thức nguyên liệu là vấn đề sống còn nên rất quan tâm đầu tư hỗ trợ nông dân làm mía (từ vấn đề giống, phân bón, phục vụ tưới, tiêu cho mía đến tu bổ đường giao thông, mua sắm máy móc canh tác và thu hoạch mía…).

Đặt người trồng mía vào vị trí trọng tâm

Theo lộ trình đến năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước ASEAN sẽ về mức 0%.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho rằng trong quá trình hội nhập thì việc bảo hộ sẽ không còn. Vì vậy, các địa phương trồng mía phải rà soát lại, xem điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, quy mô trang trại có tốt bằng các đối thủ cạnh tranh khác, gần nhất là Thái Lan, các nhà máy đường cũng phải xem lại quy mô, công nghệ có bằng các nước trong khu vực hay không.

“Nếu không bằng họ thì tốt nhất là chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác”, ông Sơn nói.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong quá trình chuyển đổi, đối tượng cần chú ý nhất là nông dân, những nơi chưa chuyển được ngay, hoặc chuyển phải có điều kiện thì chúng ta phải có kế hoạch. Ví dụ như xây dựng hệ thống thủy lợi, hệ thống canh tác mới kể từ giống cho tới sau thu hoạch để người nông dân có thể chuyển sang các cây trồng vật nuôi khác hiệu quả hơn.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang triển khai việc xây dựng Nghị định về Mía đường. Hy vọng các vấn đề về nguyên liệu mía, tổ chức chế biến và tiêu thụ sản phẩm đường và các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết một cách bài bản, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Mía đường Việt Nam.

Đỗ Hương/ chinhphu.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: