VINAGRI News - Có được giống lúa chịu mặn, cho năng suất 20 giạ/công trên vùng đất sản xuất lúa - tôm là một thành công lớn của nông dân.
Giống lúa ST20 được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TTKNKN) tỉnh thực hiện tại huyện Thới Bình là một bước tiến mới trong việc nâng cao năng suất, chất lượng lúa thời gian tới.
Đây là thành quả được TTKNKN tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thực hiện tại 3 xã: Biển Bạch Đông, Trí Phải và Thới Bình (huyện Thới Bình).
Phát huy năng suất
Lần đầu tiên tham gia sản xuất giống lúa ST20 tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, ông Trương Thanh Hùng không khỏi lo lắng về sự thích nghi của loại giống mới này. Qua tập huấn kỹ thuật canh tác và bước đầu triển khai thực hiện, ông nhận thấy sự vượt trội của giống lúa, mặc dù thời tiết nắng hạn vừa qua là rào cản rất lớn cho sự phát triển của giống lúa.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ST20 tại hộ ông Trương Thanh Hùng cho năng suất 25 giạ/công.
Ông Hùng nhận định: “Trong cùng điều kiện thời tiết nắng hạn, nhưng giống lúa ST20 vẫn sinh trưởng và phát triển tốt so với giống Một bụi đỏ hay giống lúa lùn Kiên Giang. Về năng suất, hiện tại tôi thu hoạch được 22 giạ/công, cao hơn các giống lúa chịu mặn sản xuất tại vùng này”.
Giống như những hộ thực hiện dự án này, ông Trần Thanh Đô, ấp 1, xã Thới Bình, cho rằng, đây là giống lúa chịu mặn, phèn tốt, ít sâu bệnh so với giống lúa khác. Với năng suất đạt 4 tấn/ha trong điều kiện thời tiết vừa qua thì nông dân trong ấp cho rằng, đây là loại giống cho năng suất cao và chất lượng tốt đến thời điểm này.
Sau nhiều năm cải tạo vùng đất phèn, mặn và tìm cây, con giống phù hợp cho đồng đất của mình, anh Nguyễn Văn Mừng, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, cho rằng, giống lúa ST20 cho năng suất 5 tấn/ha là một bước đột phá về năng suất, quan trọng hơn hết là thích nghi tốt với mô hình sản xuất lúa - tôm.
Không những giống ST20 mang đặc điểm chịu phèn, mặn, kháng các loại sâu bệnh cao mà giá trị hạt gạo cũng rất tốt. Với hình dáng hạt dài, không bạt bụng, ngon cơm… nên loại gạo này được Công ty TNHH GFC Cần Thơ thu mua với giá cao và theo đó giá xuất khẩu cũng cao hơn các loại gạo thơm khác. Từ đó, nhiều hộ dân tiếp cận loại giống lúa này càng tin và an tâm sản xuất cho các vụ tiếp theo để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Tạo vùng nguyên liệu chất lượng
Ông Nguyễn Văn Tịnh, ấp Quyền Thiện, là hộ ngoài mô hình, cho rằng: “Đây là mô hình mới, thời gian sinh trưởng chỉ 100-115 ngày. Đúng như công bố chất lượng giống so với 135 ngày của giống Một bụi đỏ ở địa phương trên vùng đất lúa - tôm thì đây là mô hình hiệu quả về nhiều mặt.
Anh em ngoài mô hình nhận thấy, cần nhân rộng mô hình này để nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa trên đất nuôi tôm trong thời gian tới”.
Hiện nay, ngoài sự bao tiêu sản phẩm lúa ST20 với giá 6.600 đồng/kg, cao hơn giống Một bụi đỏ cùng canh tác tại địa phương 1.600 đồng/kg, Công ty TNHH GFC Cần Thơ còn thực hiện hợp đồng bán chịu lúa giống, hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm tận hộ dân sản xuất giống lúa này.
Sự liên kết chặt chẽ như thế không những mang lại hiệu quả kinh tế cho từng hộ dân chấp nhận sản xuất giống lúa mới chất lượng cao mà còn mở đường cho người dân ngoài mô hình bởi giá cả các loại nông sản, thuỷ sản vào chính vụ thường bấp bênh.
Chính vì vậy, việc nhân rộng diện tích sử dụng giống lúa ST20 trong năm 2014 là cần thiết, theo đó sẽ tạo ra vùng nguyên liệu gạo chất lượng cao. Tất cả những hộ dân thực hiện mô hình và không thực hiện mô hình tại các điểm trình diễn điều quyết tâm thực hiện và nhân rộng giống lúa ST20 chất lượng cao này nhằm tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung đáp ứng cho thị trường trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc TTKNKN tỉnh, cho biết: “Với kết quả này, việc nhân rộng diện tích từ 16 ha của 16 hộ tham gia mô hình lên 100-300 ha trong năm 2014 là khả quan. Bởi mô hình đã chứng minh được giống lúa chất lượng, phù hợp với vùng sản xuất tôm - lúa; cùng những giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo sự phấn khởi trong nông dân”./.
Bài và ảnh: Diệu Lữ/ Báo Cà Mau
Không có nhận xét nào: