VINAGRI News - Số liệu thống kê từ Bộ NN và PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sau 11 tháng năm 2013 chỉ đạt khoảng 25,25 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính vẫn duy trì đà sụt giảm từ trước đó, với mức giảm 11,3%. Chỉ có xuất khẩu thủy sản trở thành ngành mũi nhọn với đà tăng 9,1%.
Cà phê được mùa nhưng rớt giá
Cà phê sụt giảm mạnh
Với khối lượng xuất khẩu 11 tháng dừng ở 1,18 triệu tấn và kim ngạch đạt 2,51 tỷ USD, ngành cà phê đã sụt giảm tới 24,4% về lượng và gần 25% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu cà phê 10 tháng năm 2013 giảm khoảng 0,26%. Giá cà phê trong nước, vì thế có thời điểm xuống mức thấp kỷ lục trong 3 năm trở lại đây, chỉ còn ở mức xấp xỉ 30.000 đồng/kg, người trồng cà phê thua lỗ trầm trọng.
Tiếp nối là ngành hàng gạo với khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng dừng ở 6,29 triệu tấn và kim ngạch 2,78 tỷ USD, giảm 16,1% về lượng và gần 19% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu trung bình 10 tháng dù tăng nhẹ 9 USD/tấn, song giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam đang xuất khẩu lượng lớn gạo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khi lượng gạo sang thị trường này chiếm tới hơn 31% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngành hàng cao su cũng kết thúc 11 tháng với việc tăng được hơn 5% về lượng xuất khẩu nhưng giảm tới 12,2% về giá trị. Xuất khẩu chè dù giảm nhẹ hơn với đà giảm 5,3% về lượng và 0,1% về giá trị, song giá xuất khẩu cũng luôn giữ ở mức thấp.
Hạt điều, tiêu và thủy sản được cho là những điểm sáng chính trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng qua. Thế nhưng, theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp, bản thân nội tại những ngành hàng này cũng vẫn tồn tại nhiều điểm yếu.
Tăng giá trị, hướng tới hội nhập
Nhìn lại giai đoạn trước, có thể khẳng định, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm, nông nghiệp là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng tăng đều đặn. Trung bình giai đoạn 2011-2012, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 18,8%/năm, vượt xa chỉ tiêu 6-7% theo kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015 của Bộ NN và PTNT.
Thế nhưng, theo TS Đặng Kim Sơn, đến năm 2012, "bộ đệm an toàn” này đã không thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như các năm trước. Lý do là tăng trưởng nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, cùng mức sử dụng vật tư đầu vào cao nhưng hàm lượng đổi mới công nghệ và thể chế thấp. Sau thời gian dài khởi sắc, tăng trưởng nông nghiệp bắt đầu chững lại, giảm từ 4,5% năm 1995-2000 xuống 3,8% giai đoạn 2000-2005, 3,4% giai đoạn 2006-2011 và 2,7% năm 2012. Đồng thời, do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới đã khiến giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam giảm. Từ giữa năm 2012 tới nay, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính đều giảm giá dẫn tới đà sụt giảm kim ngạch như trên.
Song, đây cũng là thời điểm cần thiết để ngành nông nghiệp nhìn lại mình. Như ngành lúa gạo, dù vẫn chiếm tỷ trọng chính, nhưng hiệu quả kinh tế của cây lúa đem lại không cao. Hầu hết các cây trồng xuất khẩu chủ lực khác như cà phê, cao su… đã vượt quá diện tích được quy hoạch tới năm 2015, thậm chí 2020. Trong khi đó, năng suất nhiều ngành hàng đã tới hạn và có xu hướng giảm như cao su, hồ tiêu…
Không chỉ thế, ngành thủy sản và chăn nuôi phát triển nhanh, nhưng thiếu bền vững. Năng suất vật nuôi còn thấp, giá thành chăn nuôi cao, thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu… khiến nhiều hộ nuôi thủy sản treo ao, nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng.
Trong khi đó, tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ vẫn khá cao. Sự yếu kém trong quản lý chất lượng, cùng manh mún của nhiều chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN đã khiến giá bán thấp. Phần lớn nông sản xuất khẩu dù với số lượng lớn nhưng ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có mẫu mã bao bì, thương hiệu.
Cũng cần lưu ý, việc Việt Nam đang tích cực đàm phán tham gia hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương có thể mở cửa nhiều thị trường quan trọng tiêu thụ nông sản Việt như Mỹ, nhật Bản... Do đó, từ kinh nghiệm việc gia nhập WTO và các hiệp định tự do hóa thương mại trước đây cho thấy, có dành được lợi ích từ hội nhập hay không, hoàn toàn phụ thuộc mức độ đổi mới nội tại, xây dựng đội ngũ DN và tái cơ cấu nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, TS Sơn cho rằng, cần nhanh chóng có giải pháp trợ giúp các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để giữ vững ao nuôi và đầu tư tái đàn. Tập trung đầu tư kết hợp cải tiến tổ chức, phát triển toàn diện toàn bộ chuỗi ngành hàng, nhất là những ngành có lợi thế như lúa gạo, cá da trơn, cây công nghiệp… tại các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu trọng điểm. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh và hệ thống kho tàng, chế biến, vận chuyển… nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông sản.
Vũ Phong/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: