VINAGRI News - So với cà phê, ca cao là cây công nghiệp mới phát triển hơn 10 năm nay. Thế nhưng, nhu cầu về ca cao thế giới theo dự báo sẽ bức thiết hơn, nguồn cung thiếu hụt khiến nhiều DN nước ngoài đang tập trung cho thị trường ca cao Việt Nam.
Nông dân huyện Eakar (Đăk Lăk) phấn khởi với vườn ca cao trĩu quả. Ảnh: D.H
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích ca cao cả nước khoảng hơn 22.000ha, tập trung nhiều nhất tại Tây Nguyên và ĐBSCL. Diện tích cacao hiện cho thu hoạch khoảng 11.000ha. Sản lượng hạt ca cao khô lên men năm 2013 là 6.765 tấn - tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, năng suất bình quân khoảng 6,1 tạ hạt khô lên men/ha. Ca cao Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu thô.
Với chất lượng hạt cao, những DN này đang chiếm lĩnh phần lớn vùng nguyên liệu ca cao VN và đầu tư cho sản phẩm này như một “đứa con cưng”. Tiềm năng của thị trường ca cao VN sẽ ra sao?
Niềm hy vọng mới của nông dân
Hợp tác xã ca cao huyện Ea Kar (Đắc Lắc) đang vào mùa thu hoạch. Chủ nhiệm HTX - ông Nguyễn Đức Quang - vừa chỉ cho tôi xem vườn ca cao trồng xen điều nhà ông tại thôn 12 (xã Easar), vừa phấn khởi chia sẻ: “HTX bắt đầu trồng ca cao năm 2007 theo mô hình xen điều. Đất trồng điều từ mấy chục năm nay đã quá xấu, bạc màu nhiều, nhưng ca cao vẫn trồng xen được, cho năng suất cao, mang lại nguồn kinh tế lớn!”.
Ông Hồ Sĩ Tịnh (62 tuổi, ở thôn 1, xã Ea Sar) hiện trồng 1,5ha ca cao dưới tán điều. Trước đây khi chưa có ca cao, vườn điều cho thu nhập 30-40 triệu đồng/năm. Từ 2007, ông bắt đầu trồng 100 cây ca cao, rồi mở rộng dần đến 2012 có tổng cộng 500 cây. Năm 2012, với sản lượng hơn 1 tấn hạt khô, ông thu tổng cộng 60 triệu đồng.
Tương tự, nhà chị Trần Thị Hải ở thôn 23 có vườn điều hơn 1ha, hằng năm cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Hiện tại với 900 cây ca cao trồng xen đang cho quả, chị thu hoạch được 8 tạ hạt khô với hơn 40 triệu đồng.
Giá hạt ca cao khô tại đây hiện dao động khoảng 53.000đ/kg và theo nhiều bà con nông dân, mức giá này hoàn toàn có lời bởi chi phí trồng ca cao không hề lớn. Vườn ca cao của chị Hải mỗi niên vụ chỉ chi phí khoảng hơn 5 triệu đồng tiền phân bón và 500.000đ tiền phun thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ ở Ea Kar, nhiều địa bàn khác của tỉnh Đắc Lắc hiện theo đuổi mô hình trồng ca cao xen điều hoặc trồng thuần ca cao từ những diện tích cà phê già cỗi không có khả năng tái canh.
Theo Sở NNPTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 2.000ha trồng ca cao và quy hoạch phát triển lên 6.000ha vào năm 2020. Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh - ông Huỳnh Quốc Thích - cho biết: “Ca cao lúc đầu được xem là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng càng làm mới thấy đây là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao.
Trồng cacao không đơn giản như cà phê, đến kỳ là tưới, mà phải thường xuyên chăm sóc, xử lý môi trường vì rất dễ bị sâu bệnh gây thối trái. Là cây trồng mới chưa tiếp cận hoàn toàn với kỹ thuật trồng ca cao và chưa có nhiều kinh nghiệm, nên thời gian qua một số diện tích phải chặt bỏ. Hiện nay, bà con hầu như đã nắm vững kỹ thuật trồng và diện tích ca cao đang được mở rộng dần”.
Ai đang chiếm lĩnh thị trường ca cao Việt Nam?
Ngoài Tây Nguyên, vùng nguyên liệu ca cao còn tập trung khá lớn tại một số tỉnh ĐBSCL với mô hình phổ biến là ca cao xen dừa. Theo dự báo của Tập đoàn thực phẩm Mars Icoporated (Mỹ), năm 2013, toàn thế giới thiếu hụt khoảng 160.000 tấn ca cao. Con số này sẽ lên đến 1 triệu tấn vào năm 2020, nhu cầu cacao sẽ bức thiết hơn.
Nhiều Cty thu mua ca cao như Cargill, Puratos Grand Place... đã đầu quân vào VN từ thời gian đầu trồng ca cao và ngấm ngầm một cuộc cạnh trang chiếm lĩnh thị trường. Hiện tại VN, tổng lượng ca cao khô mỗi năm khoảng 4.000 tấn. Những DN này không đơn thuần thu mua ca cao, họ còn tích cực hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón thông qua việc hợp tác hình thành các trung tâm phát triển ca cao (CDC).
Khảo sát thực tế mới thấy, cách làm bài bản, chuyên nghiệp này đã khiến hàng ngàn nông dân tại Đắc Lắc và Bến Tre trồng ca cao thành công.
Câu hỏi đặt ra là vì sao những DN này lại quá chú ý đến thị trường ca cao VN? Ông Đinh Hải Lâm – GĐ phát triển ca cao VN, Tập đoàn Mars Incoporated - đánh giá: “Chúng tôi cần những hạt ca cao thật sự chất lượng, được lên men, kích cỡ lớn và gần như 100% lượng ca cao của VN đáp ứng được yêu cầu này!”.
Theo ông Lâm, ca cao VN ngay từ đầu mới trồng đã là ca cao lên men, hạt to, không như Indonesia chỉ sản xuất ca cao không lên men, cấp thấp. Ca cao VN chỉ giao dịch trên sàn London với mức cộng thưởng do đạt chất lượng cao.
So với càphê, diện tích ca cao cả nước quá khiêm tốn. Phần lớn do quỹ đất đều đã hết, hoặc phải cạnh tranh khá khốc liệt với các cây trồng khác nên dù nhu cầu lớn, song mục tiêu đặt ra về mở rộng diện tích ca cao theo nhiều tỉnh là khó đạt. Nhưng với cách làm đúng quy trình, kỹ thuật, khâu kiểm soát chất lượng rất tốt ngay từ ban đầu, ca cao VN sẽ có tiềm năng phát triển bền vững trong những năm tới.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích ca cao cả nước khoảng hơn 22.000ha, tập trung nhiều nhất tại Tây Nguyên và ĐBSCL. Diện tích ca cao hiện cho thu hoạch khoảng 11.000ha. Sản lượng hạt ca cao khô lên men năm 2013 là 6.765 tấn - tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, năng suất bình quân khoảng 6,1 tạ hạt khô lên men/ha. Ca cao Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu thô.
Dương Hà/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: